Chuyện về nữ doanh nhân Tư Hường - người con đất võ Bình Định dựng cơ đồ từ tay trắng

09:29 26/04/2021

Từ 2 bàn tay trắng, bà Tư Hường đã từng bước xây dựng nên 1 “đế chế” kinh doanh hùng mạnh, với những khối tài sản, bất động sản trải dài ở nhiều tỉnh thành cả nước.

Nữ doanh nhân Tư Hường. Nguồn ảnh: Internet
Nữ doanh nhân Tư Hường. Nguồn ảnh: Internet.

Nữ doanh nhân Tư Hường tên thật là Trần Thị Hường. Bà sinh ngày 20/4/1936, là người con đất võ Bình Định, trong một gia đình đông con, nghèo khó. Không có điều kiện về kinh tế, bà Tư Hường từng kể, bà thậm chí còn chưa học hết lớp 5 và phải bươn chải đủ thứ nghề từ ở đợ, buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến máy may, buôn vải, bỏ mối rượu… giúp đỡ gia đình.

Bà Tư Hường kết hôn với ông Nguyễn Chấn, sau đó hai vợ chồng bà làm về công nghiệp, tích lũy vốn rồi đi lên nhờ buôn bán bất động sản. Hai ông bà có tất cả 10 người con trong đó có 3 con trai.

Năm 1975, 5 người con của bà tìm cách ra nước ngoài và sau đó định cư tại Canada. Năm 1979, gia đình bà Hường chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh định cư. Với số vốn tích cóp được từ thời kinh doanh ở Bình Định cùng tính cách tháo vát, bà Hường khéo léo trở thành nhà cung ứng thủy sản cho tổng công ty thủy sản Seaprodex vào năm 1982.

Bước ngoặt trên con đường kinh doanh của gia đình bà Hường là giai đoạn đất nước mở cửa những năm đầu thập niên 90. Những năm này, bà Tư Hường nổi lên với các thương vụ xây và bán nhà máy, thu lợi nhuận hàng triệu USD, con số rất lớn lúc bấy giờ.

Thương vụ thứ nhất là góp 45% vốn, bắt tay với chính quyền địa phương xây nhà máy bia ở Khánh Hòa. Sau vài năm, bà bán lại cho hãng bia San Miguel với giá 24 triệu USD và khoản lãi cho riêng bà là 5 triệu USD. Tạp chí Forbes nhận định, thành công của bà là nhờ nắm bắt xu thế: Trong giai đoạn mở cửa, các thủ tục hành chính nhiêu khê khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, họ chọn cách mua lại những công ty có sẵn thay vì xây dựng từ đầu.

Ít lâu sau, bà tiếp tục xây dựng nhà máy, lần này là Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức TPHCM. Nhà máy này được bán lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD, đem về cho các con của bà khoản lãi 1-2 triệu USD mỗi người, tùy theo vốn góp.

Tiếp tục với cách làm trên, bà đầu tư 5 triệu USD để xây nhà máy nước giải khát và sau đó bán cho Lipovitan giá 17 triệu USD.

Năm 1991, bà Tư Hường thành lập công ty TNHH Sơn Hải tại Gia Lai, là một trong những công ty tư nhân đầu tiên hoạt động khai thác, buôn gỗ. Năm 1993, bà Tư Hường thành lập Công ty TNHH Hoàn Cầu với số vốn 193 tỷ đồng và làm chủ tịch, kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng. 

Đến năm 2016, Tập đoàn Hoàn Cầu đã có vốn điều lệ 1.170 tỷ đồng cùng hơn 30 công ty thành viên trên khắp cả nước. Ngoài bất động sản và ngân hàng, bà Tư Hường còn được biết đến như một "bà trùm" yến sào ở Khánh Hòa. Không chỉ nuôi yến tại biệt thư đang sống, bà còn giúp đỡ nhiều người thân quen thiết kế tổ nuôi ngay tại nhà và gọi yến về thành công.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nay bà Tư Hường đã sở hữu trong tay tập đoàn có số vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng, số lượng người lao động đang làm việc cho các dự án, công trình và khách sạn, khu du lịch của bà Tư Hường đã lên đến hàng chục ngàn người. Trong đó, rất nhiều người chưa từng làm việc với bà Tư Hường nhưng vẫn đều biết về hình ảnh một người phụ nữ chân chất, hiền từ nhưng đầy quyết đoán. Bà cũng được giới doanh thương kính trọng vì luôn giúp đỡ mọi người khi gặp hoạn nạn và hỗ trợ các doanh nhân khác khởi nghiệp.

Có thể nói, Ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu là 2 di sản lớn nhất mà bà Tư Hường để lại cho gia đình sau khi qua đời vào ngày13/5/2017.

 TH