Ca sĩ Doanh nhân Trọng Tấn: Hãy yêu người giàu!

00:00 12/10/2020

Tôi rất tâm đắc với một bài báo có câu rằng: hãy yêu người giàu. Mới nghe qua thì có vẻ hơi ngược. Bởi xu thế và sự quan tâm xã hội hiện nay là hướng sự chú ý, quan tâm, hỗ trợ tới những người nghèo. Nhưng ngẫm kỹ mới thấy, đúng ra cái sự giàu là cái mọi người đang hướng đến. Bởi trong thực tế, xã hội càng có nhiều người giàu, càng đóng góp nhiều vào sự phát triển của đất nước. Vậy thì tại sao lại đi ghét cái đích của mình đến ? Tại sao lại đi ghét người giàu, không thích người giàu ?

Đó là tâm sự của Trọng Tấn, chàng ca sĩ dòng nhạc truyền thống cách mạng, nguyên Giảng viên khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia.

Bên cạnh thành công trong kinh doanh nghệ thuật, những năm gần đây, Trọng Tấn đã thử sức kinh doanh sang lĩnh vực mới. Và thành công lại tiếp tục đến với chàng ca sĩ tài hoa này. Đó là việc xây dựng và phát triển chuỗi nhà hàng ẩm thực mang thương hiệu Song Dương.

                                                               Ca sĩ - Doanh nhân Trọng Tấn

PV: Hãy yêu người giàu! Phải chăng khi bước vào sự nghiệp kinh doanh Tấn mới càng thấm thía câu nói này ?

Ca sĩ, doanh nhân Trọng Tấn: Xã hội Việt Nam với kết cấu 70% là nông nghiệp, bước ra từ nghèo nàn, lạc hậu về mọi mặt. Trong hoàn cảnh nghèo khó người  Việt mình thường hay đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Người giàu cũng thường giúp đỡ người nghèo, khổ. Nhưng họ lại chưa được tôn vinh, thậm chí còn bị kì thị, mỉa mai. Trong văn học dân gian thường thấy những câu chuyện, hình ảnh về người giàu thường xấu xí, gian ác thông qua những nhân vật trọc phú, địa chủ…  Thực tế, Tấn biết trong kháng chiến, có nhiều người giàu đã nuôi, giấu cán bộ, hiến tặng nhiều tài sản cho cách mạng. Thực chất, sự giàu có của họ cũng phải đánh đổi bằng trí tuệ và cả mồ hôi nước mắt mới có được. Ngày nay, sự giàu có của họ góp phần quan trọng cho sự giàu mạnh của đất nước. Mặt khác, họ còn tham gia nhiều vào phong trào thiện, nguyện… Vì vậy, trong xã hội hiện đại, càng rất cần những cá nhân biết làm giàu, không nên thấy họ thành đạt mà kỳ thị, hoặc kỳ thị chỉ vì họ giàu mà cần phải tôn vinh họ.

PV: Nếu so sánh với việc đi hát hoặc trong kinh doanh nghệ thuật, Tấn đã có mức thù lao nằm trong top cao, nhưng Tấn lại kinh doanh lĩnh vực ẩm thực bằng việc xây dựng chuỗi nhà hàng thương hiệu Song Dương, với những sản phẩm chế biến từ dê. Có vẻ, chi phí để vận hành hoạt động kinh doanh này dường như đem lại lợi nhuận không cao, nếu không muốn nói rằng rủi ro và thất bại cũng luôn song hành. Lý do nào để Tấn lựa chọn mô hình kinh doanh này ?

Ca sĩ, doanh nhân Trọng Tấn: Mình nghĩ rằng, mọi cái đến với mình rất ngẫu nhiên. Mình coi đó là duyên. Cái duyên này hơi nông dân một chút, vì mình cũng yêu thích động vật, thích nông trại. Đã có lúc, Tấn đã rủ một vài người bạn, định thử sức với chăn nuôi, làm nông nghiệp. Trong một chuyến lưu diễn, một nhà hàng dê ở Hòa Bình đã để lại cho mình ấn tượng rất đặc biệt.

Mình cảm nhận sự đặc biệt mà vẫn rất dân dã. Đó là cái duyên để mình khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Đánh giá về thị trường ẩm thực, các món từ thịt bò, lợn, gà… đã quá thân thuộc và các nhà hàng chuyên nghiệp đều đã có rất nhiều món ngon. Nhưng sản phẩm từ dê thì vẫn chưa thực sự được định hình chuyên nghiệp. Lâu nay, thực khách chỉ coi nó là món phụ hoặc là một phần thực đơn. Từ những đánh giá đó, nếu mình tạo ra các món ăn đặc sản từ thịt dê thì đó là thị trường tiềm năng, có thể phát triển tốt.

PV: Khi kinh doanh ẩm thực, Tấn có vận dụng tư duy, phong cách “chuyên nghiệp” đã được đúc kết trải nghiệm từ hoạt động nghệ thuật sang lĩnh vực kinh doanh?

Ca sĩ, doanh nhân Trọng Tấn: Từ “chuyên nghiệp” có lẽ chỉ liên quan ở mặt phong cách. Nó phải xuất phát từ cái gốc, cái căn bản: mình là người như thế nào ? Phong cách sống ra sao ? Ngay cả với nghệ thuật, Tấn cũng luôn cố gắng trau dồi, nghiêm khắc với bản thân. Trong kinh doanh càng khốc liệt hơn, mình càng phải cố gắng nhìn nhận nó một cách nghiêm túc nhất, mới có thể thành công.

Những năm đầu, Tấn thường có mặt trong tất cả những cuộc họp quan trọng của công  ty. Những thứ không biết, mình lắng nghe, học hỏi, tìm hiểu dần. Cái gì chưa hiểu là mình hỏi ngay, không giấu dốt. Còn nhớ, ngày đầu tiên đọc một báo cáo tài chính mà mình hoa hết cả mắt, đành phải gọi cậu giám đốc điều hành phân tích cặn kẽ mọi vấn đề, tìm hiểu từng cái kim sợi chỉ, dòng lãi nào như thế nào, bộ phận nhân sự ra sao, marketing tại sao phải đẩy vào mùa này mà ít chú trọng trong mùa kia, kích cầu ra sao… Vừa làm vừa tư duy rồi dần cũng hiểu ra rằng, làm kinh doanh chuyên nghiệp cũng như ra chiến trường.

Dù là nghệ sĩ hay doanh nhân thì Tấn nghĩ cốt lõi cuối cùng vẫn là sự chân thành với mọi người, phải quyết tâm trong công việc, với sản phẩm và khách hàng của mình. Đối với làm nghệ thuật, tất cả những gì mình thể hiện ra bên ngoài như đi chụp ảnh, làm đẹp, đầu tư cho trang phục… cần có kỹ thuật để tôn diện mạo của mình lên, nhưng cuối cùng vẫn phải là giọng hát. Bởi điều quan trọng nhất là mọi người yêu giọng hát của ca sĩ chứ không phải vì hình thức… Cũng như trong kinh doanh, marketing, quảng cáo, đều có tính hai mặt. Anh có thể quảng bá cho sản phẩm, nhà hàng của mình rất hào nhoáng, nhưng nếu chất lượng dịch vụ, sản phẩm không thực sự như quảng cáo thì việc này cũng có thể tự dìm chết mình. Sự thất vọng của khách hàng được truyền miệng trong xã hội có thể giết chết doanh nghiệp, nhà hàng chỉ trong vòng vài tháng… Cái cốt lõi vẫn phải từ tâm huyết. Tấn vận dụng và tuân thủ cam kết đó cho cả ba nhà hàng Song Dương của mình.

Qua đấy mới thấu hiểu cho người làm doanh nghiệp và thấy rằng những ca từ về doanh nhân trước kia mình từng hát mới chỉ cảm nhận bằng cảm xúc, còn trên thương trường, thực tế thật là cay đắng.

PV: Tôi cũng rất ấn tượng với một câu nói của Tấn trong một lần chia sẻ với giới  truyền thông: “Khi càng có khả năng kiếm tiền, mình càng có cơ hội đóng góp cho xã hội”. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh nghệ thuật, ẩm thực của doanh nghiệp và cá nhân Tấn đều thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ về thuế, nghĩa vụ với người lao động và công tác xã hội. Phải chăng tuổi thơ nghèo khó bươn trải của Tấn đã tạo cho tâm hồn, phong cách của Tấn thấm đẫm tư tưởng này?  

Ca sĩ, doanh nhân Trọng Tấn: Điều đấy đúng mà. Tấn thấy đa phần các doanh nhân thành đạt đều bước ra từ tuổi thơ dữ dội, khó khăn, và việc họ thành đạt, thành công như một sự chắc chắn. Họ rất trân trọng những gì làm được, trân trọng những gì xung quanh mình. Tấn rất tâm đắc với một bài báo có câu rằng: Hãy yêu người giàu.

                             Doanh nhân Trọng Tấn đang tập trung phát triển chuỗi nhà hàng Song Dương

PV: Tâm hồn người nghệ sĩ vốn nhạy cảm lãng mạn, trái tim thì mong manh dễ tổn thương. Nghề kinh doanh lại là câu chuyện thương trường trót có cái đầu nóng thì trái tim phải cố gắng để lạnh. Hay nói cách khác, kinh doanh không thể là cuộc chơi cảm tính. Trên thực tế, một số nghệ sĩ đàn anh đã  thất bại trong kinh doanh và phải trả giá bằng tất cả gia sản được gây dựng trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Đây là những mâu thuẫn trong chính nội tại của người nghệ sĩ, khiến cho đời thường họ khó có thể định vị một cách chuẩn xác. Vậy Tấn đã điều chỉnh và cân bằng như thế nào để việc  kinh doanh của mình thành công?

Ca sĩ, doanh nhân Trọng Tấn: Đó là câu hỏi rất hay và cũng là câu chuyện thực tế. Vì kinh doanh và làm nghệ thuật rất khác nhau… Bắt đầu từ khâu lên ý tưởng, rồi quyết định đầu tư, mình đã xác định bản thân chỉ  nên là một nhà đầu tư, không lấn sâu vào trực tiếp điều hành. Sự lựa chọn “đứng ngoài” những công việc cụ thể đó khiến mình nghe được nhiều hơn. Mình cố gắng giữ vị trí bao quát, giao việc, kiểm soát, làm một người giữ lửa cho hội đồng quản trị, cho công ty.

Tấn luôn tâm niệm không được tham. Thứ nhất là không tham công việc. Thứ hai là không tham lợi nhuận.

Tấn và các bạn đã từng tính rằng: nếu kinh doanh một quán bia, doanh thu có thể lãi tới 30-40%. Và chỉ cần duy trì con số ấy cũng đã rất mừng đối với một người kinh doanh. Nhưng khi bắt tay vào vận hành nhà hàng dê, mình mới hiểu rằng, dù kinh doanh loại sản phẩm nào cũng phải cân đối các khâu: từ phòng nhân sự, phòng marketing, phòng hành chính rồi phòng quản trị, nhân viên chạy bàn, thợ bếp… Khi tất cả các khâu đã vào form rồi, mới có thể vận hành trơn tru và phát triển nó. Để hoạt động tốt tất cả các khâu ấy, thực ra, lãi suất không nhiều, bởi ngay khi không có khách, bộ máy vẫn phải hoạt động nếu như muốn đạt được sự chuyên nghiệp, chất lượng. Ai cũng nghĩ: kinh doanh nhà hàng lãi suất cao thế, kiếm tiền dễ thế, nhưng ai đã từng trải qua  mới hiểu làm nhà hàng cũng dễ chết như ai.

PV: Khi Tấn ở đỉnh cao sự nghiệp, là mơ ước của rất nhiều người nhưng Tấn lại quyết định rẽ thêm một lối khác, vậy con người của bạn có bao nhiêu phần là nghệ sĩ và có bao nhiêu phần là doanh nhân?

Ca sĩ, doanh nhân Trọng Tấn: Con số hoạt động tài chính của một doanh nghiệp chắc là đo được ngay, bao nhiêu phần trăm đầu tư, bao nhiêu phần trăm lãi lời. Nhưng trong một con người thì không đo được, nó là cái duyên với những điều đã đi qua.

Nghệ sĩ thì luôn mong muốn cuộc sống tự do để tập trung cho nghệ thuật, và những sở thích khác.

Mình chỉ thường bị xung đột với cơ quan quản lý về thời gian, do lịch diễn của một nghệ sĩ tương đối dày. Mong muốn hoạt động của cá nhân có tính bứt phá lại luôn thôi thúc, muốn làm cái gì đó khác hơn… cho nên mình đã dừng công việc mình đang đảm trách là giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia. Đi bằng cả hai chân có lẽ sẽ có được cảm giác thăng bằng trong vai một người bình thường hơn. Biết đâu, khi ngoài 50 tuổi, mình lại toàn tâm cho việc dạy lúc ấy, có thể sẽ phù hợp hơn.

Lan Hương thực hiện