Ai tiếp tay cho những "phi vụ" lấn chiếm kênh rạch ở TP Thủ Đức? - Bài 2: Chiêu trò cũ nhưng khá tinh vi

19:24 11/02/2022

Lấn chiếm kênh rạch, xây dựng không phép là vấn nạn xảy ra nhiều năm nay ở TP Hồ Chí Minh. Khi chính quyền có những biện pháp “mạnh tay” thì tình trạng vi phạm Luật Đất đai có phần lắng xuống. Tuy nhiên, việc lấn chiếm kênh rạch ở các quận, huyện vùng ven như TP Thủ Đức vẫn cứ âm thầm diễn ra, nhất là các khu vực có kênh rạch, dừa nước chằng chịt.

Mánh khóe để chiếm đất kênh rạch

Trong vai người đi mua đất, những ngày đầu xuân Nhâm Dần chúng tôi có mặt tại phường Long Trường, TP Thủ Đức. Dạo quanh các dự án nhỏ gần các kênh rạch của một số chủ đầu tư đã hoàn thiện hạ tầng, phân lô bán nền thì cạnh đó hoặc sau lưng dự án là những con rạch cỏ mọc khỏi đầu, vài cây đước xen lẫn dừa nước um tùm.

Anh Trung, một người dân tại khu phố Trường Lưu, phường Long Trường cho biết, giá đất ở đây vài tháng trước chỉ khoảng 40-50 triệu/m2, nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 60 triệu/m2, tùy vị trí và diện tích. Những mảnh đất mua lại của chủ đầu tư hầu như đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), còn đất nông nghiệp, đất vườn chưa đầy đủ thủ tục pháp lý thì giá rẻ nhưng chủ yếu “cò” mua bán sang tay, hợp đồng ủy quyền công chứng.

Anh Lê Cường, một người dân làm vườn ở phường Long Trường cho hay, anh về đây sinh sống trên khu đất họ hàng cách đây khoảng 5 năm, đến giờ dân cư vẫn còn thưa thớt nên không ai để ý đến ai. Thỉnh thoảng anh nhìn thấy có xe đổ đất vào gần các con rạch, rồi họ làm nhà tạm, lợp mái, che chắn tôn xung quanh mà không hề thấy cán bộ đến kiểm tra. 

Một căn nhà đang xây rào kín lấn ra kênh rạch trên dòng nước chảy mạnh
Một căn nhà đang xây rào kín lấn ra kênh rạch trên dòng nước chảy mạnh. (Ảnh: Quang Đạo) 

Ghi nhận quanh khu phố Trường Lưu thuộc phường Long Trường, bên cạnh các dự án nhỏ của chủ đầu tư thì có đến gần chục căn nhà tạm bợ lấn kênh rạch, ngăn dòng chảy. Một ngôi nhà mái lá, có vài người ở, có cả gà, vịt... Những căn nhà tạm bợ còn lại hầu hết đều đóng cửa kín bít. Có một điều lạ là bên trong các nhà tạm đều không có bất cứ một vật dụng gì!

Trên đường đi vào khu phố Trường Lưu, một căn nhà mặt tiền được che chắn kỹ lưỡng bởi tôn cũ. Ghé mắt vào xem, nhìn qua khe hở chúng tôi khá bất ngờ khi bên trong và đằng sau nhà vẫn còn con rạch hiện hữu được chủ nhân “che mắt” bao bọc bằng tôn. Dưới nền nhà còn mặt nước sũng lầy. Dừa nước, cỏ cây bị đè bẹp nằm rẹp xuống theo con nước róc rách.

Đất kênh rạch giá rẻ, lợi nhuận cao

Cách khu phố Trường Lưu không xa sẽ nhìn thấy các bảng hiệu mua bán nhà đất san sát nhau. Một cò đất trên đường Trường Lưu cho hay, sau khi lên TP Thủ Đức, đất ở đây giá đẩy lên từng ngày. Đất dự án được nhiều người mua bán hơn, nhưng đất vườn, đất kênh rạch vẫn có nhà đầu tư lựa chọn. Giá đất nông nghiệp đang thấp hơn nhiều so với đất dự án, nếu biết cách thì lãi sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với đất nền.

Phường Long Trường trước đây là một xã thuộc huyện Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 06-01-1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 03-CP. Theo đó chuyển xã Long Trường về quận 9 mới và thành lập phường Long Trường trên cơ sở 1.220 ha diện tích tự nhiên và 5.563 người sinh sống. Một phần diện tích của xã Long Trường lúc bấy giờ cũng tách ra thành lập phường Trường Thạnh với 1.034 ha diện tích tự nhiên và 4.785 nhân khẩu.

Ngày 09 -12 - 2000, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, trong đó phường Long Trường thuộc thành phố Thủ Đức như hiện nay.

Cò Thanh, người có nhiều năm gắn bó với nghề kinh doanh đất đai ở phường Long Trường dẫn chúng tôi đi xem vài lô đất vườn có kênh rạch ngang qua. Anh hồ hởi quảng cáo: “Một sào đất vườn, trong đó có phần kênh rạch, trước đây khi mua sang tay có giá chỉ từ 3,5 - 5 tỷ, sau khi chạy xong giấy tờ, bây giờ họ có thể ra hàng hơn 10 tỷ, có vị trí trên 15 tỷ đồng. Đây là khoảng lợi nhuận vô cùng lớn mà không phải ai cũng nắm bắt”. Chúng tôi hỏi, mua đất lấn chiếm kênh rạch như vậy thì có ảnh hưởng gì không? Anh mách nhỏ: “Hầu hết đất lấn chiếm đều được “lo lót” hết rồi nên khi mua bán cũng rất yên tâm. Mỗi mảnh đất lấn rạch chi ra từ một trăm đến vài trăm triệu đồng, tùy khu. Khi hiểu được luật chơi thì nhiều người sẵn sàn chi tiền để hưởng lợi nhuận cao. Dù thấy rủi ro nhưng nhà đầu tư vẫn chấp nhận !” - Cò Thanh bộc bạch. 

Mặt tiền là căn nhà đóng cửa then cài, nhưng phia sau là con rạch có dừa nước
Mặt tiền là căn nhà đóng cửa then cài, nhưng phia sau là con rạch có dừa nước. (Ảnh: Quang Đạo)

 Chiêu trò cũ nhưng khá tinh vi

Bằng cách nào để lấn chiếm đất kênh rạch mà chính quyền không phát hiện? Cò Thanh thổ lộ, để lấn chiếm được đất kênh rạch thì dân thường khó mà làm được, phải qua những tay có “máu mặt”, có quan hệ rộng. Người lấn chiếm phải mua một phần đất vườn hay đất ruộng ở gần  kênh rạch, ít nhất phải có đường đi hiện hữu từ bên ngoài để sau này có thể mở đường đi vào khu đất. Họ sẽ đổ đất, mở rộng ranh giới ra kênh rạch, đo vẽ lại, hợp thức hóa giấy tờ. Tất nhiên, trong quá trình làm Giấy CNQSDĐ thì sẽ có chi phí phát sinh. Khi lô đất ra sổ hồng, đầy đủ pháp lý thì người mua không còn e dè như giấy tờ tay nữa. Trong vòng từ một đến ba năm, mỗi phi vụ thành công, họ có thể kiếm lời vài tỉ đồng là chuyện hết sức bình thường” - cò Thanh nói. 

Căn nhà đang che chắn phía trước, trong nhà còn dòng nước chảy
Căn nhà đang che chắn phía trước, trong nhà còn dòng nước chảy. (Ảnh: Quang Đạo)

Trở lại thửa đất 543 của doanh nhân Thái Vũ Hòe, Giám đốc Công ty CP bất động sản Real Way bị lấn chiếm mà chúng tôi đã phản ánh ở bài 1. Quan sát hiện trường cho thấy, những gì phóng viên ghi nhận trước đó như lấn ranh, múc đất làm đường và cảnh tượng đập phá rào chắn vẫn còn ngổn ngang dấu vết. Không những thế, kẻ lấn chiếm đất còn đổ bê tông làm móng trên mảnh đất, lợp mái tôn để dần dần chuyển đổi mục đích từ kênh rạch sang đất nông nghiệp hoặc đất ở đô thị.  

chỉ trong thời gian ngắn, khu đất chiếm một phần kênh rạch đã làm móng và mái che
Chỉ trong thời gian ngắn, khu đất chiếm một phần kênh rạch đã làm móng và mái che. (Ảnh: Quang Đạo)

Có thể nói, việc cố ý vi phạm Luật Đất đai, xem thường pháp luật tại khu vực phường Long Trường, TP Thủ Đức đang diễn ra khá manh động và phức tạp. Vậy có không sự tiếp tay, bao che cho việc làm sai trái, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.

Nhóm PVPL