CEO Trần Văn Lê: doanh nhân phải có tầm nhìn - đam mê - kỷ luật - lương tâm

09:46 12/08/2021

Ông Trần Văn Lê, CEO Công ty TNHH Sản Xuất Cơ điện - Thương mại Phương Linh. Giới kinh doanh quạt công nghiệp gọi người đàn ông sáng lập thương hiệu Phương Linh bằng cái tên “Vua quạt đất Bắc”...

Xuất thân từ vùng quê nghèo Thanh Chương, Nghệ An, nhưng với ý chí và tinh thần vượt khó, ôngTrần Văn Lê sớm thể hiện mình là người nổi trội, với những thành tích học tập luôn đứng đầu lớp. Kết thúc 12 năm đèn sách, chàng thanh niên Trần Văn Lê lên đường nhập ngũ rồi vào học trong ngôi trường đào tạo kỹ thuật của quân đội. Với ông, niềm đam mê học tập không bao giờ là cạn, cho dù đến nay đã là chủ một doanh nghiệp lớn và tuổi đời cũng đã ngoài 50. 

Ông Trần Văn Lê, CEO Công ty TNHH Sản Xuất Cơ điện - Thương mại Phương Linh. Nguồn: Internet
Ông Trần Văn Lê, CEO Công ty TNHH Sản Xuất Cơ điện - Thương mại Phương Linh. Nguồn: Internet.

Sau khi lập gia đình, ông Lê lăn lộn đủ nghề để mưu sinh, mê mải kiếm sống, nhưng vẫn nghèo. Rồi một ngày, ông thông báo với vợ một quyết định quan trọng: sẽ phải học. Năm 1991, ông đến Trường Kinh tế quốc dân đăng ký học lớp quản trị kinh doanh. Chính những kiến thức thu nạp được từ trường đại học đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc đời đó là sáng lập nên Công ty Phương Linh.

Tự nhủ, muốn làm ông chủ thì trước hết phải đi làm thuê, ông Lê bỏ việc buôn bán chợ búa để xin làm thuê cho một ông chủ chuyên “đánh” các mặt hàng máy móc, đồ cơ điện cũ. Trong những lần đi bốc hàng, ông có thêm các mối quan hệ và hiểu hơn về máy móc, kỹ thuật.

“Thời điểm đó, nhu cầu về thông gió, hút bụi xử lý môi trường tăng cao. Trong khi các sản phẩm quạt điện, quạt dân dụng rất phổ biến, thì thị trường quạt công nghiệp gần như bỏ ngỏ, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài nhu cầu thị trường, thì đam mê với ốc vít, motor… cũng là một nguyên nhân khiến tôi kiên trì theo đuổi dòng sản phẩm này”, ông Lê nhớ lại.

Đã có những khó khăn, đã có những thất bại, thời gian đầu có những đơn hàng phải tháo ra làm lại đến lần thứ năm để chiều theo khách hàng. Chính sự phục vụ chu đáo, nhiệt tình ấy đã dần tạo nên uy tín cho Phương Linh.

“Lâu nay tôi được nhều người nói là nhân vật có cuộc sống hơi khắc nghiệt, cuộc đời của tôi luôn cực khổ từ lúc nhỏ cho đến bây giờ. Tôi không muốn nói điều gì đó quá ghê gớm, một người đi lên từ con số không, nhưng từ thực tiễn đến bài học và từ bài học đau thương để đến thành công. Tôi trân trọng nó.

Tất cả chúng ta đều muốn tìm con đường đi riêng cho mình, tôi luôn khát khao đứng vững trên đôi chân của mình. Làm sao để doanh nhân việt nam chúng ta phải phát triển bền vững. Tôi luôn lo lắng, vì chúng ta chưa thay đổi được, kinh tế tư nhân là cơ hội, nhưng nó còn rất mong manh, nó còn thiếu rất nhiều.”, ông Lê nói.

Trước cộng đồng Doanh nghiệp, doanh nhân Trần Văn Lê cũng gửi đến bốn nguyên tắc đã luôn đi theo trong triết lý kinh doanh của mình. Đó là: Tầm nhìn - đam mê - kỷ luật - lương tâm. “Là doanh nhân, Chúng ta không thể rời bốn cái này được”, ông Lê nhấn mạnh. 

Giới kinh doanh quạt công nghiệp gọi người đàn ông sáng lập thương hiệu Phương Linh bằng cái tên “Vua quạt đất Bắc”. Nguồn: Internet
Giới kinh doanh quạt công nghiệp gọi người đàn ông sáng lập thương hiệu Phương Linh bằng cái tên “Vua quạt đất Bắc”. Nguồn: Internet.

Ông Trần Văn Lê, CEO công ty TNHH Sản xuất Cơ điện - Thương Mại Phương Linh. Năm 2000, Công ty TNHH TM và Xây dựng Phương Linh được thành lập (sau này đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh).

Đam mê kinh doanh và gặt hái nhiều thành công, nhưng với doanh nhân Trần Văn Lê, những kiến thức về quản trị kinh doanh, những kinh nghiệm trong sản xuất, những bài học trên thương trường dường như chưa bao giờ là đủ. Ngoài những tấm bằng kỹ sư và cử nhân đại học, ông Lê có tới 20 chứng chỉ đào tạo, từ quản lý cho tới kỹ thuật. Chính sự ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu cái mới ấy, nên khi đề cập chủ đề cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đôi mắt của doanh nhân Trần Văn Lê sáng lên niềm hy vọng.

Ông bảo, ông nhận thấy cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ thay đổi cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, thậm chí là thay đổi cả hệ giá trị của con người. “Cuộc cách mạng này đặt chúng ta đứng trước nhiều thách thức, buộc doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới để tồn tại và phát triển. Tôi cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội, chứ không phải nỗi lo. Vấn đề là doanh nghiệp phải làm gì để tận dụng cơ hội đó”, ông Lê hào hứng.

Để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng đó, Phương Linh đã tổ chức giảng các lớp đào tạo nội bộ cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, công nhân để nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị do chính Giám đốc Trần Văn Lê trực tiếp đứng lớp. Với những cộng sự luôn ngưỡng mộ và thấu hiểu tầm nhìn của ông Lê, Phương Linh đã, đang và sẽ đi theo con đường mà vị doanh nhân này đã vạch ra, đó là “ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay”.

Gia Hân (tổng hợp)