Bình Dương đáp ứng nhu cầu về khoáng sản, góp phần phát triển kinh tế

11:58 06/11/2021

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, thời gian qua ngành tài nguyên và môi trường tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực. Trong đó, việc tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn cho cán bộ địa phương, thực hiện các chuyến tuần tra tới khu vực mỏ khoáng sản… được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản được UBND tỉnh Bình Dương thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành kịp thời các văn bản phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhờ đó đã chấn chỉnh, đưa hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp hơn, đáp ứng nhu cầu khoáng sản về vật liệu xây dựng của tỉnh và một phần của các tỉnh lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tại trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 63 mỏ được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó có 02 mỏ kaolin thuộc thẩm quyền cấp phép quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 61 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Trước khi cấp giấy phép khai thác các mỏ đều được thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản theo quy định. Cụ thể: Đá xây dựng với 27 điểm mỏ, trong đó 22 mỏ đang khai thác, 05 mỏ đã hết thời hạn khai thác đang lập thủ tục đóng cửa mỏ (cụm Tân Đông Hiệp gồm 4 mỏ và Mỏ Núi Nhỏ). Tổng diện tích đã cấp giấy phép khai thác là 830,57 ha với tổng công suất khai thác đã cấp phép là 21,140 triệu m3/năm, tổng trữ lượng cấp phép khai thác là 366,183 triệu m3, tổng trữ lượng đá còn lại đến năm 2020 là 250,019 triệu m3.

Sét gạch ngói với 27 điểm mỏ, trong đó 20 điểm mỏ đang khai thác, 03 điểm mỏ đang xây dựng cơ bản, 04 điểm mỏ tạm ngưng khai thác do tiêu thụ chậm và phải tạm ngưng do chưa làm xong thủ tục thuê đất. Tổng diện tích đã cấp giấy phép khai thác là 336,07 ha, tổng công suất cấp phép khai thác là 3,497 triệu m3/năm, tổng trữ lượng cấp phép khai thác là 37,161 triệu m3, tổng trữ lượng sét còn lại đến năm 2020 là 21,906 triệu m3.

Cát xây dựng có 07 giấy phép được cấp, tổng diện tích cấp giấy phép khai thác là 222,22ha, tổng công suất cấp phép là 406.000 m3/năm, tổng trữ lượng cấp phép khai thác là 2,2 triệu m3, tổng trữ lượng cát còn lại đến năm 2020 là 1,5 triệu m3 Còn 01 đơn vị đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép thăm dò với tổng diện tích là 20 ha và 01 đơn vị đã được thăm dò đang chờ cấp phép.

Kaolin có 2 giấy phép do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cấp phép với tổng diện tích cấp phép là 60 ha, nhưng khả năng huy động vào khai thác chỉ được khoảng 44 ha, tổng công suất cấp phép là 106.728 m3/năm. Hiện nay trữ lượng Kaolin đã hết các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ theo quy định.

Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 đến nay toàn tỉnh Bình Dương đã ban hành 72 văn bản quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản.Việc xây dựng văn bản quản lý bắt kịp với những sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về khoáng sản, góp phần đưa hoạt động khoáng sản của tỉnh đi vào nề nếp, huy động được nhân dân tham gia giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản.

Để tăng cường công tác quản lý ở những vùng giáp ranh Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ký kết quy chế phối hợp số 37/QCPH-TPHCM-BRVT-ĐN-BD-TN-LA-TG-BP-LĐ ngày 06/01/2017 về “Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng”.

Nhằm tăng cường hiệu lực thực thi chính sách và pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản: Tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; Ban hành quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ... trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hồ liên tỉnh. 

Song song với đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 64, Điều 65 Luật khoáng sản như sau: Bổ sung Điều 64 khái niệm về “Vật liệu san lấp: là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm cát, đất, đá thải chỉ sử dụng để san lấp công trình, không có giá trị sử dụng cao hơn“; đồng thời bổ sung quy định về thủ tục, hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản đất san lấp tại Điều 65 theo hướng không phải bắt buộc tiến hành thăm dò, không phải lập thiết kế khai thác mỏ (vì nếu sản phẩm phụ trong các mỏ thì đã có thiết kế khai thác chung cho cả mỏ, còn khai thác vật liệu san lấp trong các công trình thì đã có thiết kế xây dựng, đối với đất của các hộ dân thì chỉ hạ cote mặt bằng (một vài mét), sau đó sử dụng đất như mục đích ghi trong GCNQSDĐ, không thay đổi mục địch sử dụng đất. Việc cam kết bảo vệ môi trường được lập chung trong phương án thi công khai thác. Đồng thời có quy định về nghiệm thu hoàn công sau khai thác (thay vì phải lập đề án đóng cửa mỏ như các loại khoáng sản khác). Hoặc bổ sung quy định thủ tục về cấp phép khai thác đối với loại khoáng sản này tại Điều 65 Luật khoáng sản là: giao cho “UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về cấp phép vật liệu san lấp tại địa phương" để tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng kịp tiến độ thi công các công trình tại địa phương nhưng vẫn đảm bảo quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên này. Đối với vật liệu san lấp cũng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khác.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 49 Luật Khoáng sản năm 2010 thì: Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải nộp báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Thông tư 12/2013/TT-BTNMT ngày 05/6/2013 thì Trung tâm Lưu trữ Địa chất có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra dữ liệu về địa chất khoáng sản. Thực tế việc nộp lưu trữ các doanh nghiệp phản ảnh là thủ tục thì rất khó khăn, phức tạp, làm tại Hà Nội phải đi lại nhiều lần, vất vả và tốn kém. Từ thực tế trên, Sở kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho nộp lưu trữ tài liệu thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh tại Trung tâm lưu trữ của tỉnh để tiện quản lý và sử dụng.

Với tinh thần tuân thủ nghiêm chỉ thị của Thủ tướng và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về hoạt động quản lý khoáng sản, Sở Tài Nguyên và Môi Trường đã tăng cường công tác quản lý. Trong đó, một trong những hoạt động thiết thực là ban hành các văn bản, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản. Riêng trong năm 2020, Sở Tài Nguyên và Môi Trường đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, tỉnh cũng chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, thăm dò trữ lượng và chủng loại để sớm có kế hoạch quản lý. Thông qua việc nắm rõ trữ lượng tài nguyên khoáng sản, tỉnh cũng sớm có phương án chỉ đạo về việc cho phép khai thác hoặc quy hoạch vùng tạm cấm khai thác để bảo đảm không ảnh hưởng tới đời sống và kinh tế của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu vực cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích khoảng 9.575,5ha và 4,5km chiều dài sông hồ. Trong đó, hai khu vực tạm cấm khai thác trên diện rộng với tổng chiều dài 162km là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2015-2019, tổng nguồn thu đóng vào ngân sách tỉnh từ hoạt động khoáng sản l à 3.358 tỷ đồng. Trong đó, thuế tài nguyên 888,43 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường 228,23 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 825,58 tỷ đồng, VAT là 797 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là 618,76 tỷ đồng.

Để bảo đảm việc khai thác, sử dụng khoáng sản phục vụ tốt cho sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, việc tìm và lựa chọn những tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực, làm ăn chân chính cũng được chú trọng thực hiện. Theo đó, hàng năm tỉnh đều có những cuộc họp đánh giá và thường xuyên thanh tra, kiểm tra khu vực mỏ khoáng sản. 

Hoàng Thu