5 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam 8 tháng qua

18:10 08/09/2024

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 77,9 tỷ USD, tăng 25,4% so với năm trước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong cán cân thương mại với các đối tác lớn. Việt Nam xuất siêu hàng hóa sang Mỹ đạt 68,1 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất siêu sang EU cũng đạt mức 23,6 tỷ USD, tăng 22%, và xuất siêu sang Nhật Bản đạt 1,7 tỷ USD, tăng 30,5%.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng ghi nhận nhập siêu từ một số quốc gia lớn, đặc biệt là Trung Quốc với mức nhập siêu đạt 54,4 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu từ Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 12,1%, và từ ASEAN đạt 5,8 tỷ USD, tăng 14,8%.

5 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam 8 tháng qua
5 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam 8 tháng qua.

Về mặt xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 77,9 tỷ USD, tăng 25,4% so với năm trước. Trung Quốc đứng thứ hai với 37,9 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 2,8%. Xuất khẩu sang EU đạt 34,4 tỷ USD, tăng 18,5%. ASEAN là thị trường lớn thứ tư với 24,5 tỷ USD, tăng 11,9%, tiếp theo là Hàn Quốc với 16,9 tỷ USD (tăng 8,3%) và Nhật Bản với 16,1 tỷ USD (tăng 5,6%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 6 thị trường chủ chốt này đạt 207,7 tỷ USD, chiếm 78% tổng giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2024.

Về nhập khẩu, Việt Nam chi 194,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ 6 thị trường lớn, chiếm 79% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc dẫn đầu với 92,3 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai với 36,9 tỷ USD, tăng 10,3%. ASEAN đứng thứ ba với 30,3 tỷ USD, tăng 12,5%. Nhật Bản và EU có kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 14,4 tỷ USD (tăng 3,1%) và 10,8 tỷ USD (tăng 11,4%). Nhập khẩu từ Mỹ đạt 9,8 tỷ USD, tăng 6,9%.

Để lên kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ, trước khi chuyển hàng, nhà xuất khẩu phải kiểm tra những hạn chế trong việc nhập khẩu của Mỹ, ước tính phí hải quan, cung cấp chứng từ theo quy định khi đặt vận chuyển hàng và cung cấp đủ chứng từ theo yêu cầu của các cơ quan có liên quan. Nhà nhập khẩu cần phải nắm rõ được sẽ phải làm việc với cơ quan nào chịu trách nhiệm về các quy định nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.

Trong quá trình chuyển hàng, doanh nghiệp cần có giấy đảm bảo nợ thuế hải quan, trung thực khai báo hải quan, kiểm tra đội chính xác của chứng từ và nộp phí hải quan đúng quy định. Ngoài ra, tùy thuộc vào sản phẩm cụ thể mà Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) sẽ làm việc cùng các cơ quan khác như: Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA), Cục Kiểm soát rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ (ATF)…

Các cơ quan này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau cho mỗi loại sản phẩm. Để xuất khẩu được vào Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ... Tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng các cam kết quốc tế về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Không tiếp tay cho hàng hóa từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba.

Linh Anh