Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Một số vấn đề trong việc điều hành giá cả thị trường trong năm 2022

10:38 28/01/2022

Năm nay là năm thứ 2 Việt Nam trải qua cơn đại dịch Covid chưa từng có, nó tác động mạnh mẽ vào từng gia đình và mọi hoạt động kinh tế xã hội của đất nước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Bức tranh thị trường giá cả năm 2021

Từ việc đứt gãy các chuỗi cung ứng ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu đến việc tăng các chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đến các chi phí khác như phí container, giá xăng dầu và nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu cho sản xuất đều tăng rất mạnh. Tất cả những điều đó đã tạo ra một sức ép ghê gớm cho sự phát triển thời kỳ có dịch. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội dự báo đạt được trong năm 2021 tuy còn những chỉ tiêu không đạt được như kế hoạch đã đề ra nhưng vẫn là tiền đề quan trọng cho những bước phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đánh giá một cách đầy đủ gần một năm qua về thị trường giá cả, chúng ta thấy nổi lên một số vấn đề:

Ở thị trường nội địa, trong lúc thu nhập, sức mua trong từng gia đình giảm sút thì giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu lại tăng cao. Ngoài những nguyên nhân khách quan đã nêu ở trên, còn những nguyên nhân chủ quan là hiện tượng ngăn sông cấm chợ ở một số địa phương một cách quá mức, gây tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp. Những hiện tượng lợi dụng những lúc khó khăn để đầu cơ trục lợi, tăng giá bán một cách cao quá mức, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng làm tổn hại tới người tiêu dùng.v.v. Bình ổn giá cả thị trường phải tiến hành một cách thiết thực, hiệu quả thực sự, chứ không phải bình ổn trên giấy (như Báo Thanh niên đã nêu). Bình ổn chủ yếu giải quyết bài toán cung cầu, chứ không phải chỉ có 20 - 30% lượng hàng hóa bình ổn ở các siêu thị, chợ là có thể bình ổn được giá cả. Bình ổn giá không chạy theo giá thị trường, như thế sẽ mất tác dụng của khâu bình ổn giá mà các địa phương đã thực hiện gây mất niềm tin cho người tiêu dùng trong năm 2021 và những năm trước đây. Tất cả những tình hình trên cho ta thấy việc điều hành hệ thống phân phối ở thị trường nội địa trong năm qua vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, trong đó có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương cùng các lực lượng thực thi công vụ tại cơ sở. Kết thúc 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội giảm 8,7% so với cùng kì 2020 (nếu loại trừ giá thì còn giảm sâu hơn là 10,4%).

Đi sâu vào những mặt hàng thiết yếu trong những tháng qua thì các chuyên gia, các nhà quản lý và dư luận xã hội đều quan tâm và có ý kiến đề xuất khá mạnh mẽ, đó là trong giá bán lẻ xăng dầu, có trên 40% thuế phí, đó là một cơ cấu giá vô lý, nhất là trong lúc khó khăn như hiện nay. Từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, đến một số các chuyên gia và dư luận xã hội đều đề nghị giảm bớt thuế và chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu, nhưng nhiều tháng trôi qua đều không được chấp nhận. Điều quan trọng hơn là những mức thuế phí vô lý này sẽ được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh dịch vụ của những mặt hàng Việt được sản xuất trong nước, hệ quả là làm giảm năng lực cạnh tranh về giá, suy giảm sức mua ở thị trường nội địa cũng như khó cạnh tranh khi đem hàng hóa Việt Nam khi đưa ra xuất khẩu các nước. Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các ngành liên quan cần phải nghiêm túc xem lại những đề nghị chính đáng này, trước mắt cũng như về lâu dài trong việc điều hành giá xăng dầu ở thị trường VN. Theo tôi, cái lợi lớn nhất khi giảm bớt một phần thuế phí là hàng hóa Việt Nam sẽ sản xuất nhiều hơn, doanh thu tăng lên và tất nhiên, số tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp cũng tăng theo và có khi còn lớn hơn số thu về phí thuế của mặt hàng xăng dầu hiện nay.

Một mặt hàng mà thị trường tiêu dùng rất quan tâm, đó là mặt hàng thịt lợn, trong những tháng vừa qua, trong khi giá lợn hơi có thời kì đã giảm đến trên 50%, thậm chí 60% thì giá bán lẻ thịt lợn ở chợ và nhất là ở một số siêu thị vẫn cao chót vót hoặc chỉ giảm đôi chút không đáng kể. Đây là mặt hàng vô cùng quan trọng chiếm tới 70% tỉ trọng thịt tiêu dùng  của các gia đình Việt Nam. Trước tình hình cấp bách như vậy nên Phó thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương và các ngành liên quan phải kiểm tra làm rõ sự chênh lệch giá vô lý đã nêu ở trên, tuy nhiên đến nay đã qua ba tháng rồi mà không thấy công bố kết quả để mọi người được biết về việc thực hiện chỉ đạo này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một số vấn đề trong việc điều hành giá cả thị trường trong năm tới

Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khó lường thì chúng ta trước hết cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Chúng ta phải coi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là tế bào quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nếu doanh nghiệp phát triển vực dậy được thì sẽ có công ăn việc làm, thu nhập nâng cao đời sống, nộp ngân sách cho đất nước ngày càng nhiều hơn. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những chính sách tiền tệ, đồng thời cũng thực hiện những chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp. Cần dung dưỡng nguồn thu để có thu cao hơn nhằm giúp đỡ doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công một cách hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí trong việc chi tiêu kinh phí của Nhà nước, đưa nhanh các công trình vào sử dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Tiếp tục cải cách hành chính và giảm những chi phí vô lý cho doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt. Song song với việc sản xuất cần tổ chức lại hệ thống phân phối quốc gia để đảm bảo việc tiêu thụ hiệu quả các các sản phẩm hàng hóa, trong đó có các hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam đang có sức sản xuất hết sức dồi dào nhưng khâu tiêu thụ đang có vấn đề. Làm tốt được những vấn đề trên sẽ góp phần vào việc ổn định thị trường giá cả trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng  GDP 6-6,5% và CPI ở mức 4% trong năm tới, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở Việt Nam the o đúng Nghị Quyết mà Quốc Hội đã đề ra.

Tết năm nay đến với các gia đình trong hoàn cảnh vừa trải qua 1 năm đại dịch nhiều khó khăn và vất vả. Những diễn biến thực tế của thị trường giá cả trong gần 1 năm qua cho ta thấy những hình ảnh phục vụ hết mình của đại đa số các đơn vị bán buôn bán lẻ trong hệ thống phân phối cả nước, công tác đảm bảo tiêu dùng cho người dân trong thời gian vừa qua đã góp phần vào thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạt sạn trong công tác phục vụ, làm mất niềm tin của người tiêu dùng mặc dù đó không phải là phổ biến.

Tết Âm lịch 2022 đang đến rất gần, chính vì vậy mà công tác chuẩn bị nguồn hàng, tổ chức dự trữ hàng hóa và tổ chức bán ra phải hết sức khẩn trương, khoa học và trách nhiệm mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, đồng thời cũng là cơ hội để ngành bán lẻ Việt Nam phấn đấu tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình.

Dự báo một số đặc điểm lớn trong đợt phục vụ Tết

Điều đầu tiên cần đề cập đó là việc mua sắm Tết có khả năng sớm hơn những năm trước bởi VN vẫn còn đang tiếp tục chống dịch, khả năng bùng phát dịch lớn cũng không loại trừ. Chính vì vậy tâm lý mua sắm sớm hơn là 1 điều dễ hiểu.

Điều thứ 2 mà chúng ta cần qua tâm đó là sức mua ở trong dân vẫn còn yếu, tuy vậy Tết đến ai cũng có nhu cầu mua sắm nhiều hơn, mặt khác từ mấy tháng nay do chi phí đầu vào của sản xuất và lưu thông tăng lên bởi sự tăng giá của xăng dầu, ga, ... hệ quả là 1 mặt bằng giá mới đã hình thành đối với nhiều mặt hàng theo chiều hướng tăng lên đem lại bất lợi trong chi tiêu của từng gia đình và làm giảm sức mua xã hội. Nếu thị trường không ổn định được giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, ... trong dịp Tết, thực sự là 1 khó khăn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng do đại dịch thu nhập bị giảm sút mạnh trong những tháng qua, chính vì vậy mà các cấp các ngành các địa phương, các doanh nghiệp phải tìm cách vượt qua trong thời gian sắp tới.

Về hệ thống phân phối phục vụ Tết cũng có những vấn đề phải lưu tâm: Kinh nghiệm khi dịch bùng phát lớn nhất là ở TPHCM và một số thành phố phí Nam, nhiều chợ, siêu thị kể cả chợ đầu mối cũng tạm đóng cửa. Khi đó sức ép phục vụ dồn về hầu hết các siêu thị còn đang hoạt động từ đó dẫn tới quá tải gây ra những căng thẳng về mua sắm và làm tăng đột biến giá cả 1 số mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Vấn đề này cần đặt ra ở trong dịp dịch vụ Tết sắp tới là cần thiết.

Về công tác thu mua nguồn hàng phục vụ Tết, nhất là ở các thành phố lớn có sức mua cao và sự tiêu thụ lớn thì việc tổ chức kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa 1 cách đều đặn và hiệu quả cho nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết là 1 việc quan trọng cần phải lưu tâm đến. Chuỗi cung ứng phải phát triể n tăng về số lượng, tăng về độ kết dính, giảm chi phí vận chuyển lưu thông. Đặc biệt, cần hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi, bởi đây là gốc của sự phát triển.

Công tác quản lý thị trường giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được đặc biệt quan tâm, bởi nhu cầu mua sắm tăng gấp mấy lần lúc bình thường. Chính vì vậy, việc quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng là hết sức cần thiết. Chống hàng lậu hàng giả phải làm từ biên giới hải đảo, không để hàng vào nội địa thì kiểm soát đã quá muộn và không hiệu quả. Quản lý thị trường cần có trách nhiệm cao để nhặt những hạt sạn gây tâm lý bất ổn về giá cả thị trường và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Từ những nhận định trên cho thấy: Phục vụ cho tiêu dùng đợt Tết Nhâm Dần này đòi hỏi cần có nhiều cố gắng hơn so với những cái Tết bình thường khác. Các địa phương trong cả nước dưới sự chỉ đạo của trên cần xây dựng 1 kế hoạch phục vụ 1cách tỉ mỉ, chu đáo, khoa học, điều quan tâm là vấn đề tổ chức thực hiện kế hoạch đó trong phục vụ. Các doanh nghiệp bán lẻ cần có kế hoạch riêng cho mình để đảm bảo hàng hóa được bán ra đều đặn, giá cả hợp lý, chất lượng an toàn vệ sinh đảm bảo, phương thức phục vụ nhanh gọn, thái độ ứng xử với khách hàng văn minh, lịch sự.

Đây cũng là dịp để doanh nghiệp củng cố thêm cho thương hiệu của mình, tạo niềm tin cho khách hàng thân thích. Cánh cửa của siêu thị phải mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, nhất là hàng hóa Việt Nam được đứng trên kệ một cách đàng hoàng, không phải chịu những o ép không đáng có khi tiếp cận với một số siêu thị. Chúng ta tin tưởng rằng, được sự quan tâm của các ngành các cấp và sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người tiêu dùng với các doanh nghiệp làm ăn tử tế, chân chính, chắc chắn công tác phục vụ Tết sắp tới với mục tiêu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Khánh Anh