Chương trình phục hồi kinh tế hậu covid

10:43 23/02/2021

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch để đạt được mục tiêu quan trọng trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần coi số hóa nền kinh tế là trọng tâm của Với những thách thức trên chuyển đổi mô hình tăng trưởng...

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Du Lịch, năm 2020, dù chịu “tác động tiêu cực kép” bởi Covid-19 và thiên tai, nhưng kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng 2,91%. Đây là kỳ tích, được thể hiện rõ qua hoạt động xuất khẩu được duy trì như trước Covid-19; đầu tư xã hội và đầu tư công được triển khai khá mạnh, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; các doanh nghiệp (DN) lớn, DN đầu đàn trong mọi lĩnh vực cơ bản đứng vững trong cả năm 2020 và đang tái cơ cấu để phát triển trong giai đoạn mới…

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở khu vực và thế giới cho thấy, năm 2021 chúng ta sẽ đứng trước nhiều thách thức, chưa có tiền lệ. Nếu năm 2011 - năm đầu tiên triển khai kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Chiến lược 10 năm 2011-2020, thách thức của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước, trong khi đó kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng nhờ tác động của các gói kích thích kinh tế mạnh mẽ từ các nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ; Nhật Bản; Trung Quốc; Liên minh châu Âu… thì lần này với dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến khó lường; tự do thương mại đang chịu tác động mạnh bởi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; tình trạng chính trị hóa trong các tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn… 

Việt Nam cần coi số hóa nền kinh tế là trọng tâm của chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Việt Nam cần coi số hóa nền kinh tế là trọng tâm của chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

 

Trước những thắng lợi đã đạt đượng trong năm qua, ông Trần Du Lịch phân tích những thách thức, khó khăn nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện 3 thách thức có tính chất trung hạn. Thứ nhất, những thành tựu kinh tế trong 4 năm (2016-2019) đang bị bào mòn thể hiện qua GDP suy giảm mạnh; nợ công và nợ xấu của nền kinh tế tăng trở lại; dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, nhiều DN trong nước phải chống chịu để tồn tại đang làm chậm quá trình tái cơ cấu, nhất là tài chính và thị trường…

Thứ hai, tính sẵn sàng của DN Việt trong việc tận dụng cơ hội các FTA song phương và đa phương mang lại, nhất là 3 FTA như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) còn khá mỏng. Vấn đề ứng dụng công nghệ số trong các DN sản xuất còn rất yếu. Phần lớn các DN sản xuất với công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ, kể cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất khó thực hiện quá trình số hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và đón bắt cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, nỗ lực cải cách thể chế kinh tế thời gian qua tuy mang lại kết quả nhất định, nhưng việc cải cách không mang tính hệ thống, nên không chỉ khó tạo ra một thể chế cạnh tranh vượt trội theo tiêu chí ASEAN-4 như mục tiêu đề ra, mà còn phát sinh xung đột giữa các quy định, làm hạn chế tác động tích cực trong nỗ lực số hóa nền hành chính công theo chủ trương của Chính phủ. 

Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025
Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. 

Với những thách thức vị chuyên gia kinh tế đưa ra một số đề xuất, trong 5 năm tới được xem là thời kỳ “bất khả tiên liệu” trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, thương mại quốc tế, toàn cầu hóa, chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công nghệ… sẽ thay đổi nhanh chóng. Những vấn đề trong bài toán phát triển của những quốc gia trong giai đoạn công nghiệp hóa mang tính truyền thống như nước ta sẽ hoàn toàn thay đổi trong tương lai. Do đó, cần đặt “số hóa nền kinh tế” là trọng tâm của chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong giai đoạn 2021-2025.

Trước mắt cần tập trung vào 3 nội dung: Giải quyết những chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật về kinh tế hiện hành; ban hành mới các đạo luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội mang tính đặc thù giúp DN phục hồi (dạng như Nghị quyết của Quốc hội xử lý nợ xấu hiện nay) và mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm khai thác tính năng động của từng địa phương.

Bên cạnh đó, với cộng đồng DN, cần đánh giá những DN đầu đàn trong từng lĩnh vực ở mọi thành phần kinh tế trước nguy cơ gãy đổ do thua lỗ mất thanh khoản, nhất là những DN đang có dư nợ tín dụng lớn ở các tổ chức tín dụng.

Riêng về kích thích thị trường nội địa, cùng với việc mở rộng tín dụng tiêu dùng, kích thích thị trường du lịch nội địa, Chính phủ phải xây dựng giải pháp đồng bộ kết nối “tay ba” là lưu trú- lữ hành và vận tải, nhằm tạo ra các gói du lịch giá rẻ; thanh toán linh hoạt.

"Đặc biệt về trung hạn, tôi cho rằng cần sớm có một chương trình “hậu Covid” để phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là thúc đẩy DN tái cơ cấu thị trường, giảm lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc; đồng thời gắn với cơ hội thực thi CPTPP; EVFTA và RCEP. Cùng với đó, cần chuyển những quyết tâm và sáng tạo của Chính phủ trong giai đoạn “chống dịch như chống giặc” hiện nay thành quyết tâm và sáng tạo trong giai đoạn “hậu Covid-19” thông qua từng chính sách cụ thể. Từ trong vùng tối của đại dịch toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tuy đang đứng trước nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 như đang kỳ vọng", TS Trần Du Lịch cho biết.

Đào Sơn/theo congthuong.vn