Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ yêu cầu, tín hiệu của thị trường nông sản

10:52 29/05/2024

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chưa nghiên cứu kỹ yêu cầu và tín hiệu của thị trường xuất khẩu, dẫn đến việc không khẳng định được thương hiệu sản phẩm.

Ngày 28/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo, rau quả. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì. Tham dự còn có đại diện của Bộ Nội vụ, lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cùng các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan.

Trong phần phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, rau quả của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Theo ông, hoạt động này diễn ra khá sôi động và đạt được những kết quả tích cực, với sản lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng cao. Thương hiệu gạo và các sản phẩm rau quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế nhờ vào việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành hàng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị.

Để đạt được những kết quả này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường. Cụ thể, Bộ đã chú trọng đến công tác đàm phán để cắt giảm thuế quan nhập khẩu, đồng thời ký kết và nâng cấp các FTA với nhiều đối tác tiềm năng. Bộ cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu hàng hóa, phát huy vai trò của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin về thị trường và các chính sách mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cơ hội từ các FTA để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ còn hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thâm nhập vào các thị trường mới như thực phẩm Halal, khu vực châu Phi và Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo, rau quả của Việt Nam đã gặp phải một số vấn đề. Cụ thể, một số vùng trồng phát triển quá nóng về quy mô nhưng không tuân thủ các quy trình bảo đảm chất lượng. Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chưa nghiên cứu kỹ yêu cầu và tín hiệu của thị trường xuất khẩu, dẫn đến việc không khẳng định được thương hiệu sản phẩm.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo và rau quả của thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia vì xung đột vũ trang, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng ngày càng cao, và nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước. Trong bối cảnh này, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là ở những khu vực và phân khúc thị trường mới, tiềm năng như thực phẩm Halal, châu Phi và Mỹ Latinh. Những yếu tố này sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động thương mại gạo và rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đồng thời chủ động theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường nông sản và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các Hiệp hội, người sản xuất tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu…

P.V (t/h)