Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Phú Thọ

07:18 26/10/2022

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú thọ tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2022
Quang cảnh Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2022. 

Tham dự hội nghị có đại diện các ngân hàng thương mại; lãnh đạo các sở, ngành; đại diện các hiệp hội, hội doanh nghiệp và 40 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Trong 9 tháng đầu năm, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng, nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% phục vụ chương trình phục hồi nền kinh tế.

Đồng thời, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đạt gần 74.760 tỉ đồng, tăng 5,72% so với cuối năm 2021; tổng dư nợ cho vay đạt trên 91.780 tỉ đồng, tăng 12,4%; nợ xấu chiếm 0,5% tổng dư nợ và trong tầm kiểm soát của toàn hệ thống. Trong 9 tháng, đã có gần 1.500 doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng với doanh số trên 34.760 tỉ đồng; hiện còn 2.501 doanh nghiệp còn vay với dư nợ gần 39.000 tỉ đồng.

Bám sát Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại đã rà soát trên 104.000 khách hàng hiện hữu với dư nợ trên 91.400 tỉ đồng.

Qua rà soát 2.897 khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất với dư nợ trên 10.170 tỉ đồng, chiếm 2,8% tổng số khách hàng vay vốn và trên 11% dư nợ toàn địa bàn có 214 khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất với số dư trên 2.900 tỉ đồng.

Hội nghị đã thảo luận, trao đổi tập trung vào một số vấn đề: Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%; giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục vay vốn; thực hiện đồng bộ số hóa, điện tử hóa quy trình, các thành phần hồ sơ, văn bản trong hoạt động ngân hàng...

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đang khẩn trương hoàn thiện việc rà soát dư nợ hiện hữu đối với các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để nắm bắt tình hình, khả năng thực hiện hỗ trợ; chú trọng thực hiện giải pháp xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

P.V