EVFTA và thời cơ "vàng"

00:00 12/10/2020

Không thể đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) trong nước tận dụng ngay được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhất là khi đang phải hứng chịu những tác động nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, EVFTA sẽ là “liều thuốc” trợ lực để DN “bật dậy” sau khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu.

Tại sao Trung Quốc lại bị ảnh hưởng bởi EVFTA?

Phục hồi xuất khẩu thời hậu dịch

Liên minh châu Âu (EU) là một trong số các thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch XK sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu (NK) đạt 14,91 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế dự báo, sau khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo “cú huých” lớn cho XK của Việt Nam sang EU, đặc biệt là với các mặt hàng nông-thủy sản và những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) - nhận định, giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành, có thể nhu cầu tiêu dùng tại thị trường EU bị giảm sút. Nhưng khi dịch bệnh đi qua nhu cầu có thể tăng lên, sẽ tạo cơ hội rất tốt cho DN đẩy mạnh XK trở lại. Do vậy, cộng đồng DN cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; đồng thời có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tận dụng các kênh quảng bá trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường, tạo cơ hội khôi phục hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc.

evfta va thoi co vang ba i 2

Xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo tăng mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ, Luxembourg đã khuyến cáo, các DN XK trong nước cần tính đến khả năng sản xuất và dự trữ hàng hóa để khi có điều kiện thuận lợi, nhất là dịch qua đi sẽ có sẵn hàng hóa để đáp ứng các đơn hàng từ EU.

Đặc biệt, sau cuộc khủng khoảng bởi dịch Covid-19, nhu cầu thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Dự kiến, cách thức tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu của các DN EU cũng có những điều chỉnh đáng kể, đòi hỏi các nhà XK trong nước phải lưu ý để thích ứng phù hợp với tình hình mới.

Chấp nhận mất phí ban đầu

Điểm thuận lợi là cơ cấu kinh tế Việt Nam và EU không có sự cạnh tranh trực tiếp mà là cạnh tranh bổ sung lẫn nhau. Những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam không phải là thế mạnh của EU và ngược lại.

Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, các DN Việt Nam phải chịu các chi phí nhất định để điều chỉnh sản xuất. Ví dụ, để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, các DN Việt phải thay đổi nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài sang nội địa. Mua từ nội địa có thể chi phí sẽ đắt hơn, nhưng lại giúp DN có lợi thế khi XK hàng sang EU. Bên cạnh đó, việc đáp ứng các cam kết, quy định trong EVFTA sẽ dẫn đến sự thay đổi về pháp luật của Việt Nam. Điều này có thể khiến DN trong nước sẽ phải chịu thêm các chi phí tuân thủ.

“Tuy nhiên, DN cần chấp nhận những chi phí như vậy để thay đổi và tận dụng cơ hội” - bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, trong quá trình chuẩn bị để Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, một trong những điều kiện quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Với mỗi Hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương sẽ ban hành một thông tư về vấn đề này. Hiện nay, thông tư đã được dự thảo, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan để giúp họ nắm được cần quy tắc xuất xứ như thế nào thì sản phẩm mới được đi vào thị trường EU.

Theo quy trình thông thường, phải sau 45 ngày thông tư mới có hiệu lực, nên Bộ Công Thương sẽ xin chỉ đạo để khi hiệp định được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì thông tư được ban hành cũng có hiệu lực, giúp DN tận dụng ngay lợi ích từ EVFTA.

Tuy vậy, để DN có thể tận dụng ngay lợi ích từ EVFTA, “Các bộ, ngành cần chủ động dự thảo văn bản hướng dẫn, đặc biệt như đối với biểu thuế ưu đãi áp dụng cho EU và quy tắc xuất xứ áp dụng với hàng EU vào Việt Nam; các cam kết mua sắm công; hay đấu thầu thuốc thực phẩm... tránh trường hợp ban hành văn bản muộn sẽ gây khó khăn khi thực thi” - ông Lương Hoàng Thái đề nghị.

Nguyễn Hường - Hoa Quỳnh