Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Kiến nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu

15:28 06/04/2023

Trước thực trạng đơn hàng giảm gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) vừa có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo gửi Thường trực UBND TP.HCM về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong tháng 3 và quý 1/2023.

Theo đó, từ đầu năm 2023, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ được duy trì và triển khai về tài khóa, tín dụng, giảm lãi suất vay và tăng đầu tư công, đã giúp một số ngành có những bước tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề vẫn còn rất khó khăn, chật vật để tìm hướng đi.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch thường trực HUBA, khó khăn lớn nhất của các doanh xuất khẩu, phổ biến nhất là ngành gỗ và ngành dệt may đang gặp phải là do bị cắt giảm đơn hàng, thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Thông qua các cuộc khảo sát mới đây của HUBA, có tới 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ là 41,2%.

Ảnh minh họa
Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu (Ảnh minh họa).

HUBA nêu vấn đề, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu... và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp, nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo, nên công ty gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, để có thêm nhiều trợ lực cho doanh nghiệp, HUBA đề xuất Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hàng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay 01 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn. Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

HUBA cũng kiến nghị, Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.

Song song đó, HUBA kiến nghị, UBND TP.HCM thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo tăng cường kết nối doanh nghiệp và ngân hàng thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp.

T.H