Bộ Công Thương: Số doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm xuống còn 20 đơn vị

09:52 04/06/2024

Từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng giảm từ 67 xuống còn 20 đơn vị. Hiện, số người tham gia lĩnh vực này là hơn 768.000 người, tổng doanh thu gần 16.900 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo  Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.

Chính vì vậy, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương.

Qua đó, họ phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp, thu hồi giấy phép hơn 20 doanh nghiệp. Riêng năm 2023, có 5 doanh nghiệp và 1 người tham gia bán hàng đa cấp bị phạt, tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng giảm từ 67 xuống còn 20 đơn vị. Hiện, số người tham gia lĩnh vực này là hơn 768.000 người, tổng doanh thu gần 16.900 tỷ đồng. Trong đó, gần 5.900 tỷ đồng tiền hoa hồng được chi trả cho người tham gia, và hơn 2.250 tỷ đồng tiền thuế nộp về ngân sách.

Do kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận, các đối tượng hoạt động bất chính có xu hướng chuyển sang các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi dẫn đến hoạt động này có diễn biến ngày càng phức tạp.

Mặc dù nhóm đối tượng này bị pháp luật nghiêm cấm, không thuộc phạm vi quản lý, Bộ Công Thương cũng đã có những giải pháp đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung Điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2017 về tội Vi phạm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo cơ sở pháp lý để phát hiện và xử lý sớm các vụ việc lừa đảo lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, tránh để thiệt hại xảy ra quá lớn và có đơn tố cáo mới xử lý theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công Thương thường xuyên thu thập thông tin và đưa ra cảnh báo công khai về các trường hợp có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để người dân biết và tránh bị lợi dụng bởi các đối tượng này. Các trường hợp được cảnh báo gần nhất có thể kể đến như hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp bất hợp pháp liên quan đến RF3WORLD, Trí tuệ tự nhiên.

Năm 2023, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin về 9 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho các cơ quan công an để theo dõi và xử lý kịp thời.

Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp về chuyên môn với các cơ quan công an trong việc xác định mô hình hoạt động của các đối tượng có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trong hoạt động tố tụng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Công an và cơ quan công an nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thanh Hóa.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, Bộ Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước biểu hiện của đa cấp biến tướng. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng liên quan, nhất là cơ quan Công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.

  • Tú Anh (t/h)