Chuyển đổi năng lượng xanh: Thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện

15:38 20/10/2022

Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu, cùng với đó, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đặt ra yêu cầu thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện.

Sáng 20/10, Báo Giao thông

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo. 

đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho biết: Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.

Tại COP 26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris. Việc triển khai các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Cam kết mạnh mẽ tại COP26 là cơ hội để Chính phủ Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5-10 năm và tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Để góp phần hiện thực hoá những cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT với những mục tiêu, lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực, trong đó lĩnh vực đường bộ với việc phát triển phương tiện giao thông đường bộ điện được xác định là trọng tâm.

Ảnh minh họa
Cam kết của Việt Nam tại COP26 đặt ra yêu cầu thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện. 

Đây sẽ là cơ hội cho ngành GTVT tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Các nghiên cứu cho thấy, trên thế giới, ngành GTVT tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực GTVT, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái.

Thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.

Việt Nam là nước đang phát triển, tiến trình công nghiệp hóa mới chỉ bắt đầu trong hơn ba thập kỷ qua và đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới. Với mục tiêu tăng GDP 6,5%-7% mỗi năm, các ngành và lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo để phát triển kinh tế đang là những ngành có mức độ phát thải khí nhà kính cao, việc đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải mạnh mẽ tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có thể sẽ dẫn đến những thách thức to lớn đối với tăng trưởng kinh tế và điều tiết hài hòa giữa các ngành kinh tế.

GTVT là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam, do đó, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn cho ngành, tuy nhiên cũng sẽ mang đến không ít những khó khăn và thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội và hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc tế.

Trên thế giới, tỷ lệ xe không phát thải mới bán ra hiện nay khoảng 2% và ước tính đến năm 2030 là 30% (riêng tại Mỹ là 50%). Do đó, các chính sách và sáng kiến trong tương lai của Việt Nam về chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ giúp ngành công nghiệp về phương tiện không phát thải phát triển nhanh và mạnh mẽ tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cam kết mạnh mẽ tại COP26 là cơ hội để Chính phủ Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.

Đây cũng sẽ là cơ hội cho ngành GTVT tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh khẳng định việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe điện tại TP Hồ Chí Minh là rất cần thiết và cấp bách.

Hiện nay, phương tiện giao thông điện hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là xe điện 2 bánh (xe đạp điện và xe máy điện) với số lượng khoảng 12.575 xe (chiếm tỷ lệ 0,16% tổng xe 02 bánh trên địa bàn thành phố).

Liên quan đến việc phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng xe buýt điện, ngày 13/10/2020, Bộ GTVT có Công văn số 10250/BGTVT-VT về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo đề xuất của Tập đoàn Vingroup, Bộ GTVT có ý kiến đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, từ tháng 3/2021 Sở GTVT đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận thí điểm đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt điện với dự kiến 77 xe buýt điện hoạt động trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Công ty VinBus đã đưa vào hoạt động thí điểm trước 1 tuyến từ Khu dân cư Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn với 12 xe hoạt động, 4 tuyến còn lại dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong quý 4 năm 2022.

“Việc chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện tại thành phố đang trong giai đoạn khởi đầu. Theo số liệu khảo sát của đơn vị tư vấn đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch hành động GTVT bằng phương tiện điện cho Thành phố Hồ Chí Minh, về nhu cầu mua xe điện trong tương lai của người dân thành phố thì có 13,17% có nhu cầu mua xe điện. Xe máy điện sẽ là loại phương tiện chính mà người dân hướng đến trong kế hoạch mua sắm sử dụng trong tương lai”, ông An nói.

H. Anh