Doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ rơi vào thế khó vì đơn hàng khan hiếm

21:57 25/05/2023

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính, trong tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 24,5% so với tháng 4/2022.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 820 triệu USD, tăng 6% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 28,2% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4 tỷ USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, yếu tố lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hƣớng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.

Từ cuối năm 2022 đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu của ngành gỗ giảm sâu, do hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều giảm cầu. Dù đã vào giữa quý II/2023 nhưng đơn hàng vẫn rất khan hiếm, chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 40% công suất. Trong khi đó, nhà máy phải đạt ít nhất 70% công suất thiết kế thì doanh nghiệp mới hòa vốn và giữ được việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, doanh nghiệp ngành gỗ còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp còn đang trong tình trạng thiếu đơn hàng do nhu cầu yếu từ các thị trường tiêu thụ chính. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn phải tìm mọi biện pháp để duy trì sản xuất, giữ chân lao động để chờ tình hình khởi sắc hơn.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong những tháng qua. Phần lớn doanh nghiệp hiện chỉ duy trì được 35-40% công suất nhà máy, phải bù lỗ, nên rất khó bảo toàn lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp sau thời gian cắt giảm giờ làm, ca làm vẫn không thể “gánh gồng” được chi phí, buộc phải cắt giảm dần nhân công, chờ tín hiệu đơn hàng mới.

Từ đầu năm 2023, hai thị trường xuất khẩu đồ gỗ, nội thất lớn của Việt Nam là Mỹ và EU hầu như không có đơn hàng do ảnh hưởng của lạm phát, người dân chỉ ưu tiên chi tiêu cho lương thực, năng lượng. Những đơn hàng mà doanh nghiệp nhận được chủ yếu là các đơn hàng nhỏ, số lượng ít và chỉ đủ sản xuất cầm chừng đến hết quý II, chưa có các đơn hàng cho nửa cuối năm 2023...

Ngọc Phi (TH)