Bộ Công Thương tìm cách tháo gỡ vướng mắc, vực dậy 3 dự án điện khí tại Quảng Ngãi

08:11 26/08/2024

Ba dự án nhiệt điện khí tại Quảng Ngãi gặp khó do chủ đầu tư là Tập đoàn Exxon Mobil tái cơ cấu, chính vì điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và sự ổn định của "3 đại dự án" nhiệt điện khí tại tỉnh này.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai ba nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung, gồm Dung Quất I, II và III. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư của Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và III, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 36 nghìn tỷ dồng, dự kiến sử dụng 20% vốn chủ sở hữu để đầu tư cho các dự án này, còn lại 80% sẽ được huy động từ nguồn vốn vay thương mại.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai ba nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung, gồm Dung Quất I, II và III tại Khu kinh tế Dung Quốc
Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai ba nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung, gồm Dung Quất I, II và III tại Khu kinh tế Dung Quốc.

Riêng dự án Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II với công suất 750 MW, do Tập đoàn Sembcorp của (Singapore) làm đầu tư theo phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). có tổng vốn đầu tư khoảng 793 triệu USD đã hoàn thành và trình báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4345/QĐ-BCT ngày 20/11/2018 nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết trước khi dự án có thể đi vào giai đoạn triển khai tiếp theo.

Trong khi đó, hai dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và III, thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung, do EVN làm chủ đầu tư, đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2019 cũng gặp phải khó khăn tương tự. Mặc dù hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được lập, nhưng cả hai dự án này vẫn chưa thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Nguyên nhân chính là do việc cấp khí từ mỏ Cá Voi Xanh vẫn chưa được xác định thời điểm cụ thể, gây ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án này.

Mục tiêu của việc đầu tư và xây dựng hai dự án này là đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định cho hệ thống điện miền Trung cũng như hệ thống điện quốc gia, đồng thời góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn cung cấp điện. Hai dự án này cũng được thiết kế để phát triển đồng bộ với Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng trong khu vực.

Tuy nhiên, cả ba dự án nhiệt điện khí này đều phụ thuộc vào nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh và hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do Exxon Mobil, nhà đầu tư chính tại mỏ Cá Voi Xanh đang tiến hành tái cơ cấu hoạt động. Thay vì tập trung vào khai thác khí như trước đây, Exxon Mobil đang chuyển hướng sang phát triển các ngành năng lượng mới, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và sự ổn định của các dự án nhiệt điện khí tại Quảng Ngãi.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương với tỉnh Quảng Ngãi
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương với tỉnh Quảng Ngãi.

Trước tình hình khó khăn này, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, cả ba dự án nhiệt điện khí liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh đang gặp những trở ngại lớn, chủ yếu do sự thay đổi trong chiến lược của Exxon Mobil. Tập đoàn này hiện đang tái cơ cấu hoạt động, chuyển hướng tập trung vào các ngành năng lượng mới thay vì khai thác khí như trước, dẫn đến việc triển khai các dự án phụ thuộc vào nguồn khí của mỏ Cá Voi Xanh trở nên mờ mịt.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc.

Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một giải pháp linh hoạt: thay vì tiếp tục phụ thuộc vào nguồn khí hóa lỏng từ mỏ Cá Voi Xanh, các dự án nên chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng nhập khẩu. Điều này không chỉ đảm bảo tiến độ triển khai các dự án nhiệt điện khí mà còn góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khi mỏ Cá Voi Xanh có thể khai thác được, các dự án sẽ chuyển lại sử dụng nguồn khí này. Nếu cần thiết, việc ký hợp đồng cung ứng nhiên liệu tạm thời với các đối tác cũng sẽ được xem xét để đảm bảo nguồn cung cấp ổn định.

Giải pháp này không chỉ giúp địa phương như Quảng Ngãi đạt được mục tiêu phát triển năng lượng mà còn đóng góp tích cực vào việc ổn định nguồn cung điện cho cả nước trong bối cảnh hiện nay.

 Trọng Tâm