Các ngân hàng hậu thuẫn cho tỷ phú Elon Musk gặp khó

10:44 22/08/2024

Morgan Stanley, Bank of America và Barclays, đã giữ lại khoản vay của Musk trong 22 tháng. Đây là thỏa thuận tài trợ nợ chưa bán lâu nhất đối với các ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ảnh minh họa
7 ngân hàng đã cho ông vay 13 tỷ USD để thực hiện thương vụ mua lại Twitter.

Năm 2022, Elon Musk mua mạng xã hội Twitter (hiện là X) với giá 44 tỷ USD. Trong đó, 7 ngân hàng đã cho ông vay 13 tỷ USD để thực hiện thương vụ này. Đó là Morgan Stanley, Bank of America Barclays, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), BNP Paribas, Mizuho và Société Générale.

Thông thường, sau khi thương vụ hoàn tất, các nhà băng sẽ nhanh chóng bán khoản vay này cho các nhà đầu tư khác để loại chúng khỏi bảng cân đối kế toán và kiếm lời. Tuy nhiên, trong trường hợp của Musk, vì kết quả kinh doanh của X khá yếu, các nhà băng vẫn chưa thể bán mà không phải chịu lỗ lớn. Khoản vay vì thế mắc kẹt trong sổ sách của ngân hàng, được gọi là "nợ treo".

Các ngân hàng, bao gồm Morgan Stanley, Bank of America và Barclays, đã giữ lại khoản vay của Musk trong 22 tháng. Đây là thỏa thuận tài trợ nợ chưa bán lâu nhất đối với các ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nguồn tin cho biết, các ngân hàng sẵn sàng tài trợ cho thương vụ này chủ yếu là vì Musk, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, đã khiến cơ hội này trở nên quá hấp dẫn.

Tuy nhiên, nguồn tin cho biết thêm rằng, phần lớn các khoản vay đã trở thành gánh nặng đối với bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, bởi từ khi thỏa thuận được thực hiện vào cuối năm 2022, giá trị của chúng đã giảm đáng kể. Trong một trường hợp, gánh nặng này còn hạn chế khả năng tài trợ cho các vụ sáp nhập và cho vay khác, theo nguồn tin cho biết.

Nợ nần cũng đã ảnh hưởng đến tiền lương của các nhân viên ngân hàng, với một số nhân viên mảng M&A cho hay rằng thu nhập của họ đã giảm tới 40% vào năm 2023 so với năm trước, chủ yếu do các khoản vay mắc kẹt trên bảng cân đối kế toán, trong đó lớn nhất là khoản vay liên quan đến việc mua lại Twitter của Musk.

Steven Kaplan - Giáo sư tài chính tại Đại học Chicago đã theo dõi các thương vụ tương tự kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông cho biết, thương vụ mua Twitter không chỉ là khoản nợ treo lớn nhất về giá trị kể từ năm 2008, mà còn là một trong các khoản lớn nhất lịch sử.

"Các khoản vay này gây sức ép lên ngân hàng lâu hơn tất cả những thương vụ khác mà chúng tôi từng chứng kiến", ông nói.

Giờ đây khi mạng xã hội X gặp khủng hoảng và chưa cho ra bất kỳ lợi nhuận nào cũng như đang phải vật lộn để sống sót, các ngân hàng đã cố gắng bán số nợ này đi nhưng hầu như chẳng ai mua.

Việc doanh thu của X lao dốc cùng hàng loạt những phát ngôn gây tranh cãi của Elon Musk đã khiến nhà đầu tư e sợ với số nợ xấu này.

Thế nhưng Elon Musk là tỷ phú giàu nhất thế giới với hàng loạt dự án tiềm năng, khiến cho "con nợ" này khác biệt hoàn toàn với người thường.

Thông thường, một con nợ sẽ gặp khó khăn với ngân hàng khi giá trị dự án giảm 50%, khiến con nợ phải ngập đầu thanh toán lãi vay và bị ngân hàng gây sức ép. Đồng thời cá nhân hay tổ chức này cũng sẽ bị liệt vào danh sách đen.

Tuy nhiên, Elon Musk lại vẫn tìm cách thanh toán được khoản lãi vay 1,5 tỷ USD mỗi năm và thậm chí các ngân hàng còn muốn tiếp tục làm ăn với vị tỷ phú này dù số nợ 13 tỷ USD đang rất khó bán.

Nguyên nhân rất đơn giản, Elon Musk vẫn còn SpaceX, một công ty được định giá đến 175 tỷ USD. Không ai muốn bỏ lỡ cơ hội nếu công ty hàng không vũ trụ SpaceX hay công ty Internet vệ tinh Starlink của Musk làm IPO. Do đó, việc cho Elon Musk vay 13 tỷ USD để mua Twitter còn là tiền để nhằm tăng cường hợp tác cho những dự án IPO sau này.

Mạng xã hội X của Elon Musk vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, bất chấp các biện pháp cải tổ và cắt giảm chi phí gây tranh cãi của Musk. Công ty đã đạt doanh thu 1,48 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo Bảo

Tags: