Điều gì khiến du khách ngày càng đón nhận xu hướng "du lịch ngủ"?

17:07 14/06/2024

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho hay, nhiều khu nghỉ dưỡng ở khu vực châu Á đang lấy khung cảnh thiên nhiên làm yếu tố trọng tâm để xây dựng chương trình cải thiện giấc ngủ cho khách.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhu cầu ngủ có lẽ sẽ là điều cuối cùng mà nhiều du khách nghĩ đến trong kỳ nghỉ sau khi chi nhiều tiền cho phương tiện đi lại và chỗ ở. Với bất kỳ một chuyến du lịch nào, bản năng của du khách luôn là tận dụng tối đa kỳ nghỉ, từ tham quan, ăn uống đến hoạt động thể chất.

Tuy nhiên, đối với những người bị thiếu ngủ, việc đến một nơi - mà thói quen ngủ có thể được thiết lập lại, đang có sức hút đặc biệt bởi giấc ngủ là lý do để họ chọn đi du lịch.

Theo báo cáo của HTF Market Intelligence, tổ chức nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Pune, Ấn Độ, thị trường "ngách" du lịch ngủ toàn cầu, tệp con của du lịch chăm sóc sức khỏe và thể chất, đang tăng trưởng 8% mỗi năm và dự kiến tạo ra doanh thu 400 tỷ USD vào năm 2028. Con số này chiếm 3,51% doanh thu toàn ngành du lịch thế giới năm 2023 (11,39 nghìn tỷ USD).

Báo cáo của Viện sức khỏe toàn cầu xuất bản tháng 11/2023, dự báo thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ tăng hơn gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2027, với tốc độ chi tiêu trên đà tăng, từ 651 tỷ USD năm 2022 lên 868 tỷ năm 2023 và được dự báo đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2024.

Xu hướng này dường như nhấn mạnh một vấn đề mới nổi nhưng có tác động đáng kể đến sức khỏe. "Vấn đề toàn cầu về việc thiếu ngủ và những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng”, một bài báo học thuật được công bố vào năm 2019 bởi Vijay Kumar Chattu tại Đại học West Indies và các đồng nghiệp tại Đại học Pittsburgh, mô tả tình trạng thiếu ngủ là "một đại dịch sức khỏe cộng đồng thường không được nhận biết, thiếu báo cáo và có chi phí khá cao”.

Bài báo nói thêm rằng, "ngủ không đủ giấc dẫn đến việc các hệ thống trong cơ thể bị rối loạn, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tăng cao, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, rối loạn chức năng nhận thức, tai nạn giao thông và tai nạn tại nơi làm việc tăng cao”.

Rebecca Robbins, nhà khoa học về giấc ngủ tại Khoa Y học giấc ngủ của Đại học Harvard, chia sẻ với Fortune - tạp chí kinh doanh gần 100 tuổi, có trụ sở tại New York, Mỹ: "Khách hàng ngày càng coi trọng giấc ngủ khi đi du lịch và tìm cách có được giấc ngủ ngon trong chuyến đi". Hiện, du khách có xu hướng tìm đến những trải nghiệm du lịch phục hồi sức khỏe, nghỉ ngơi để chữa lành tinh thần.

Robbins cho biết, phần lớn khách sạn tập trung quảng bá các dịch vụ giải trí, ẩm thực nhưng nhiều nơi đang đẩy mạnh tăng doanh thu từ các dịch vụ chăm sóc giấc ngủ cho khách du lịch. "Cung cấp chỗ ngủ cho du khách là nhân tố quan trọng của thị trường du lịch ngủ", bà Robbins nhận định.

Một cuộc khảo sát toàn cầu trên 11.000 người ở 12 quốc gia, được tài trợ bởi Philips, một tập đoàn có trụ sở tại Hà Lan, cho thấy, "44% người được khảo sát thừa nhận giấc ngủ của họ đã giảm sút trong 5 năm qua" và "8 trong số 10 người trên toàn cầu muốn cải thiện chất lượng giấc ngủ của họ”.

Ngoài sức khoẻ, thiếu ngủ cũng gây ra những hậu quả khác. Chẳng hạn, nghiên cứu năm 2019 của RAND Corp., một tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ, cho thấy, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tổn thất kinh tế gia tăng khi năng suất lao động  giảm do thiếu ngủ. Nghiên cứu ước tính thiệt hại kinh tế của việc thiếu ngủ lên tới 411 tỷ USD mỗi năm cho Mỹ, 138 tỷ USD cho Nhật Bản, lên tới 60 tỷ USD cho Đức và Anh và 22 tỷ USD cho Canada.

Vấn đề dường như trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 4 năm ngoái bởi Cleveland Clinic, một trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ, cho thấy 41% bệnh nhân mắc "COVID kéo dài" có rối loạn giấc ngủ từ trung bình đến nặng. Chúng có thể biểu hiện dưới dạng buồn ngủ vào ban ngày, thường xuyên thức giấc trong khi ngủ, không cảm thấy tỉnh táo vào buổi sáng và mất ngủ.

Một hệ quả của giấc ngủ kém chất lượng là mọi người ngày càng hướng ra ngoài môi trường quen thuộc để thiết lập lại nhịp điệu đồng hồ sinh học bên trong cơ thể - yếu tố ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, buồn ngủ, cảm giác thèm ăn và nhiệt độ cơ thể. Cho nên, ngày càng nhiều du khách hướng tới những môi trường tự nhiên như rừng, núi và bãi biển để tìm kiếm giấc ngủ chất lượng, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho hay nhiều khu nghỉ dưỡng ở khu vực châu Á đang lấy khung cảnh thiên nhiên làm yếu tố trọng tâm để xây dựng chương trình cải thiện giấc ngủ cho khách.

Sindhu Gangola, người sở hữu và điều hành Grand Oak Manor, khu nghỉ dưỡng ở bang Uttarakhand phía bắc Ấn Độ, cho biết, resort này cung cấp các trải nghiệm gắn với thiên nhiên giúp cải thiện giấc ngủ trong thời gian khách nghỉ dưỡng. Khu nghỉ có tầm nhìn hướng ra dãy Himalaya, rừng sồi và rừng đỗ quyên cho du khách cảm giác thư thái.

Một ví dụ khác ở Pangong Tso, một hồ nước trải dài trên núi cao thuộc vùng Ladakh của Ấn Độ, cũng hướng tới trải nghiệm giấc ngủ. Bhawna Verma của Aspire Ladakh, công ty kinh doanh khách sạn bền vững, cho biết khách thấy thư thái khi ngắm cảnh thiên nhiên yên bình. Mặc dù thức muộn để ngắm sao đêm, du khách vẫn có thể ngủ ngon và cảm thấy sảng khoái vào buổi sáng.

Một số khách sạn phân khúc tầm trung cũng bắt kịp xu hướng du lịch ngủ khi cung cấp thiết bị hỗ trợ cải thiện giấc ngủ như mặt nạ mắt, rèm cản sáng, sử dụng ánh sáng mờ, nệm điều chỉnh áp suất, thư viện nhạc hát ru, máy tạo tiếng ồn trắng và các bài hướng dẫn thiền trước khi ngủ.

Trong nhiều trường hợp, các khách sạn cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ giấc ngủ rất hấp dẫn, sử dụng vị trí làm phông nền để nâng cao hơn nữa trải nghiệm cho du khách.

Chẳng hạn như, khu nghỉ dưỡng Four Seasons Bali tại Sayan, mang đến trải nghiệm Sacred Nap, kết hợp những chiếc võng đưa du khách vào giấc ngủ ngon trong âm thanh của thiên nhiên.

Hay Khách sạn Shangri-La ở Singapore cung cấp chương trình "Better Sleep" (giấc ngủ ngon) với sự kết hợp giữa các liệu pháp spa và tiện nghi trong phòng như xịt gối thơm, bồn tắm chăm sóc sức khỏe và thực đơn gồm các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu giàu dinh dưỡng.

Trong khi đó, tại Phuket, Thái Lan, khu nghỉ dưỡng Anantara Mai Kao-Phuket Villas cũng trở nên hấp dẫn bởi chương trình phục hồi giấc ngủ bắt đầu bằng việc kiểm tra giấc ngủ và dịch vụ bác sĩ về giấc ngủ, sau đó là chương trình kết hợp các dịch vụ spa và chăm sóc sức khỏe như hội thảo vận động và liệu pháp âm nhạc.

Ở bang Uttarakhand phía Bắc Ấn Độ, khu nghỉ dưỡng Ananda trên dãy Himalaya là ví dụ hoàn hảo, kết hợp giữa thiên nhiên và nuôi dưỡng giấc ngủ cho du khách.

Theo Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe Geetika Sharma, nằm giữa khu rừng rậm rạp, tầm nhìn tuyệt đẹp ra đỉnh núi phủ đầy tuyết của khu nghỉ dưỡng là trọng tâm của chương trình cải thiện giấc ngủ.

"Cách tiếp cận được cá nhân hóa cẩn thận vì nguyên nhân gây tình trạng khó ngủ sẽ khác nhau ở mỗi cá nhân. Liệu pháp ăn kiêng bao gồm các phương pháp điều trị bằng thảo dược phù hợp với cơ thể và tinh thần của từng cá nhân, kết hợp với thuốc ngủ bằng thảo dược hoa cúc, nhục đậu khấu, bạch đậu khấu và nghệ tây để có một đêm ngon giấc", Sharma nói thêm.

Theo ông Sharma, là một phần của chương trình, Ananda hiện cung cấp "liệu pháp chữa lành cảm xúc do các chuyên gia hàng đầu xây dựng, rút ra từ các lĩnh vực tâm lý học lâm sàng, chữa bệnh bằng năng lượng, kỹ thuật thôi miên và liệu pháp tâm lý.

Các kỹ thuật yoga truyền thống như Antar Mouna và yoga nidra cũng được sử dụng cùng với việc điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và các liệu pháp khác.

Mai Anh (T/h)