Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Toàn xã hội cần vào cuộc mới giải quyết được nạn tin giả trên không gian mạng

10:36 04/11/2022

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói những tồn tại lại là động lực để ngành TT&TT phát triển. Ảnh: QH

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói những tồn tại lại là động lực để ngành TT&TT phát triển. Ảnh: QH.

Sáng 4-11, sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trả lời chất vấn của các đại biểu về các vấn đề trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu phần trả lời chất vấn của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trước khi trả lời chất vấn đã thay mặt toàn ngành thông tin và truyền thông cảm ơn Quốc hội (QH), các vị đại biểu QH, đồng bào và cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, hỗ trợ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để giúp cho toàn ngành có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông(TTTT), Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp ngăn chặn tác hại thông tin xấu độc, tin giả trên không gian mạng?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu vấn đề, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng. Thời gian qua việc xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt khá khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng PR cho người muốn nổi tiếng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài?

Về vấn đề tin giả, tin xấu độc trên mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ.

Về mức phạt đưa thông tin, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) tranh luận
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) tranh luận.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài. Vấn đề tiếp theo ĐB nêu ra là việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội được “báo hóa” hiện nay diễn ra như thế nào và tại sao lại khó khăn như vậy?

Trả lời chất vấn của ĐB Nghĩa, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.

Không đồng tình với phần trả lời trên, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tranh luận, nếu chỉ ngăn chặn thông tin xấu độc, xử lý vi phạm, chẳng khác nào để phòng chống dịch Covid-19 chỉ đeo khẩu trang, cách ly, phong toả.

Trong khi đó, giải pháp căn cơ là phải nâng cao sức đề kháng như tiêm vaccine, trên mạng có nhiều thông tin hay, khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng, được người dân quan tâm chứ không phải chỉ khen mới là hay.

“Thuốc bổ uống nhiều quá cũng thành độc. Bộ trưởng cho rằng tin xấu độc 3 tiếng phải gỡ nhưng chỉ cần 3-5 phút thông tin này đã lan truyền đầy trên mạng. Điều quan trọng là làm sao không uống thuốc độc ngay từ đầu, vì nếu đã uống rồi mà giải độc cũng gây hậu quả” - Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Nhất trí với ý kiến tranh luận của Đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không chỉ riêng thông tin xấu độc mà mọi thứ đều cần sức đề kháng. Tin xấu trên mạng như không khí, không khí đầu độc phổi, thông tin đầu độc não. 

Theo Bộ trưởng, ai quản lý cái gì trên đời thực thì nên quản lý cái đó trên không gian mạng. Như vậy mới có đủ nhân lực làm không gian mạng lành mạnh.

Minh Hà (t/h)