Câu chuyện dựng cờ kinh doanh và niềm đam mê bóng đá của Doanh nhân Đỗ Quang Hiển – “bầu Hiển”

09:55 11/03/2021

Với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), ông Đỗ Quang Hiển luôn giữ ngọn lửa đam mê cháy bỏng để làm nên thương hiệu T&T Group mang tầm vóc quốc tế...

 

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển. (Ảnh: Internet)

Nhà doanh nghiệp hoạt động đa ngành

Ông Đỗ Quang Hiển, người hay được gọi là "bầu Hiển" là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 29/10/1962 tại Hà Nội. Ông là con út trong một gia đình có 3 chị em và bố mẹ anh đều là những cán bộ công tác trong ngành Y tế, nhưng ngay từ thuở thiếu thời, tố chất trong con người anh lại mách bảo rằng, định hướng của cuộc đời anh sẽ dành cho niềm đam mê khác. 

Hồi còn “chong đèn đọc sách”, Đỗ Quang Hiển rất giỏi các môn khoa học tự nhiên; đam mê những định luật, nguyên lý… đến mức có thể ngồi lì cả ngày trời trong phòng để đọc sách, mày mò tìm hiểu những khối kiến thức bất tận của nhân loại. Đó cũng là lý do vì sao anh trở thành sinh viên khoa Vật lý (Đại học Tổng hợp).

Ông bảo rằng: “Hồi đó, bạn bè nói tôi là con mọt sách. Tôi thích đọc, nhất là những cuốn sách có nhiều thông tin về ngành Vật lý. Tôi ước mơ sau này ra trường sẽ được làm ở một cơ quan nào đó để có thể phát huy hết khả năng và kiến thức của mình, nhưng rồi cuộc sống có quá nhiều khó khăn và ước mơ đó không thể trở thành sự thực”.

Giai đoạn 1984-1987 sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý vô tuyến chàng thanh niên Đỗ Quang Hiển đã chọn bến đỗ đầu tiên sau ngày ra trường là Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình (Đài Phát thanh Hà Nội).

Thời gian đầu, anh kỹ sư trẻ gặp không ít khó khăn khi phải đối diện với công việc thực tế. “Mình đi học thì chỉ biết có sách vở, đâu có nghĩ gì đến va chạm xã hội và cũng chưa được chuẩn bị tâm lý khi ra trường. Chỉ biết được đi làm là thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, vì như vậy là mình đã trưởng thành rồi. Thế nhưng, chuyện đâu có đơn giản như vậy, trong khi lương thì thấp mà còn biết bao nhiêu thứ va chạm khác khiến cho mình nhiều lúc cảm thấy như kiệt sức. Mình thấy thấm thía, bởi trong lúc gia đình nghèo khó mà bố mẹ vẫn tần tảo cóp nhặt từng đồng lo lắng cho các con”.

Được một thời gian, Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình sáp nhập vào Công ty điện tử Hanel – tạo thêm nhiều cơ hội mới để chàng kỹ sư trẻ khẳng định tài năng của mình. Sau đó, bầu Hiển lại đi đến một quyết định mới: Gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Mơ ước từ thuở còn miệt mài với sách vở giờ mới thực sự trở thành hiện, ông tự nhủ với mình rằng rồi đây sẽ “xuất bản” nhiều công trình mang tầm quốc gia. Kiến thức học được qua sách vở, thu lượm từ những bài giảng và thực tế cuối cùng đã có đất để thực sự “dụng võ”.

Duyên kinh doanh đến bất ngờ khi ông học tập và nghiên cứu tại Nhật. Ông đã tiếp xúc với nhiều đối tác là các tập đoàn lớn như Panasonic, Mitsubishi, National… và rất ngưỡng mộ cách làm ăn của họ.

Sau này ông biết được các “đại gia” ấy đang muốn tìm đối tác phân phối độc quyền các mặt hàng gia dụng như điều hoà, tủ lạnh, tivi, máy sấy tóc… ở phía Bắc Việt Nam. Thế là ông nghĩ mình có thể làm được.

Năm 1993, ông rời bỏ công việc của một cán bộ khoa học Nhà nước, bỏ luôn chiếc phao biên chế đang là niềm ao ước của nhiều người lúc đó để ra làm ăn riêng sau 5 năm làm việc với vai trò là kỹ sư vật lý của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia. Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng bằng việc thành lập công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T. Khởi đầu, ông đi buôn đồ điện tử, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh trên con phố điện tử Hai Bà Trưng (Hà Nội). Một người từng làm ăn với ông thời kỳ đó kể, ông Hiển thể hiện sự linh hoạt, nhanh nhạy trong kinh doanh khi bán các sản phẩm điện tử của các hãng nổi tiếng như Panasonic, National. Thời gian rảnh, ông chơi cờ, đi uống bia hơi, một trong những sở thích lớn nhất của ông. 

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và ban lãnh đạo tập đoàn T &T trong những ngày đầu mới thành lập
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và ban lãnh đạo tập đoàn T &T trong những ngày đầu mới thành lập.

Khi công ty của ông đã vững vàng trên thị trường điện tử, điện lạnh. Đỗ Quang Hiển đã lan sang thị trường xe gắn máy và đầu tư dây chuyền lắp ráp xe máy.

Năm 2007, ông đã đầu tư vào lĩnh vực và trở thành cổ đông chính kiêm chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội. Từ đó, sự nghiệp kinh doanh của ông mở rộng và trở nên lớn mạnh.

T&T càng ngày càng phát triển, “bành trướng” ra nhiều lĩnh vực kinh doanh, hợp tác quốc tế. Năm 2015, T&T đã công bố mua cảng Quảng Ninh từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines. Đầu năm 2018, T&T Group vinh dự giành giải doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng FAST500 năm 2018.

Trong một bài phát biểu bầu Hiển đã có những chia sẻ chân thật về con đường phát triển: “Hợp tác với tập đoàn nước ngoài lợi nhuận sẽ ít đi, nhưng đất nước sẽ có thêm nhiều dự án lớn bền vững, chất lượng xứng tầm thế giới. Với doanh nghiệp, cái được là kinh nghiệm quản trị, năng lực điều hành chuyên nghiệp sẽ được tích lũy. Đây là con đường phát triển ngắn nhất, nhanh nhất nhưng cũng bền vững và hiệu quả nhất mà chúng tôi đang theo đuổi”.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, Bầu Hiển đã phải trải qua một thời gian đầy thử thách và chông gai.

Nhớ lại “khoảng lặng” trong nghiệp kinh doanh của mình, Chủ tịch Tập đoàn T&T không hề che giấu cảm xúc: “Người ta nhìn vào thành quả của T&T giờ đây có thể nghĩ rằng tôi thành công lắm rồi. Nhưng, ai đó quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử mới thấy rằng có rất nhiều rủi ro. Quả thực, tôi đã từng trải qua cảm giác chán nản, mệt mỏi vô cùng. Hàng hoá lúc đó chất đống trong kho, làm sao mà cạnh tranh được với hàng lậu, nợ ngân hàng thì ngày càng nhiều lên. Nếu nói T&T phá sản thì hơi ngoa, nhưng tình thế lúc ấy cũng gần như vậy, may là sau đó cơ quan pháp luật đã vào cuộc và phá được đường dây này”.

Số nợ lên tới gần 40 tỷ đồng, gồm 7 tỷ đồng tiền nợ thuế nhập khẩu và trên 30 tỷ đồng nằm trong kho. Ngân hàng thúc nợ, cơ quan thuế phát lệnh truy thu, bầu Hiển rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng có. Lúc bấy giờ, ông mới giật mình nhìn lại xung quanh chẳng có ai gánh hộ món nợ và có thể chung tay cùng ông vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông nổi tiếng đến mức một tờ báo đưa ông lên trang nhất với cái tên “chúa chổm”.

Nhưng may mắn, Hải quan và Thuế vụ đã xuống tận nơi xác nhận việc nợ thuế của công ty là do hàng tồn kho, tất cả đều có đủ giấy tờ pháp lý và có giá trị lớn. Điều này có nghĩa là ông nợ thuế vì không bán được hàng chứ không phải có điều gì không rõ ràng đằng sau.

“Tôi đã nói với anh em rằng, tôi là kẻ thất bại và khó khăn mình tôi sẽ gánh chịu chịu. Tôi đã quyết định sai, tôi sẽ là người đứng ra gánh vác trách nhiệm”, ông nói. Bầu Hiển đau đớn quyết định “giải phóng” nhân viên giỏi sang làm việc ở đơn vị khác vì không muốn họ vì mình mà lỡ dở sự nghiệp.

Những người còn lại ông động viên cùng mình vượt qua khó khăn và ông hứa sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho họ và gia đình. Lời hứa của ông đã mang lại giá trị, sau khoảng một năm lăn lộn ra thị trường, cùng bán hàng và chào sản phẩm ở khắp mọi nơi, bầu Hiển đã bước đầu “gỡ” được vốn. Lượng hàng tồn trong kho được giải phóng và ông cũng dần lấy lại được thị phần.

Nhưng khủng hoảng vẫn kéo dài 3 năm. Ông phải chạy vạy khắp nơi tìm cách xử lý, giải quyết hàng tồn kho trả nợ thuế và định hướng kinh doanh mới. Rồi khó khăn cũng qua đi và cơ hội mới lại mở ra.“Quả là khi ấy tôi thấm thía được thế nào là nỗi cơ cực của kẻ bị thúc nợ”, bầu Hiển tâm sự.

Cũng chính lúc khó khăn nhất, bầu Hiển hiểu rằng nếu chỉ kinh doanh thương mại thuần túy, làm đại lý cho nước ngoài, rủi ro cao và ông sẽ mãi chỉ là người phân phối sản phẩm, gia công và mượn thương hiệu của người khác. Chẳng có cái gì là của riêng ông và làm lên giá trị của chính mình... 

Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của bầu Hiển là câu lạc bộ thành công nhất V-league
Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của bầu Hiển là câu lạc bộ thành công nhất V-league.

Niềm đam mê với bóng đá

Ngày 18/06/2006, dưới sự tài trợ của bầu Hiển và tập đoàn T&T, câu lạc bộ bóng đá T&T Hà Nội (hiện nay là câu lạc bộ bóng đá Hà Nội) chính thức được thành lập.

Từ một đội bóng gồm đa số các cầu thủ trẻ do huấn luyện viên Triệu Quang Hà (cựu cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam và câu lạc bộ Thể Công) dẫn dắt, đội đã liên tiếp thăng ba hạng, từ hạng ba Giải bóng đá hạng ba quốc gia Việt Nam lên Giải bóng đá hạng nhì quốc gia Việt Nam cuối cùng là Giải bóng đá hạng nhất quốc gia (Việt Nam) để giành quyền thi đấu ở V-League 2009. Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội chính là đội bóng đang giữ kỉ lục 3 năm liền thăng hạng, từ hạng ba lên thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Câu lạc bộ Hà Nội được coi là câu lạc bộ thành công nhất V-league với thành tích 5 lần vô địch quốc gia V-league (2010, 2013, 2016, 2018, 2019) cùng với đó là 5 lần giành ngôi á quân (2011, 2012, 2014, 2015, 2020); 2 lần vô địch Cúp Quốc gia (2019,2020) và 4 lần vô địch Siêu cúp quốc gia (2010, 2018, 2019, 2020). 

Ở đấu trường châu lục, Hà Nội FC cũng từng vào tới tứ kết Cúp AFC 2014, vô địch khu vực Đông Nam Á vào đến chung kết liên khu vực (Đông Á) của Cúp AFC 2019.

Đó là chưa kể đến 2 câu lạc bộ khác là SHB Đà Nẵng và Quảng Nam nằm dưới sự ảnh hưởng của bầu Hiển. SHB Đà Nẵng từng vô địch V-league 2 lần vào các năm 2009, 2012; Câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam vô địch V-league năm 2017.

Theo một số nguồn tin trong nước, bầu Hiển đang có tầm ảnh hưởng lớn (kiểm soát và quản lý trực tiếp hay gián tiếp) tới nhiều đội bóng hiện đang thi đấu tại Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam V-league. Bầu Đức – Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai từng tuyên bố một phát ngôn kinh điển:

“Tôi khẳng định luôn rằng TP.HCM không thể nào vô địch được V-League năm nay vì họ là một đội, làm sao đối đầu với 5 đội bóng”

“Thằng ốm đánh một thằng mập thì thằng mập làm sao mà chịu nổi. Tôi dám chắc CLB TP.HCM không thể vô địch V-League năm nay. Để rồi xem sao”

Bầu Đức từ lâu nay đã không ít lần chỉ trích thế lực của ông bầu Đỗ Quang Hiển với nhiều CLB đang làm mưa làm gió ở sân chơi quốc nội. Phát biểu nêu trên có thể ngầm hiểu rằng ông đang chỉ trích tình trạng một ông chủ quản lý nhiều đội bóng, mà đặc biệt ám chỉ bầu Hiển.

Sau khi thấy Viettel lên ngôi vô địch V-league 2020, bầu Đức tỏ ra ngưỡng mộ đội bóng thủ đô: “Viettel lên ngôi vô địch, tôi xem mà sướng ngất ngây. Theo tôi, tình trạng 5 đánh 1 vẫn còn tồn tại, không khác gì mùa giải trước. Trong bối cảnh ấy mà đội Viettel vẫn đăng quang càng làm cho tôi phục họ sát đất”.

“Không có đội nào làm được như Viettel đâu. 1 thắng được 5 đâu có dễ. Viettel đầu tư rất bài bản, rất nghiêm túc. Đặc biệt, họ chơi đàng hoàng, đá sòng phẳng, không liên minh, cũng hầu như không quan hệ với trọng tài. Đá vậy mới sướng, vậy mới là tốt cho bóng đá Việt Nam. Chứ nếu CLB Hà Nội vô địch thì mọi thứ vẫn như cũ à?!” – vẫn là lời của ông bầu giàu cá tính Đoàn Nguyên Đức.

Ông cũng thẳng thắn chia sẻ về lý do HAGL không có sự đầu tư cho đội bóng để tranh ngôi vô địch: “Tôi nói thật, HAGL mùa tới sẽ thay đổi, chắc chắn có thay đổi, nhưng vẫn không thể tranh ngôi vô địch V.League. Chúng tôi xác định đá để cho người hâm mộ sướng, nhất là cho bà con ở Pleiku, Gia Lai phấn khởi, chứ vô địch sao nổi. Lực của chúng tôi không đủ sức 1 chống 5”.

“Tính tôi trước giờ là vậy, đã đầu tư là đầu tư đến cùng, xác định vô địch được thì đầu tư lớn luôn, còn không vô địch nổi thì chơi lớn cũng vô ích. HAGL đá theo kiểu 1 chống 5 như hiện nay không nổi đâu. Mà điều tôi không làm được, HAGL không làm được, nhưng Viettel có thể làm được, nên tôi càng nể và càng phục đội Viettel” – ông Đức nói thêm.

TH