10:35 10/08/2021

Đã hơn 1 năm rưỡi kể từ khi Covid-19 xâm nhập vào nước ta, kéo theo những cơn “sóng thần” đốn gục nhiều ngành sản xuất, dịch vụ, trong đó, du lịch đứng ở tâm xoáy.

Có lẽ không ai có thể hình dung, Hà Nội - một trong hai thị trường du lịch lớn nhất cả nước, một thành phố sôi động cả ngày lẫn đêm, một thành phố đi đâu cũng bắt gặp du khách cả trong và ngoài nước trên đường phố - trong năm đầu Covid-19 bùng phát đã mất đi 70% lượng du khách và 5 tháng qua, chưa đạt con số 3 triệu lượt người. Khu phố Tạ Hiện - một trong những điểm đến có thể được coi là “hàn thử biểu” giúp quan sát tương đối rõ tính sôi động của du lịch Thủ đô suốt hơn chục tháng dài im ắng lạ thường…

Nói du lịch Hà Nội “lao đao”, hay “ngấm đòn” Covid-19, quả không sai, nhưng cũng chưa thật đầy đủ. Trong năm rưỡi đó, đi qua nhiều thăng trầm theo từng cơn bùng phát của dịch, du lịch Hà Nội đã “học” được nhiều điều hơn, nhận diện rõ hơn các điểm mạnh - yếu, những lỗ hổng, để từ đó, đã có những điểm sáng đáng để “khoe”, để háo hức đón chờ cơ hội mới sau đại dịch.

Đáng mừng hơn, những sản phẩm du lịch mới đều là những sản phẩm du lịch văn hoá, du lịch di sản và ghi dấu được bản sắc riêng, tự tin có thể tạo hiệu quả trong kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trước mắt, hướng tới mục tiêu đón khách quốc tế khi đủ điều kiện. Đó cũng là sự chuẩn bị cần thiết để du lịch Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hoá mà Hà Nội đang khởi động.

NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT

Sau 13 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội luôn được xem là địa phương có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển du lịch khi sở hữu khối lượng đồ sộ các di sản, di tích văn hoá với gần 6.000 di tích, 1.175 lễ hội, 1.350 làng nghề và nhiều cảnh quan thiên nhiên trù phú, tươi đẹp. 13 năm qua, du lịch Hà Nội vẫn loay hoay với câu hỏi “Làm thế nào để thu hút khách nhiều hơn, níu giữ chân du khách lâu hơn và chi trả nhiều hơn”. Và Covid-19 ập đến, thêm một quãng lặng để những người làm du lịch ở Thủ đô nhìn ra toàn diện hơn những điểm yếu của mình. 

PHÁT TRIỂN THIẾU ĐỒNG BỘ

Những ngày tháng 7-2021, trời nắng nóng như đổ lửa, diễn biến dịch Covid-19 trên toàn thành phố chuyển biến phức tạp, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp tập trung cho công tác phòng, chống dịch.  Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn vừa tất bật điều hành nhiều công việc về phòng, chống dịch Covid-19 cho địa phương, vừa tranh thủ thời gian giới thiệu những tiềm năng du lịch trên địa bàn. 

Với hai “báu vật” là Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và đình So có niên đại hàng trăm năm với kiến trúc bằng gỗ “có một không hai”, cùng với Trung tâm vui chơi giải trí Baara Land do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư, trong đó nổi bật là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” và bãi biển nước mặn nhân tạo, huyện Quốc Oai luôn coi phát triển du lịch văn hoá là bước đi để thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, đón 1,2 đến 1,5 triệu lượt du khách. 

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, vừa có hệ thống di sản đặc biệt, vừa có khu quần thể giải trí được đầu tư xây dựng hiện đại thuộc top đầu của Đông Nam Á nhưng Quốc Oai nhiều năm nay vẫn chưa thu hút được lượng lớn du khách như mong muốn. Từ năm 2019 trở về trước, khi chưa chịu tác động của dịch Covid-19, khách du lịch đến Quốc Oai đạt khoảng 200 nghìn lượt khách, đến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch, lượng khách chỉ còn khoảng 50 nghìn lượt. Số lượng khách này chủ yếu tập trung trong 3 tháng đầu năm khi khách trẩy hội chùa Thầy, còn lại khách đến trải nghiệm Trung tâm vui chơi giải trí Baara Land chỉ vài nghìn lượt khách.

Ông Nguyễn Trường Sơn trầm ngâm: “Nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng khai thác sao hiệu quả là điều chúng tôi trăn trở hằng ngày. Nhìn thấy “mỏ tiền” mà chưa biết cách khai thác, tiếc lắm”. Rồi ông Sơn thừa nhận, mục tiêu của Quốc Oai là trở thành khu du lịch hiện đại của ngoại thành Hà Nội, nhưng do còn thiếu chiến lược truyền thông, quảng bá, thiếu đồng bộ trong sản phẩm du lịch, chẳng hạn như địa phương có cơ sở lưu trú 5 sao nhưng lại không có sản phẩm trải nghiệm cao cấp như du lịch golf để thu hút du khách hạng sang… nên hiện nay, khách đến Quốc Oai chủ yếu là khách du lịch đơn thuần, chỉ trải nghiệm trong ngày, ít lưu trú. 

Thực trạng phát triển du lịch chưa xứng tiềm năng tại huyện Quốc Oai cũng là vấn đề chung của rất nhiều địa phương của Hà Nội. Đây là bài toán đã đặt ra cho Hà Nội nhiều năm nay trong việc làm thế nào để hấp dẫn du khách trong khi Hà Nội có đến 6.000 di tích, 1.175 lễ hội, 1.350 làng nghề…

Điển hình như tại huyện Ba Vì, nơi có hệ thống di tích đồ sộ với 394 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, cùng tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên, lại được thiên nhiên ưu đãi cho lợi thế nhiều cảnh quan non nước hữu tình của Vườn quốc gia Ba Vì… nhưng phát triển du lịch tại huyện này vẫn… ì ạch. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, một số khu du lịch nằm trong quy hoạch phát triển như Khoang Xanh - Suối Hai, Thiên Sơn - Suối Ngà đang được đẩy tiến độ để hoàn thiện các hạng mục, nhưng vẫn gặp khó khăn vì cơ sở hạ tầng, đường sá chưa đồng bộ nên chưa thu hút được du khách. Bên cạnh đó, nhiều di tích nổi tiếng trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng, đang gặp khó khăn trong vấn đề trùng tu do thiếu ngân sách và cơ chế để thực hiện nên chưa thể đưa vào khai thác du lịch. Dù vậy, huyện Ba Vì vẫn xác định chiến lược lâu dài trong phát triển du lịch là du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường – hướng đi vừa phù hợp với lợi thế của huyện, vừa là xu hướng du lịch của thế giới hiện nay.

Nhìn sang huyện Mỹ Đức - nơi có Khu di tích thắng cảnh chùa Hương nức tiếng cả nước, có thời điểm còn bị truyền thông nêu vì sự quá tải – việc phát triển du lịch cũng chưa thật sự tương xứng, nhất là thu hút khách lưu trú. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hằng năm, Khu di tích thắng cảnh chùa Hương đón hàng vạn khách. Tuy nhiên, số lượng khách lại phân bố không đều, chủ yếu đông vào dịp đầu năm và cuối năm khi người dân đi lễ chùa. Một trong những lý do, đó là Mỹ Đức còn thiếu những cơ sở lưu trú chất lượng cao, thiếu hoạt động trải nghiệm để níu chân du khách, thiếu sự kết nối giữa các điểm đến trên địa bàn… Bên cạnh đó, cái yếu của địa phương là chưa quảng bá hết các điểm du lịch nên du khách chỉ biết đến chùa Hương mà quên rằng, Mỹ Đức cũng còn nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn khác như: hồ Quan Sơn, đầm sen thôn Đức Dương…

Thực tế này cũng đang diễn ra tại Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mặc dù ngôi làng cổ hơn 500 năm tuổi này có nhiều di tích, ẩm thực nổi tiếng và hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng đã được chú trọng xây dựng một cách quy củ hơn. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, việc làm du lịch cộng đồng mới dừng ở “nhà nào biết nhà nấy” nên cơ sở vật chất còn thiếu đồng bộ, không đủ cơ sở lưu trú bảo đảm chất lượng nên khách chỉ đến trong ngày.

Trên đây chỉ là vài ví dụ ở những khu, điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển du lịch của thành phố trong tương lai, để thấy sự đầu tư, phát triển thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế đặc thù, thiếu chiến lược quảng bá ngắn và dài hạn đang khiến cho các địa phương chưa phát huy được hết tiềm năng thu hút du khách.

KHÁCH LƯU TRÚ ÍT, CHI TRẢ KHÔNG CAO

Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội được ví là một trong hai “vựa khách” lớn nhất cả nước, là điểm kết nối du khách tới các trung tâm du lịch lớn ở cả ba miền. Lợi thế nhiều năm nay là “trung tâm trung chuyển” khách khiến cho Hà Nội luôn đón nhận lượng khách lớn. Trước dịch Covid-19, số lượng khách đến Hà Nội khá cao, cụ thể: Năm 2018, du khách đến Hà Nội đạt hơn 26 triệu lượt, trong đó có hơn 5,7 triệu lượt khách quốc tế; năm 2019, du khách đến Hà Nội xấp xỉ 29 triệu lượt, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế. 

Số lượng khách đến Hà Nội đông, nhưng thống kê lại cho thấy, lượng khách lưu trú thấp và chi trả không cao. Theo số liệu của Sở Du lịch Hà Nội năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), tính bình quân, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội là 3,67 ngày, còn khách nội địa là 2,32 ngày. Chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế mỗi ngày tại Hà Nội từ 2,1 triệu đồng đến hơn 2,6 triệu đồng (tương đương từ 91,5 - 113,5 USD) và khách nội địa từ 1,39 triệu đồng đến 1,75 triệu đồng (tương đương từ 60,55 - 75,9 USD) tùy vào điều kiện khách tham quan trong ngày hay lưu trú. Trong đó, chi phí thuê phòng (đối với khách lưu trú), ăn uống chiếm tỷ trọng lớn, tiếp đó là mua sắm và đi lại.

So sánh với các thành phố trong khu vực và trên thế giới, mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Hà Nội cũng thấp. Chỉ tính riêng với khách quốc tế, nếu đến Hà Nội, họ chi tiêu 113,5 USD/ngày thì tại Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) là 537 USD, Paris (Pháp) 301 USD, Singapore 286 USD, Phuket (Thái Lan) 239 USD, Palma de Mallorca (Tây Ban Nha) 220 USD, Seoul (Hàn Quốc) 181 USD, Bangkok (Thái Lan) 173 USD…

Tại sao Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế với hàng nghìn di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề, lễ hội nhưng khách lưu trú ít và chi tiêu thấp? Đây là câu hỏi và cũng là thách thức của du lịch Hà Nội đặt ra trong nhiều năm nay. 

Anh Lê Việt Anh, một Việt Kiều sống tại Đức vừa có chuyến hồi hương về Việt Nam để thăm gia đình. Mỗi lần về thăm nhà, anh thường đưa các con tham quan những địa danh Hà Nôi như: hồ Hoàn Kiếm, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Tây, phủ Tây Hồ… 

“Hệ thống di tích lịch sử, đình - đền - chùa của Hà Nội là tài sản quý để thu hút khách du lịch, giống như hệ thống nhà thờ cổ tại các nước châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn điểm tham quan, mua sắm của Hà Nội không có nhiều đổi mới, đó là điều đáng tiếc. Lần nào về thăm, tôi vẫn thấy cách thức giới thiệu cho khách chưa có đổi mới, ít hoạt động trải nghiệm, ít sản phẩm quà tặng, lưu niệm đặc trưng riêng nên nếu là khách du lịch thì họ chỉ tham quan 1-2 lần, khó hấp dẫn họ quay trở lại nhiều lần khác”, anh Việt Anh bày tỏ.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều lý do khiến cho Hà Nội dù vẫn được coi là trung tâm du lịch lớn của cả nước nhưng so với nhiều địa phương, khả năng thu hút khách lưu trú lâu dài của Hà Nội chưa cao, đó là bởi Hà Nội thiếu sản phẩm du lịch chuyên biệt khai thác tối đa lợi thế du lịch văn hoá, đặc biệt là du lịch di sản, tâm linh; thiếu sản phẩm trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách; thiếu cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng chất lượng cao, những resort cao cấp 5 sao ở cả khu vực nội thành và ngoại thành… Bên cạnh đó, Hà Nội còn thiếu những trung tâm mua sắm lớn cho du khách, sự kết nối giữa các cơ sở mua sắm đạt chuẩn hiện có với các công ty du lịch trong việc xây dựng thành tour du lịch còn ít.

Một trong những lý do khác, sản phẩm hàng hoá, quà tặng đặc trưng của Hà Nội từ các làng nghề còn nghèo nàn, chưa hấp dẫn được du khách. Đây là điểm yếu chung của không riêng Hà Nội, mà cũng là điểm yếu của du lịch Việt Nam nhưng cũng là vấn đề đặt ra cho Hà Nội cần giải quyết trong thời gian tới.

SỐ LƯỢNG KHÁCH DU LỊCH ĐẾN HÀ NỘI

PHÉP THỬ TỪ COVID-19

Từ ngưỡng cửa kết thúc năm 2019 với hơn 29 triệu lượt khách, trong đó chiếm gần nửa là khách quốc tế, du lịch Hà Nội hừng hực khí thế đón chào 2020 với mục tiêu đặt ra cao hơn: Đón 30 triệu lượt khách. Điều này hoàn toàn trong tầm tay, khi mà Hà Nội luôn là địa phương có thị trường khách dồi dào của các nước, lại có thêm lợi thế đón đầu lượng khách quốc tế khi đến Việt Nam với vị trí là cửa ngõ giao thương của đất nước. Tuy nhiên, những lợi thế này bỗng chốc gặp rất nhiều thách thức khi dịch Covid-19 ập đến. Hơn 1 năm vật lộn với đại dịch, du lịch nội địa được xem là “chìa khóa” để vực dậy ngành “công nghiệp không khói” của Thủ đô.

CUỘC "CỌ XÁT" CHƯA TỪNG CÓ

Nhớ lại thời gian đầu ứng phó với dịch Covid-19, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng vẫn không quên thời điểm Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, đó là ngày 23-1-2020 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi). Hoạt động du lịch đang sôi động bỗng chuyển sang trạng thái khủng hoảng, khi hàng trăm công ty du lịch phải xử lý tình huống chưa từng có: Khách hàng đồng loạt hủy tour du lịch Tết. 

“Chúng tôi gần như “mất Tết” khi phải xử lý việc hoàn tiền cho khách. Chưa bao giờ điện thoại réo liên tục như vậy. Vì lo lắng dịch Covid-19 lây lan, hàng nghìn khách yêu cầu hoãn, hủy cả tour Tết tới những quốc gia gần Trung Quốc cũng như một số tour trong nước”, ông Phùng Quang Thắng nhớ lại. 

Phố cổ Hà Nội - nơi từng được mệnh danh là “phố vàng” của du lịch Hà Nội, luôn tấp nập khách từ năm 2019 trở về trước, nay im lìm, lặng lẽ. Hơn 95% khách sạn vừa và nhỏ tại đây đã đóng cửa từ đợt dịch thứ nhất, đến nay chưa thể mở cửa trở lại... Anh Nguyễn Tất Thành, chủ khách sạn Sunlight (18 Báo Khánh, quận Hoàn Kiếm) không giấu được nỗi buồn về những tổn thất do dịch Covid-19: “Trước dịch, mỗi tuần tôi có thể đón được 200-300 khách. Bây giờ, cả ba khách sạn của tôi đã dừng hoạt động. Chưa bao giờ chúng tôi lâm vào cuộc khủng hoảng lớn như vậy”. 

Cùng chung tâm trạng, anh Đặng Minh Thời, Giám đốc điều hành khách sạn Matilda Boutique Hotel & Spa (Mã Mây) kể, 3 đợt dịch trước, cơ sở lưu trú do anh quản lý vẫn mở cửa, chấp nhận đón khách lẻ để duy trì hoạt động. Nhưng đợt dịch thứ 4 với làn sóng mạnh hơn, nguy hiểm và diễn biến khó lường hơn, anh quyết định đóng cửa khách sạn để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

“Hoạt động lưu trú ở phố cổ Hà Nội vốn là thế mạnh của du lịch Thủ đô nhưng bây giờ… “đóng băng”. Không ít cơ sở thay tên đổi chủ nhiều lần vẫn chưa thể hoạt động trở lại vì không có khách. Dịch Covid-19 là một sự thanh lọc lớn, trong đó lưu trú nhìn thấy rõ nét nhất”, anh Đặng Minh Thời chia sẻ.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến tháng 3-2021, đã có 95% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, 90% nhân lực lao động nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc khác. Hoạt động khách sạn tính đến hết tháng 7-2021, công suất sử dụng phòng trung bình ước đạt khoảng 24%, giảm 8,2 % so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 1/3 so với năm 2019.

Trước khó khăn chồng chất, du lịch Hà Nội phải nỗ lực chuyển động để tạo ra sự tươi mới, khác biệt, tăng sức hấp dẫn và sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách trong nước, trước mắt thực hiện mục tiêu phục hồi thị trường nội địa.

VẬN ĐỘNG ĐỂ TỒN TẠI

Giữa đợt dịch Covid-19 thứ 4, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bận rộn với nhiều công việc chưa từng có tiền lệ của ngành Du lịch, đó là vừa phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch, vừa lên các phương án để thực hiện “mục tiêu kép” phục hồi, phát triển du lịch trong “tình hình mới”. Người đứng đầu Sở Du lịch cho biết, từ năm 2020, giữa các đợt dịch, Sở đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các đơn vị kinh doanh lữ hành, lưu trú, điểm đến, các hãng hàng không để thống nhất nhiều giải pháp, cách làm nhằm “gỡ khó” cho du lịch Thủ đô, tạo thêm sản phẩm hấp dẫn du khách. 

“Diễn biến dịch có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Du lịch nội địa là cứu cánh lúc này, trong đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh chương trình “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”, kích cầu người Hà Nội khám phá, trải nghiệm và sẵn sàng chi tiêu các sản phẩm du lịch của Thủ đô”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ. 

Theo Outbox Consulting - Công ty Tư vấn và Nghiên cứu giải pháp quản lý điểm đến tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang làm thay đổi cả thế giới, tác động lớn đến các loại hình kinh tế cũng như nhu cầu, thói quen người dân. Hình thức du lịch có thể sẽ thay đổi, những xu hướng du lịch mới sẽ hình thành. Du lịch an toàn theo hình thức đi theo nhóm nhỏ, phương tiện vận chuyển riêng biệt, khép kín, du lịch thông minh sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Du lịch Hà Nội muốn hồi phục và có hướng đi mang tính bền vững cần phải đánh giá được đúng và trúng tâm lý, xu hướng của khách, bắt kịp xu hướng thế giới để xây dựng sản phẩm sát với thị trường và nhu cầu mới của du khách.  

vvvv
Nhiều điểm di tích sử dụng công nghệ như hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ khách du lịch.

Trước yêu cầu mới, nhiều khu, điểm du lịch của Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hoả Lò đưa công nghệ hướng dẫn tự động (audio guide) để phục vụ khách tham quan với nhiều thứ tiếng. Trong đó, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn có ứng dụng 360 độ, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm di tích từ xa bằng thực tế ảo.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, sau gần 2 năm lên kế hoạch và triển khai, cuối năm 2020, đơn vị đã hoàn thành việc số hoá một số tư liệu về các bia Tiến sĩ, giúp du khách có thể sử dụng mã quét QR để tìm kiếm thông tin. Còn theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi, địa phương đã xây dựng Trung tâm thông tin du lịch phục vụ du khách, triển khai xe đạp thông minh với hệ thống thuyết minh tự động để du khách trong nước và quốc tế có thể tự trải nghiệm, khám phá làng Bát Tràng bằng xe đạp. 

Ngoài ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh, nhiều khu, điểm du lịch tại các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị hiếu khách nội địa, trước mắt tập trung cho khách Hà Nội. Điển hình như quận Tây Hồ tận dụng thế mạnh có nhiều vườn hoa truyền thống, đã có kế hoạch hình thành sản phẩm “Hà Nội 12 mùa hoa”; quận Hoàn Kiếm triển khai chính thức Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đồng thời mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo thêm những không gian văn hoá sáng tạo mới cho người dân và du khách…

Có thể thấy, dịch Covid-19 là thách thức nhưng cũng tạo ra cú “hích” lớn để các địa phương, đơn vị “xốc” lại hoạt động, nỗ lực thay đổi, định hình lại chiến lược phát triển. Từ năm 2020, giữa những đợt dịch, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã liên kết để xây dựng sản phẩm mới cho Hà Nội, trong đó tập trung cho các sản phẩm du lịch c Covid-19, du lịch Hà Nội tuy không thể nhộn nhịp như hơn 1 năm trước, nhưng lại tìm được cho mình những sức sống mới.

CHUYỂN ĐỘNG MỚI

Trong cái khó, các đơn vị kinh doanh du lịch Thủ đô đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để nhanh chóng phục hồi thị trường. Những mô hình, sản phẩm du lịch mới được hình thành từ cuộc vật lộn với đại dịch không chỉ mang đến nhiều hy vọng cho du lịch Thủ đô về kịch bản sớm phục hồi, mà còn cho thấy một tư duy làm du lịch mới.

"KHOÁC ÁO MỚI" CHO DI SẢN

Những tháng hè oi ả của năm 2021 cũng là lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh với diễn biến khó lường. Trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Văn Vĩnh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), một cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước lật giở lại những tấm ảnh lưu trong chiếc điện thoại smartphone đời cũ về chuyến tham quan trải nghiệm sản phẩm tour đêm của di tích Nhà tù Hoả Lò. Hôm đó là chiều tối ngày 27-6-2020, buổi ra mắt đầu tiên sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội với tên gọi “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt”.

“Tôi đã nhiều lần thăm di tích Hoả Lò, được nghe nhiều câu chuyện huyền thoại, nhưng lần này rất khác, như được chạm vào lịch sử vậy”, ông Vĩnh bồi hồi nhớ lại.

Tour du lịch đêm “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” là sản phẩm hợp tác giữa Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò và Công ty lữ hành Hanoitourist (Tổng Công ty du lịch Hà Nội) trong năm 2020 nhằm mục đích tạo sản phẩm mới để phục hồi du lịch Thủ đô trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trưởng ban Quản lý di tích nhà tù Hoả Lò thừa nhận: “Nếu không có dịch Covid-19 buộc các đơn vị phải chuyển đổi để cứu mình thì có lẽ chúng tôi chưa quyết liệt hoàn thành sản phẩm này để cho ra mắt sớm như vậy”. 

Sản phẩm du lịch đêm của di tích Nhà tù Hoả Lò trong buổi đầu ra mắt đã gây bất ngờ khi lần đầu tiên, câu chuyện lịch sử quen thuộc được kể lại theo cách mới, kết hợp công nghệ ánh sáng 3D và âm thanh nổi. Các doanh nghiệp du lịch sau đó nhanh chóng đưa tour này vào khai thác trong những đợt kích cầu du lịch Hà Nội. Theo Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, trong tháng đầu thử nghiệm, Ban tổ chức nhận được hàng trăm cuộc gọi điện đặt vé, không chỉ khách Hà Nội, mà nhiều vị khách từ miền Trung, miền Nam. 

Đầu năm 2021, Ban quản lý di tích nhà tù Hoả Lò xây dựng thêm phiên bản thứ 2 có tên “Sống như những đoá hoa” với câu chuyện về những nữ chiến sĩ cách mạng trong ngục tù. Thời gian tạm dừng hoạt động để phòng, chống đợt dịch thứ 4, đơn vị tiếp tục chuẩn bị phiên bản thứ 3, hướng tới phiên bản tiếng Anh để phục vụ khách quốc tế khi thích hợp. “Đây sẽ là sản phẩm chủ lực của di tích Nhà tù Hoả Lò để thu hút khách nội địa, tiến tới phục vụ khách quốc tế ngay khi thành phố cho phép. Chúng tôi hy vọng, sản phẩm có thể đón đầu được xu hướng khách trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ thông tin thêm.

Sau thành công từ tour đêm của di tích Nhà tù Hoả Lò, tối 23-4-2021,  Công ty lữ hành Hanoitourist tiếp tục phối hợp với Trung tâm bảo tồn Khu di sản Thăng Long ra mắt sản phẩm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, khám phá di sản về đêm với nhiều hoạt động “độc và lạ” như: Trình chiếu lazer, trò chơi giải mã, tham dự lễ dâng hương, lấy nước từ chiếc giếng cổ thời Trần… Là một trong những đơn vị lữ hành tham gia khảo sát tour, Giám đốc Công ty lữ hành Asia Sun Lê Thanh Thảo đánh giá: “Đây tiếp tục là một trong những sản phẩm du lịch khác biệt của Hà Nội, góp phần để Hà Nội xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng cho phát triển kinh tế đêm trong tương lai”.

 

Hình ảnh tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” ra mắt vào ngày 23-4-2021 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Chiếu lazer, xem biểu diễn múa hoàng cung…
Hình ảnh tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” ra mắt vào ngày 23-4-2021 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Chiếu lazer, xem biểu diễn múa hoàng cung….

Bên cạnh việc “khoác áo” mới cho di sản, Hà Nội cũng hình thành nhiều không gian văn hoá sáng tạo để phát triển những sản phẩm du lịch văn hoá mang bản sắc riêng cho Thủ đô. Ngoài Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được thử nghiệm từ năm 2017 với hơn 400 hoạt động văn hoá, nghệ thuật, giải trí, từ ngày 1-1-2021, UBND quận Hoàn Kiếm đã quyết định mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội với nhiều hoạt động văn hoá truyền thống và đường phố diễn ra vào cuối tuần.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, khu phố cổ Hà Nội có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm) cùng với nhiều phố nghề truyền thống thu hút du khách như: Hàng Bạc, Hàng Mã, Cầu Gỗ… “Việc mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội với các hoạt động văn hoá sẽ giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm mới, khám phá văn hóa, lịch sử khu phố cổ, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn quận. Để phục vụ du khách, Ban quản lý các điểm di tích sẽ có thêm những sáng tạo, hoạt động mới gắn với đời sống hơn để làm phong phú và nổi bật hơn giá trị di sản đang có, điển hình như đình Kim Ngân là nơi thường xuyên giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các nghệ nhân làm bạc nổi tiếng của Hà Nội ”, ông Phạm Tuấn Long nói.

Cùng với những di sản, di tích hiện có, các không gian văn hoá sáng tạo mới đóng góp không nhỏ để Hà Nội hình thành chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, góp phần xây dựng nền “Công nghiệp văn hoá” hiệu quả, sáng tạo...

NHỮNG HÀNH TRÌNH KẾT NỐI CẢM XÚC

Nửa cuối của năm 2020 cho đến tháng 4-2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng có nhiều lần kích cầu du lịch nội địa khá thành công. Sự chủ động, tích cực và nỗ lực sáng tạo của các đơn vị trong việc thử nghiệm, ra mắt sản phẩm du lịch trong “tình hình mới” mang đến sức sống mới cho du lịch. 

Ngày 23-1-2021, Hiệp hội Du lịch Hà Nội thành lập Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen với sự tham gia hơn 30 doanh nghiệp du lịch Hà Nội, mục đích là để huy động sức mạnh tập thể của các đơn vị du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù cho Thủ đô, kết nối mạnh hơn với các địa phương. Tiêu chí hoạt động của Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen là lấy văn hoá làm nền tảng để xây dựng sản phẩm du lịch bền vững, chuyên biệt cho Hà Nội.

Chỉ 2 tháng sau khi thành lập, Câu lạc bộ này với sự góp mặt của nhiều đơn vị du lịch uy tín như: Hanoitourist, VietFoot Travel, Pattour Travel, Asia Sun Travel, Công ty cổ phần du lịch và dịch vụ Hy Vọng… cho ra mắt sản phẩm du lịch mới – du lịch caravan (tự lái xe) với hành trình đầu tiên khởi hành từ Hà Nội đi 5 tỉnh Tây Bắc. Hơn 150 người gồm các doanh nghiệp lữ hành và du khách đã có hành trình nhiều cảm xúc khi lần đầu tiên trải nghiệm sản phẩm du lịch với cách thức tổ chức khác biệt mà vẫn bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Du khách tự lái xe theo cung đường đã được lập trình sẵn, tham gia nhiều hoạt động khám phá bản sắc văn hoá địa phương…

Niềm vui của những người làm du lịch còn được nhen lên, khi nhiều sản phẩm du lịch caravan hình thành, khởi động từ Hà Nội đến các điểm di sản tại đền Hùng (Phú Thọ), tham quan các điểm di tích và trải nghiệm du lịch Nam Định… đều được du khách thích thú, đánh giá cao. Câu lạc bộ VGreen còn liên kết với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và các địa phương khác để kết cấu lại sản phẩm du lịch, tăng cảm xúc trong trải nghiệm cho du khách cũng như tạo liên kết khách hai chiều. 

Tuy nhiên, những sản phẩm mới này chưa có nhiều thời gian để tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện vì đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh kể từ dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Gần 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 8-2021), hoạt động du lịch lại rơi vào trạng thái… “ngủ đông” khi nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động vận chuyện hành khách. Khó khăn chồng chất, nhiều đơn vị vẫn tận dụng thời gian làm việc trực tuyến để xây dựng thêm sản phẩm chuyên biệt cho Hà Nội. 

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, đơn vị đang nghiên cứu các sản phẩm du lịch trải nghiệm, kết nối nhiều điểm di sản khu vực nội thành của Thủ đô để trước mắt phục vụ nhu cầu tham quan của người Hà Nội khi hết giãn cách xã hội. Trong khi đó, Công ty du lịch VietFoot Travel đã khảo sát và xây dựng xong sản phẩm du lịch bằng xe máy và xe đạp khám phá các di tích và thắng cảnh Hà Nội. 

“Chúng tôi đang xây dựng nhiều cung đường, hành trình tham quan các điểm di tích trong nội thành kết nối với những điểm ngoại thành Hà Nội. Khi dịch được kiểm soát, sản phẩm này sẽ ngay lập tức được giới thiệu tới du khách nội địa và quốc tế”, Giám đốc Công ty du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa hồ hởi thông tin.

Dịch Covid-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế, trong đó có du lịch. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, đại dịch này cũng tạo ra một “cuộc cách mạng” lớn, buộc các đơn vị phải tích cực chuyển đổi, sáng tạo. Du lịch Hà Nội đã có sự vận động mạnh mẽ, được chứng minh ở sự chuyển mình tại các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch với nhiều mô hình du lịch mới được hình thành ngay trong mùa dịch. Điều này góp phần tô đậm hơn bản sắc du lịch Hà Nội, định vị rõ ràng hơn thương hiệu: Du lịch Hà Nội – Du lịch của văn hoá và di sản. 

TĂNG TỐC PHỤC HỒI

Những năm vừa qua, Hà Nội luôn lọt vào danh sách tốp các điểm đến toàn cầu do các tổ chức quốc tế uy tín bình chọn. Mới nhất, Tạp chí Time (Mỹ) vừa công bố danh sách 100 địa danh tuyệt vời nhất thế giới năm 2021 (World's Greatest Places), trong đó có Hà Nội. Chúng tôi đã có cuộc thảo luận bàn tròn với các nhà quản lý, chuyên gia về văn hoá - du lịch, đơn vị lữ hành để cùng tìm ra những biện pháp trước mắt và lâu dài, giúp Hà Nội nhanh chóng phục hồi và tiếp tục khẳng định vị thế riêng trên bản đồ du lịch của cả nước và thế giới.

Hà Nội có nguồn tài nguyên di sản, thiên nhiên dồi dào, đó là lợi thế rất lớn của Hà Nội so với các địa phương khác. Để phát triển du lịch, Hà Nội cần xác đinh rõ thế mạnh của mình, tập trung cho du lịch văn hoá kết hợp trải nghiệm. Trong đợt dịch vừa qua, Hà Nội đã có một số mô hình sản phẩm mới được xây dựng từ những di sản sẵn có, tạo được chú ý trong mùa dịch. Đó là cách làm đúng, cần được nhân rộng, để trước mắt có thể thu hút người dân Hà Nội, sau đó mở rộng cho khách du lịch nội địa từ các địa phương và tiến tới là đón khách quốc tế.

Sau đại dịch Covid-19, xu hướng, thói quen du lịch của du khách trong và ngoài nước có thể có nhiều thay đổi. Trước mắt, du lịch ngắn ngày, theo nhóm nhỏ sẽ được lựa chọn nhiều hơn, vì thế, bên cạnh khai thác các di sản, Hà Nội cần tập trung đầu tư thêm nhiều sản phẩm mới bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, ví dụ như các hoạt động tham quan di tích ở phạm vi nhỏ để khách yên tâm khi đi du lịch.

Bên cạnh đó, Hà Nội nên đẩy mạnh thêm sản phẩm du lịch trải nghiệm ở khu vực ngoại thành, tạo thêm những khu vực du lịch an toàn để người dân, du khách kết hợp nghỉ dưỡng, khám phá văn hoá làng quê, ví dụ như: Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng… Đó cũng là cách để phân bổ hài hoà lượng khách ở khu vực nội thành và ngoại thành.

Để các điểm đến, sản phẩm hấp dẫn du khách, khâu truyền thông, quảng bá rất quan trọng và cần có chiến lược dài hạn, tập trung. 

Những năm trước, Hà Nội đã “bắt tay” với hãng truyền hình CNN để quảng bá du lịch Hà Nội, có hiệu quả cao trong việc thu hút khách nước ngoài. Tuy nhiên, trong một năm rưỡi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, thực hiện giãn cách nên việc quảng bá theo hình thức truyền thống bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế, bên cạnh việc truyền thông trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, Hà Nội cần có thêm những hình thức quảng bá mới, có thể tận dụng các ứng dụng công nghệ internet, mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok… để quảng bá rộng rãi hơn tới người dân, đặc biệt là đối tượng du khách trẻ và khách nước ngoài – những người thường xuyên sử dụng internet và các thiết bị điện tử hiện đại.

Ngoài tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch hấp dẫn, Hà Nội cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn – chất lượng – thân thiện – mến khách. Lúc này, yếu tố “an toàn” cần được quảng bá mạnh mẽ. Để làm tốt việc này thì Hà Nội phải là nơi an toàn, các khu - điểm du lịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần đẩy mạnh việc số hoá trong quản lý du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Các điểm đến có thể thiết kế thêm những hình thức du lịch trực tuyến, du lịch bằng thực tế ảo. Đây cũng là xu hướng, cách làm mà nhiều quốc gia đang thực hiện và đạt hiệu quả cao trong đợt dịch Covid-19. Hình thức quảng bá này sẽ kích thích nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước để khi hết dịch, họ sẽ lựa chọn Hà Nội là điểm muốn đến để trải nghiệm

Để thực hiện tốt các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, bên cạnh việc quảng bá, xây dựng sản phẩm phù hợp thì yếu tố nhân lực, con người rất quan trọng. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực lao động bị sụt giảm mạnh. Số lượng lớn người lao động trong lĩnh vực du lịch đã bỏ việc hoặc chuyển sang làm công việc khác, vì thế, Hà Nội cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch để giữ chân nhân sự cũng như để tránh việc thiếu lao động khi du lịch phục hồi trở lại.

Việc đào tạo không chỉ ở đầu nguồn các trường có khoa du lịch đối với học sinh, sinh viên theo ngành Du lịch mà còn cần tập trung vào việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực sẵn có trong các đơn vị kinh doanh du lịch. Ví dụ như các đơn vị cần có chính sách đào tạo thêm các kỹ năng mềm cho đội ngũ quản lý, marketing, bán hàng, hướng dẫn viên du lịch… để họ có thể tự chuyển đổi hoạt động sang nhiều lĩnh vực như tổ chức sự kiện, toạ đàm, hội thảo… Đây là bước chuẩn bị để khi hết dịch Hà Nội có thể đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch văn hoá kết hợp hợp du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, triển lãm), bởi đây là loại hình có thể kéo được lượng khách chuyên gia, khách doanh nhân có khả năng chi trả cao, lưu trú lâu dài đến Hà Nội.

Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc (Kiên Giang), có thể mở rộng thí điểm ở một số địa phương khác khi bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Ngay từ bây giờ, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch ngắn hạn như đẩy mạnh chương trình “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”, du lịch nội địa, Hà Nội cần tính toán cả kịch bản dài hơi hơn, sẵn sàng đón khách quốc tế khi được phép. Việc chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực để đón khách quốc tế cần phải tính toán cùng với sẵn sàng các sản phẩm du lịch mang tính chuyên biệt cho khách quốc tế trải nghiệm trong bối cảnh tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Theo HNMO