Hải Dương thu hút được gần 210 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

10:08 14/06/2023

Tính đến đầu tháng 6, tỉnh Hải Dương thu hút được gần 210 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gồm 27 dự án cấp mới với tổng vốn 152,5 triệu USD, điều chỉnh tăng 55 triệu USD cho 16 lượt dự án, còn lại là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tính đến đầu tháng 6, tỉnh thu hút được gần 210 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gồm 27 dự án cấp mới với tổng vốn 152,5 triệu USD, điều chỉnh tăng 55 triệu USD cho 16 lượt dự án, còn lại là vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước.

Ảnh minh họa
Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút dòng dịch chuyển mới từ vốn FDI. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lĩnh vực thu hút vốn là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các dự án FDI mới chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức…

Mặc dù thu hút FDI tương đương song nguồn vốn năm nay tập trung chủ yếu vào dự án FDI cấp mới, tăng 4,5 lần về số lượng dự án và gấp 6 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Cùng kỳ năm trước, thu hút FDI của tỉnh chủ yếu vào vốn tăng thêm. Năm 2023, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút FDI đạt 410 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 750 triệu USD trở lên. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 7 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 400 triệu USD.

Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn, các nhà đầu tư đến từ các nước châu Á, chiếm 90%, còn lại là đến từ các nước châu Mỹ, châu Âu. Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Nhật Bản chiếm 16,3%, thứ ba là Hàn Quốc chiếm 15,4%, thứ tư là Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký....

Tuy nhiên, thu hút FDI của tỉnh Hải Dương hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: số lượng dự án FDI quy mô nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh khá lớn, trong khi hạn chế về số lượng dự án FDI quy mô lớn. Một số doanh nghiệp kê khai lỗ kéo dài, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế gần bằng vốn chủ sở hữu nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

P.V