Cổ phiếu Alibaba tăng vọt sau khoản tiền phạt chống độc quyền kỷ lục

15:00 12/04/2021

Cổ phiếu của Alibaba đã tăng mạnh vào thứ Hai (12/4) sau khoản tiền phạt chống độc quyền kỷ lục 18 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,75 tỷ USD) đối với tập đoàn thương mại điện tử này, khi các Giám đốc điều hành của tập đoàn này tuyên bố sẽ khắc phục các vấn đề của mình và tăng cường nỗ lực để giữ chân các người bán mà tập đoàn này đang liên doanh cùng.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba cho biết họ sẽ giúp các thương gia bán hàng trên trang của mình dễ dàng hơn sau khi chính phủ vào ngày 10 tháng 4 áp đặt mức phạt kỷ lục 18 tỷ nhân dân tệ (2,75 tỷ USD) đối với công ty. © Reuters

Ảnh: Reuters

Giá cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Alibaba đã tăng tới 9% trong phiên giao dịch buổi sáng, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà phân tích rằng mức phạt kỷ lục hiện đang có lợi cho hành động điều tiết của Bắc Kinh đối với một trong những gã khổng lồ công nghệ của nước này.

Cổ phiếu này đã mất gần một phần ba giá trị kể từ khi Bắc Kinh tiến hành một loạt cuộc điều tra đối với công ty vào tháng 11 năm ngoái.

Daniel Zhang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba, nói với các nhà đầu tư trong một cuộc gọi mới đây rằng, Alibaba sẽ đưa ra các biện pháp mới để giảm các rào cản gia nhập và chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư. Luật chống độc quyền mới của Trung Quốc cấm các nhà khai thác nền tảng thương mại điện tử như Alibaba ký kết các thỏa thuận bán hàng độc quyền với những người bán hàng trên nền tảng này.

Cuối tuần qua, cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc, Cục Quản lý thị trường (SAMR), đã phạt Alibaba vì hành vi ngăn cản người bán sử dụng các nền tảng khác.

Zhang nói: “Chúng tôi không dựa vào tính độc quyền để giữ chân các người bán trên nền tảng của mình”, vì những thỏa thuận như vậy chỉ áp dụng cho một số thương hiệu. 

Mức phạt áp dụng đối với công ty, một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu, cao hơn gấp ba lần mức kỷ lục trước đó mà cơ quan quản lý của Trung Quốc đưa ra.

Joe Tsai, Phó Chủ tịch điều hành, cũng cho biết trong cùng một cuộc gọi rằng số tiền này chiếm chưa đến 20% dòng tiền của Alibaba trong 12 tháng qua.

"Với quyết định hình phạt này, chúng tôi đã ý thức được một số vấn đề trong luật chống độc quyền và chúng tôi rất vui vì cuối cùng cũng có thể giải quyết dứt điểm được vấn đề này", Tsai nói. 

Ernan Cui, nhà phân tích người tiêu dùng Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics cho biết: "Bản thân khoản tiền phạt không phải là vấn đề lớn đối với Alibaba, nhưng quyết định của cơ quan quản lý có thể dẫn đến những thay đổi trong mô hình kinh doanh của ngành."

Cô lưu ý rằng cơ quan quản lý đã đưa ra quan điểm rằng họ sẽ không còn chấp nhận một số quy tắc ẩn trong nền kinh tế thương mại điện tử, điều này khiến các công ty như Alibaba khó duy trì mức tăng trưởng hai con số của họ.

Nhưng mặt thuận lợi là cơ quan quản lý không có khả năng áp đặt thêm các hình phạt với quy mô này đối với Alibaba trong ít nhất ba năm tới nếu Alibaba tuân thủ quy định. Cô nói thêm, Bắc Kinh vẫn coi trọng lợi ích kinh tế do các công ty internet trong nước tạo ra tại thời điểm này khi ngoại thương ngày càng kém ổn định.

Robin Zhu, nhà phân tích internet Trung Quốc tại AB Bernstein ở Hồng Kông cho biết, hình phạt này sẽ giải tỏa sức ép cho các nhà đầu tư.

Ông viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Điều tồi tệ nhất đối với Alibaba trong việc bị giám sát bởi các cơ quan quản lý cuối cùng cũng trôi qua".

Nhưng ông lưu ý rằng việc loại bỏ độc quyền bắt buộc sẽ cho phép các thương hiệu mở rộng thị trường không chỉ dừng lại ở chỉ riêng tại Alibaba, ngoài ra điều này cũng có khả năng phân bổ thêm các hoạt động kinh doanh cho các nền tảng đối thủ như JD, Pinduoduo hoặc Douyin.

Ông viết: "Mối quan tâm dài hạn của chúng tôi vẫn là sự gia tăng người dùng ngày càng mạnh của thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc và tác động tiềm tàng của điều này đối với lợi nhuận nền tảng thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba".

Bảo Bảo