Đoàn kết, đổi mới, tạo đột phá đưa tỉnh Đắk Lắk phát triển bền vững

15:51 18/03/2021

Tháng 3 năm 2021 là tròn 46 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, khởi đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng của quân và dân ta, đưa đất nước ta đi đến thống nhất hai miền Nam - Bắc...

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Ngày ấy, do bị chiến tranh tàn phá, nên đời sống của người dân Buôn Ma Thuột cũng như của người dân tỉnh Đắk Lắk rất khó khăn. Thế nhưng được sự hỗ trợ từ Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đăk Lăk nói chung đã không ngừng vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk từng bước phát triển.

Năm 1995, Buôn Ma Thuột được Chính phủ nâng cấp từ thị xã lên thành phố. Đến năm 2005, thành phố Buôn Ma Thuột đã được công nhận là Đô thị loại II và 5 năm sau, vào ngày 8 tháng 2 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 288 công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là Đô thị loại I. Đến nay, sau 46 năm giải phóng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Buôn Ma Thuột khá ổn định, đời sống của người dân đã được nâng cao, diện mạo thành phố đã khang trang hơn. Thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang ra sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.

Không chỉ “thay da đổi thịt” ở phạm vi thành phố Buôn Ma Thuột mà đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk cũng đã có nhiều đổi mới. Đặc biệt, những năm qua, nhờ các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng căn cứ cách mạng trong tỉnh cũng đã có bước phát triển nhanh chóng.

Ông Y Thương K’Măn, người dân xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ:“Buôn làng trong 5 năm qua có sự thay đổi rất nhiều, nhất là trong đời sống, kinh tế, văn hóa của người dân. Thứ nhất là giao thông nông thôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầy đủ, việc đi lại thuận tiện, dễ dàng. Thứ hai là trạm xá, thuốc chữa bệnh đầy đủ. Buôn làng trước đây còn cúng vái, mê tín trong chữa bệnh, nay thì hết rồi. Thứ ba là con cái trong buôn làng đều được đi học. Thứ tư là ruộng, đất và cơ cấu cây trồng đều phát triển mạnh mẽ, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó đời sống đã được nâng cao”.

Năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Sức ảnh hưởng của Đắk Lắk đối với vùng Tây Nguyên ngày càng thể hiện rõ nét, trên một số lĩnh vực có sức vươn ra tầm khu vực, quốc gia, quốc tế. Đó là kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 9,6%; tổng sản phẩm xã hội thực hiện khoảng 61.800 tỷ đồng; thu nhập bình quân gần 53,98 triệu đồng/người/năm. Công nghiệp có bước phát triển mới, tiềm năng, lợi thế của địa phương về năng lượng tái tạo được quan tâm, phát triển nhanh. 

Năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút được 25 dự án về năng lượng tái tạo đầu tư vào địa bàn, trong đó cụm dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư vào huyện Ea Súp có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với tổng nguồn vốn 16.500 tỷ đồng. Dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút được 25 dự án về năng lượng tái tạo đầu tư vào địa bàn, trong đó cụm dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư vào huyện Ea Súp có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với tổng nguồn vốn 16.500 tỷ đồng. Dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Trong năm, tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký mới, vượt gần 16% kế hoạch, tăng hơn 21% so với năm 2019, với tổng số vốn đăng ký hơn 22.100 tỷ đồng. Trên lĩnh vực đầu tư, tỉnh đã thu hút 25 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 20.500 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực phát triển điện gió, điện mặt trời, phát triển đô thị. Trong đó, dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện có tổng công suất 600 MW/831 MWp, với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, quy mô lớn nhất Đông Nam Á đã chính thức đi vào hoạt động tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Năm 2020, tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao của nông nghiệp. Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn; tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến.

“Trong 5 năm qua, có thể nói là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị tổng sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 102.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6%; Tốc độ tăng trưởng của ngành cũng đạt 5,6%, cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp trong nước. Trong đó nhiều cây trồng cũng đã được phát huy, như cà phê đã đẩy mạnh tái canh, cho năng suất và sản lượng cao hơn hẳn. Hồ tiêu cũng đóng góp quan trọng về sản lượng khoảng 75.000 tấn/năm; các cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái phát triển mạnh mẽ...” - Ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, chăm lo đời sống cho người dân. Lĩnh vực y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo đã đạt được những kết quả rõ nét. Công tác tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng nông thôn mới có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều nhiệm vụ, biện pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt, từ đó củng cố thêm niềm tin vững chắc của nhân dân đối Đảng và Nhà nước.

Bà H’BLưt A Jun, Bí thư Chi bộ - Trưởng buôn Ta Ra, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình nhằm ổn định đời sống. Là bí thư Chi bộ, tôi gương mẫu trong các phong trào tại cơ sở, luôn quán triệt các đồng chí đảng viên trong chi bộ phải đoàn kết cùng với bà con nhân dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, làm cho buôn mình đổi mới”.

Có thể nhận thấy là sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67 ngày 16 tháng 12 năm 2019 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103, ngày 9 tháng 7 năm 2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung đã có thêm động lực bước vào giai đoạn phát triển mới. Cụ thể là ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết của đại hội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã bắt tay ngay vào thực hiện với niềm tin mới, khí thế mới.

Năm 2021, để các nghị quyết của Đảng đề ra trở thành hiện thực, tỉnh Đắk Lắk đã xác định nhiệm vụ quan trọng là phải thực hiện đạt hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh. Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính với chủ đề là "Năm hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước", đồng thời làm tốt công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII.

Theo đó, toàn tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và quyết tâm chính trị cao, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quyết liệt về hành động, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển du lịch, gắn với đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến các loại sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Đắk Lắk; đặc biệt coi trọng phát triển năng lượng tái tạo như: điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối tại các địa bàn có tiềm năng; tập trung phát triển khoa học - công nghệ gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Phải làm cho môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Đắk Lắk thông thoáng hơn nữa, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có được điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và các điều kiện khác để nhanh chóng tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh. Bây giờ, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, diện sinh khối thì mình sẽ cải cách những vấn đề liên quan đến duyệt các dự án xin đầu tư hay là thu hút các nhà đầu tư thì phải thông thoáng, phải có cơ chế, chính sách hợp lý thì người ta mới đến, mới đầu tư, như thế thì tỉnh mới phát triển được” - Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định.

Dự báo năm 2021 là năm cả nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, song tin tưởng rằng với tinh thần đồng tâm, hiệp lực thống nhất cao về ý chí và hành động, cán bộ, quân và dân  tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng đề ra, trong đó có nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhằm đưa kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng 6,46%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 đến 2,0%; văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố và tăng cường, làm cho diện mạo từ thành thị đến các vùng nông thôn trong tỉnh thêm nhiều khởi sắc, đưa tỉnh Đắk Lắk phát triển giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, góp phần cùng cả nước đưa các Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực, nâng cao đời sống cho nhân dân./. 

Nguyễn Hiếu