Chuyên gia đề xuất giải pháp TP HCM dập dịch khi cách ly xã hội

09:59 08/07/2021

TP HCM cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm quy định cách ly xã hội, thay đổi chiến lược xét nghiệm; tăng tốc truy vết, chuẩn bị cho tình huống xấu hơn.

Từ 0h ngày 9/7, TP HCM sẽ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, để chống Covid-19. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, thành phố cần tận dụng triệt để thời gian này, để giải quyết nhiều bài toán khó đặt ra cùng lúc, nhằm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia), nêu 8 đề xuất với TP HCM trong nửa tháng cách ly xã hội.

Thứ nhất, TP HCM cần thực hiện nghiêm toàn bộ nội dung Chỉ thị 16. "Một trong những nguyên nhân sau hơn một tháng giãn cách xã hội, thành phố vẫn chưa dập dịch triệt để là bởi thực hiện không nghiêm quy định giãn cách", bà Thu Anh phân tích.

Tinh thần của Chỉ thị 16 là "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện". Các phân xưởng, nhà máy sản xuất đảm bảo khoảng cách an toàn, người lao động đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn. Người dân nên ở nhà, chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động).

Mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng di chuyển từ vùng dịch đến địa phương khác; cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.

Ngoài các quy định nêu trên, bà Thu Anh đề xuất thêm, người dân được khuyến khích mua đủ nhu yếu phẩm dùng trong hai tuần để giảm mật độ đi lại; tăng cường ứng dụng công nghệ để giao hàng. Cơ sở bán hàng lưu động đến từng khu dân được cần được khuyến khích, để người dân hạn chế đi lại. Gia đình có một thành viên chỉ được đi chợ hoặc siêu thị một lần mỗi tuần; gia đình hai thành viên hai lần mỗi tuần. Các khu dân cư dùng chung hạ tầng như bếp nấu ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh, khu xử lý rác... phải chia lịch cụ thể để không tập trung đông người.

Nhà chức trách cần ứng dụng công nghệ để đếm số người ra vào tại mỗi địa điểm (như thẻ, token key, mã QR...). Thành phố cần có chế tài cụ thể với những người vi phạm các quy định của Chỉ thị 16.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh. Ảnh: Viết Tuân

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh. Ảnh: Viết Tuân 

Thứ hai, thành phố cần áp dụng chiến lược xét nghiệm truy vết các F, song song với chiến lược xét nghiệm các cộng đồng, nhóm có nguy cơ. "Xét nghiệm nhanh, trả kết quả nhanh, truy vết và cách ly kịp thời" sẽ giúp làm giảm thời gian giãn cách. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, phần lớn người dân ở nhà nên tốc độ lây nhiễm sẽ giảm, thuận lợi để tăng tốc truy vết.

"Thành phố đã có những biện pháp tăng cường năng lực xét nghiệm như gộp 5 mẫu hoặc xét nghiệm gộp quy mô lớn. Đây là tín hiệu rất khả quan. Hy vọng rằng công tác chuẩn bị, tổ chức chiến dịch xét nghiệm, đảm bảo chuỗi cung ứng sinh phẩm và testkit sẽ được tăng tốc để đáp ứng được nhu cầu này", bà Thu Anh phân tích.

Với xét nghiệm PCR, cơ quan y tế nghiên cứu giải pháp hướng dẫn và cho phép người dân lấy mẫu tại nhà, gửi tới phòng xét nghiệm, trả kết quả qua tin nhắn. Đồng thời, có thể thiết lập các điểm lấy mẫu tại nơi công cộng.

Thứ ba, TP HCM có kế hoạch cụ thể hỗ trợ kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly xã hội. Các mặt hàng thiết yếu phải được đảm bảo đầy đủ. Cần tăng cường chương trình trực tuyến để giảm căng thẳng và khích lệ tư duy tích cực trong giai đoạn giãn cách.

Thứ tư, trong nửa tháng tăng tốc truy vết, số F0 có thể tăng cao nên F1 cũng tăng theo, vượt quá năng lực cách ly của thành phố. Điều này dễ dẫn đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly và ra cộng đồng. Vì vậy, thành phố nên triển khai cách ly F1 tại nhà. Ngoài các quy định của Bộ Y tế, bà Thu Anh đề xuất ngành y tế TP HCM cần cụ thể hơn, yêu cầu F1 và thành viên trong gia đình không được tiếp xúc với người khác trong phạm vi 2 m. Các đoàn thể địa phương đảm bảo nhu yếu phẩm cho gia đình cách ly.

F1 có thể lựa chọn đi cách ly tập trung hoặc đeo vòng giám sát tại nhà bằng GPS hoặc bluetooth. Nếu người cách ly cố gắng tháo vòng sẽ có báo động gửi về trung tâm giám sát. Tổ Covid-19 cộng đồng giám sát ngẫu nhiên và định kỳ các gia đình cách ly.

Ngã sáu Phù Đổng (quận 1), nơi giao nhau của các đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Thị Riêng, Nguyễn Trãi, Phạm Hồng Thái và Lý Tự Trọng vắng vẻ khi dịch bệnh bùng phát, tháng 5/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngã sáu Phù Đổng (quận 1), nơi giao nhau của các đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Thị Riêng, Nguyễn Trãi, Phạm Hồng Thái và Lý Tự Trọng vắng vẻ khi dịch bệnh bùng phát, tháng 5/2021. Ảnh: Quỳnh Trần 

Thứ năm, thành phố có biện pháp bảo vệ các bệnh viện bằng cách phân luồng, sàng lọc bệnh nhân khoa học, nhiều lớp để giảm dần rủi ro. Nhân viên y tế được cung cấp đầy đủ khẩu trang N95 và đồ bảo hộ để dùng trong toàn thời gian làm việc tại bệnh viện.

Thứ sáu, các khu nhà ở, bệnh viện, khu cách ly, nhà máy... phải tăng thông khí. Virus lây nhanh và nhiều nhất khi ở trong khu vực kín có F0, vì nồng độ virus cao hơn ngoài trời. Thời gian tiếp xúc càng lâu, mức độ lưu thông khí càng kém, thì khả năng lây nhiễm càng cao. "Phần lớn các ca lây nhiễm ở Việt Nam xuất hiện ở trong hộ gia đình, các buổi tập trung đông người trong khu vực thiếu thông khí, các khu cách ly đông người chung phòng", bà Thu Anh phân tích.

Vì vậy, bên cạnh biện pháp 5K, các phòng ở, nơi làm việc cần tăng thông khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Thứ bảy, TP HCM cần chuẩn bị cho kịch bản diễn biến dịch bệnh xấu hơn. Cụ thể, nếu bệnh nhân quá tải, cần có kế hoạch kêu gọi chi viện từ các địa phương, đơn vị, bệnh viện có kinh nghiệm. Bệnh nhân được phân loại theo từng mức độ nặng hoặc nhẹ để điều trị.

"Thành phố cũng cần tính đến trường hợp sẽ phải giãn cách dài hơn so với dự kiến ban đầu là nửa tháng. Người dân cùng đoàn kết, tích cực thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch", TS Thu Anh đề xuất.

Thứ tám, nếu TP HCM vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm thì cần cách ly F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà.

Bà Thu Anh dẫn nghiên cứu cho thấy F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể tự khỏi mà không cần chăm sóc y tế. Cách ly và điều trị tập trung tất cả F0 sẽ giúp điều trị sớm người bệnh nặng và hạn chế lây nhiễm cộng đồng. Nhưng khi số F0 vượt ngưỡng 10.000, nếu đưa tất cả vào bệnh viện sẽ gây quá tải, trong khi ngành y tế còn phải dồn lực để truy vết, cách ly, xét nghiệm và điều trị các bệnh khác.

Bà đề xuất thành phố cần tính đến phương án cho phép F0 chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được tự cách ly và chăm sóc tại nhà. Hàng ngày, cán bộ y tế gọi điện để hỏi thăm, hướng dẫn F0 tự đo nhiệt độ cơ thể và nồng độ oxy trong máu nhằm xác định đúng thời điểm nếu cần nhập viện điều trị. 

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, chuyển đổi từ ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, hoạt động từ đêm 26/6. Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, chuyển đổi từ ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, hoạt động từ đêm 26/6. Ảnh: Sở Y tế TP HCM 

PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phân tích nguyên tắc của giãn cách xã hội là nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm dịch bệnh, thông qua việc hạn chế tiếp xúc giữa người với người. "Nếu cắt đứt được các chuỗi lây nhiễm, sự lây lan dịch bệnh tại thành phố sẽ giảm", ông nói.

"Cách ly xã hội toàn thành phố là điều không ai mong muốn. Vì vậy, thành phố cần tận dụng triệt để thời gian này để dập dịch. Việc phong tỏa phải thực hiện nghiêm đến từng hộ gia đình, theo nguyên tắc mỗi nhà đều "cửa đóng, then cài", chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Tránh việc chính quyền cơ sở chỉ lập rào chắn phong tỏa các khu phố nhưng bên trong người dân vẫn tụ tập đông người", PGS Trần Đắc Phu nêu quan điểm.

Các hoạt động của người dân như lao động, sản xuất, giao thông... cũng cần sắp xếp lại, để hạn chế giao tiếp. Thành phố cũng tính phương án đảm bảo lưu thông hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.

Về xét nghiệm, ông Phu nói phải trả kết quả ngay trong ngày mới đánh giá được mức độ nguy cơ. "Nếu xét nghiệm mà chậm trả kết quả thì không còn tác dụng, bởi qua ngày hôm sau, có thể đã hình thành chuỗi lây nhiễm mới", ông nói và cho rằng trong thời gian cách ly xã hội TP HCM cần xem xét thay đổi chiến lược xét nghiệm cho phù hợp.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, nêu quan điểm, trong hai tuần tới thành phố cần "vét hết các F0 còn trong cộng đồng". Nhưng nhân lực để thực hiện công việc này và phương pháp xét nghiệm nào là bài toán thành phố cần tìm lời giải.

"Nửa tháng tới, người dân không ra ngoài nên không tạo thêm nguy cơ lây nhiễm. Thành phố phải tận dụng triệt để thời gian này để vét hết F0", ông Khanh nói.

Đồng thời, TP HCM cần chuẩn bị kịch bản số F0 và F1 tăng cao, cần có đủ cơ sở điều trị và cách ly. "Trong trường hợp F0 và F1 quá tải, nên cách ly F1 và F0 triệu chứng nhẹ tại nhà, để giảm tải cho nhân viên y tế", ông đề xuất.

Đánh giá tốc độ xét nghiệm ở thành phố thời gian qua chưa đáp ứng tốc độ truy vết, ông Khanh bày tỏ lo ngại, "nếu không thay đổi các biện pháp xét nghiệm, thì có nguy cơ sau nửa tháng, thành phố khó dập được dịch". Giải pháp ông nêu ra là huy động cơ sở tư nhân và kêu gọi lực lượng y tế trong quân đội, công an và địa phương khác tăng cường hỗ trợ.

Theo Viết Tuân/vnexpress.net