'Bộ đệm' vốn của nhiều ngân hàng vẫn 'mỏng'

00:00 12/10/2020

Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, mà nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đặt ra mục tiêu tăng vốn trong năm nay.

Trong năm nay, SeABank sẽ tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng.

Mùa đại hội cổ đông khép lại, nhiều ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước kế hoạch tăng vốn và nhiều nhà băng mới đây đã nhận được “cái gật đầu” của cơ quan quản lý. Điển hình như: ACB được tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 đồng; BacA Bank tăng từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng; VIB từ 9.245 tỷ đồng lên 11.094 tỷ đồng; SeABank từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng…

Tăng vốn bằng chia cổ phiếu

Theo quy định, từ ngày 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải áp dụng theo chuẩn của Thông tư 41/2016-TT/NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một trong những điều quan trọng nhất của Thông tư 41 là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất là 8%.

Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc triển khai mô hình Basel II trong quản trị rủi ro cho toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Thực tế, thời gian qua, ngành ngân hàng đã chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và một số ngân hàng nước ngoài trong việc "chạy nước rút" để tuân thủ chuẩn Basel II.

Mặc dù vậy, việc tăng vốn điều lệ không phải là dễ dàng. Đến thời điểm này mới có 18 ngân hàng đạt chuẩn và hiện vẫn còn khá nhiều nhà băng chưa đáp ứng được.

Năm 2020, dù dịch Covid-19 bùng phát ngay từ đầu năm, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, song nhiều nhà băng vẫn trình cổ đông kế hoạch tăng vốn.

Tuy nhiên, điểm chung trong kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng năm nay là chia cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại lợi nhuận tăng vốn.

Chẳng hạn, SeABank thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên tối đa 12.088 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 29% thông qua 2 đợt. Đợt 1 phát hành gần 131.17 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Đợt 2, phát hành tối đa hơn 140.7 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%.

BIDV cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành thêm cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 40.220 tỷ đồng lên 46.450 tỷ đồng.

LienVietPostBank sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 10.746 tỷ đồng. VIB phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 9.245 tỷ đồng lên 11.094 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu bằng việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. MBBank có kế hoạch tăng vốn thêm 3.617 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu…

"Gối đệm" đối phó với khủng hoảng

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng dịch Covid-19 xảy ra khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, việc tăng vốn không mấy thuận lợi. Thế nhưng, rủi ro tăng càng khiến việc tăng vốn không thể lùi, bởi việc tăng vốn chủ sở hữu được coi là "gối đệm" để ngân hàng đối phó với khủng hoảng và xử lý những thiệt hại nếu xảy ra.

“Ngân hàng nào có vốn mỏng thì chỉ cần vài món nợ mất vốn thì ngân hàng đó có nguy cơ phá sản, nhưng nếu vốn dày sẽ dễ dàng trụ vững. Bởi vậy, trong khó khăn, ngân hàng càng phải tăng vốn để gia cố "gối đệm" và tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu là dễ nhất ”, ông Hiếu nói.

Về phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu và chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông, ông Hiếu cho rằng, thời điểm này huy động vốn từ nước ngoài hay thị trường tài chính trong nước rất khó khăn. Do ảnh hưởng dịch, hệ thống tài chính cũng có những bất ổn, nên nhiều người do dự đầu tư vào ngân hàng.

Không thể huy động vốn từ bên ngoài, hầu hết các ngân hàng phải “dùng vốn tự có”, nghĩa là không chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông, mà chia bằng cổ phiếu và giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

Riêng việc huy động vốn trên sàn quốc tế thông qua hình thức chào bán trái phiếu đang được một số ngân hàng triển khai và đưa ra những đánh giá có khả thi.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HD Bank cho biết, HDBank quyết định phát hành trái phiếu quốc tế vào thời điểm này vì các nước đang trong quá trình hỗ trợ kinh tế khi xảy ra dịch Covid-19. Họ bơm thêm rất nhiều tiền ra thị trường, với lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất, tạo ra nguồn vốn dồi dào trên thị trường vốn quốc tế.

"Đây là thời điểm thuận lợi để phát hành nhằm có nguồn vốn dài hạn và mức lãi suất tốt trong kế hoạch lâu dài của ngân hàng, bổ sung các nguồn vốn có khả năng tài trợ cho các dự án, đặc biệt là những dự án cho mục đích phục hồi hậu Covid-19”, bà Thảo cho hay.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù chính phủ nhiều nước đang tung ra những gói hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư, nhưng với điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đang thấp thì ngân hàng khó phát hành thành công trái phiếu.

Khi đầu tư vốn vào ngân hàng, các nhà đầu tư thường xem xét điểm tín nhiệm quốc gia đó, trong khi điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đang nằm trong nhóm không khuyến khích đầu tư.

“Ở Việt Nam có một số ngân hàng có điểm tín nhiệm, nhưng điểm tín nhiệm ngân hàng cũng không thể cao hơn điểm tín nhiệm quốc gia. Vì vậy, dù lãi suất trái phiếu ngân hàng cao nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng quan tâm”, ông Hiếu nói.

Từ những phân tích trên, ông Hiếu cho rằng kế hoạch tăng vốn trong năm nay của một số ngân hàng khó hoàn thành, bởi từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 4 tháng nữa. Vì vậy, các ngân hàng này có thể sẽ phải dời mục tiêu sang năm sau.

Thanh Hoa