Doanh nghiệp cắt giảm mục tiêu vào cuối năm: Tránh tạo ra "bánh vẽ" cho nhà đầu tư?

00:00 12/10/2020

Thông thường, trong những tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng diễn ra sôi nổi hơn.

Việc lãnh đạo doanh nghiệp quá lạc quan khi đặt kế hoạch lợi nhuận cao đã vô tình tạo ra những chiếc "bánh vẽ", gây kỳ vọng thái quá cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian gây áp lực lớn đối với những doanh nghiệp còn cách xa mục tiêu đề ra. Bởi vậy, việc nhiều doanh nghiệp xin cắt giảm mục tiêu vào thời điểm nửa cuối năm không còn là điều xa lạ.

Sự điều chỉnh lợi nhuận diễn ra mạnh mẽ nhất trong ngành ngân hàng. Mở đầu là Ngân hàng TMCP Liên Việt - LienVietPostBank, khi vào tháng 8/2018, đơn vị này đã công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2018 như chỉ tiêu lợi nhuận, tổng tài sản, huy động vốn, tỷ lệ chi trả cổ tức...

Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ xuống 1.200 tỷ đồng, tương đương mức giảm 30%. Tổng tài sản giảm từ 190.000 tỷ xuống 180.000 tỷ; huy động vốn thị trường 1 giảm từ 170.000 tỷ xuống 160.000 tỷ; dư nợ tín dụng thị trường 1 từ 123.500 tỷ xuống 117.557 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức giảm từ 12% xuống 10%.

Lý giải cho việc thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2018, đại diện LienVietPostBank đưa ra 4 nguyên nhân để lý giải cho sự sụt giảm này là do đơn vị đang chuyển dịch cơ cấu, tập trung phát triển mạng lưới bán lẻ, chi phí nhân sự tăng lên và biến động chung của thị trường chứng khoán. Các chỉ tiêu khác như tăng vốn điều lệ lên 9.875 tỷ và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% được giữ nguyên.

Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) cũng mới quyết định thay đổi kế hoạch kinh doanh của năm khi định ra mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.172 tỷ đồng. Con số này giảm 15% so với mục tiêu đề ra vào đầu năm 2018 với tổng doanh thu đạt 1.393 tỷ. Cũng vì thay đổi kế hoạch kinh doanh mà lợi nhuận sau thuế của Ocean Group giảm tới 70% (từ 186 tỷ xuống 58 tỷ đồng).

Có ý kiến hoài nghi rằng, vậy phải chăng việc mở rộng mạng lưới và không được tăng trưởng tín dụng có gì đó mâu thuẫn với nhau trong chiến lược hoạt động? Nhưng theo lý giải của lãnh đạo ngân hàng thì định hướng của LienVietPostBank hoàn toàn không có vấn đề, bởi ngân hàng đang hướng đến bán lẻ đại chúng chứ không phải bán lẻ thông thường.

Theo một chuyên gia chứng khoán, lợi nhuận ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu và ảnh hưởng gián tiếp tới thị trường vốn thông qua việc chỉ tiêu lợi nhuận được sử dụng để dự báo dòng tiền trong tương lai. Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là cần thiết nếu doanh nghiệp đủ khả năng thực hiện hoặc có những biến động bất ngờ hỗ trợ cho việc tăng trưởng.

Nếu doanh nghiệp lạm dụng sẽ như con dao hai lưỡi, nhất là khi không thể thực hiện được kế hoạch năm, làm mất uy tín ban lãnh đạo, làm cho thông tin kế toán bị mất tính công bằng, tin cậy và so sánh được. Ngoài ra, việc lãnh đạo doanh nghiệp quá lạc quan khi đặt kế hoạch lợi nhuận cao đã vô tình tạo ra những chiếc "bánh vẽ", gây kỳ vọng thái quá cho nhà đầu tư.

Theo kết quả khảo sát 85 doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM điều chỉnh lợi nhuận kinh doanh đã đề ra vào năm 2011 cho thấy, mức độ điều chỉnh lợi nhuận tương đồng với nguy cơ phá sản, những công ty nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ phá sản cao có mức độ điều chỉnh lợi nhuận trung bình cao nhất.

“Việc điều chỉnh giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp khỏi khó ăn khó nói với cổ đông trong kỳ họp ĐHĐCĐ chứ không hề mang đến cho các nhà đầu tư sự hài lòng về hoạt động của doanh nghiệp”, vị chuyên gia này cho biết.