Lao động sang Hàn Quốc: Muốn làm giàu phải giữ "cần câu cơm"

15:55 11/03/2024

Đầu năm 2024, Việt Nam đã đón tin vui khi 8 huyện thuộc 4 tỉnh thành của Việt Nam được “gỡ” lệnh cấm đưa lao động sang Hàn Quốc. Nhưng muốn thị trường này tiếp tục “rộng cửa” đón lao động Việt, cần triệt để ngăn chặn tình trạng cư trú bất hợp pháp.

Bài học lớn - tự “bó cần câu cơm”

Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất nước ta, xếp thứ 3 chỉ sau Nhật Bản, Đài Loan. Thị trường này có nhiều ưu thế hấp dẫn như mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Rất nhiều lao động Việt Nam nhờ có thể sang Hàn Quốc làm việc mà “đổi đời”, có tiền xây nhà, tạo dựng cơ nghiệp, thậm chí có người nhờ nỗ lực còn đón cả gia đình sang Hàn Quốc định cư.

Đáng nói, Việt Nam có khoảng 46.600 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường có số lao động "chui" cao nhất, lên đến hơn 30%.

Cảnh sát Hàn Quốc thường xuyên kiểm tra lao động nhằm ngăn chặn tình trạng cư trú bất hợp pháp
Cảnh sát Hàn Quốc thường xuyên kiểm tra lao động nhằm ngăn chặn tình trạng cư trú bất hợp pháp.

Trước thực trạng này, phía Hàn Quốc đã thi hành biện pháp tạm dừng tiếp nhận lao động xuất khẩu đối với Việt Nam. Trước đó trong giai đoạn 2017-2019, hàng chục huyện, thị của Việt Nam bị phía Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động. Sau “hồi chuông cảnh tỉnh” tuy vấn nạn này có được cải thiện nhưng tới năm 2023, Hàn Quốc lại tạm dừng tiếp nhận lao động tại 8 huyện thị thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp. Cụ thể, tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Mức lương tại Hàn Quốc khá cao, rất hấp dẫn lao động
Mức lương tại Hàn Quốc khá cao, rất hấp dẫn lao động.

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này nhưng chủ yếu do chênh lệch về thu nhập của người lao động làm việc trong nước và nước ngoài rất lớn. Vì vậy, nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng.

Ông Ngô Doanh – Giám đốc Công ty Du học Giang Thanh cũng cho biết: "Phải thừa nhận thực tế là có một bộ phận doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phía Hàn Quốc muốn sử dụng lao động Việt Nam nhưng không muốn bỏ chi phí dịch vụ giới thiệu, tuyển dụng lao động hay kết nối với trung gian như chúng tôi. Đánh vào tâm lý những lao động Việt Nam muốn ở lại sau khi hết hợp đồng, thay vì hướng dẫn họ làm thủ tục gia hạn, các doanh nghiệp này dung túng cho lao động trốn ra ngoài làm việc."

Đừng tự "bóp nát" giấc mơ đổi đời

Để tháo gỡ thực trạng trên, cuối năm 2023, trong cuộc gặp với tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi về Chương trình cấp phép lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (Chương trình EPS), Hiệp định về bảo hiểm xã hội Việt Nam - Hàn Quốc, hợp tác giáo dục nghề nghiệp... Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhu cầu của thanh niên Việt Nam sang Hàn Quốc rất lớn tuy nhiên chỉ tiêu của chương trình có giới hạn, Bộ trưởng đề xuất phía Hàn Quốc xem xét tăng chỉ tiêu tiếp nhận và mở rộng một số ngành nghề, lĩnh vực như đóng tàu, dịch vụ, lao động thời vụ, lao động kỹ thuật lành nghề…

Phía Hàn Quốc đã mở cửa trở lại với lao động thuộc 8 huyện tại 4 tỉnh của Việt Nam
Phía Hàn Quốc đã mở cửa trở lại với lao động thuộc 8 huyện tại 4 tỉnh của Việt Nam.

Tin vui đầu năm mới, người lao động thuộc các địa phương gồm huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thành phố Chí Linh (Hải Dương), các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) được tham gia kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc đợt 1 năm 2024.

Tuy nhiên, những người lao động có thân nhân gồm bố mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì sẽ không được tham dự Chương trình EPS (chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc). Như vậy có thể thấy chính những lao động cư trú bất hợp pháp đang tự “chặn” đi cơ hội “đổi đời” của mình và cả người thân trong gia đình.

Thực tế từ nhiều năm nay, các địa phương luôn không ngừng tuyên truyền, vận động người dân sang Hàn Quốc lao động phải đặc biệt tuân thủ pháp luật nước sở tại, trở về Việt Nam khi hết thời hạn hợp đồng. Cùng với đó, vận động các gia đình có con em là lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du học, biện pháp này là chưa đủ.

Ảnh minh họa
Bà Hà Quý – Phó Giám đốc CN Công ty CP EIGroup tại Hòa Bình (thứ ba từ trái qua) tiễn du học sinh tại sân bay.

Bà Hà Quý – Phó Giám đốc CN Công ty CP EIGroup tại Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi là đơn vị trung gian đưa lao động sang nước ngoài nhưng cũng chỉ có thể đảm bảo về chất lượng đầu vào của lao động, không thể quản lý ý thức của người lao động và quá trình họ lao động bên nước ngoài cũng như giao dịch giữa họ với chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp. Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng lao động nộp trước khi sang Hàn Quốc chỉ bằng vài tháng lương của họ, không đủ sức khiến lao động buộc phải về đúng hạn. Có thể bổ sung quy định về việc chính phủ trích một phần thu nhập của người lao động trong thời gian làm việc tại nước ngoài như một dạng đảm bảo, lao động có thể đóng nhiều hơn tùy nhu cầu và tính lãi theo lãi suất tiền gửi. Hết thời gian hợp đồng, nếu lao động về nước đúng thời hạn, sẽ nhận lại số tiền này, bao gồm cả tiền lãi. Nếu hết hạn, lao động cố tình bỏ trốn, cư trú, làm việc bất hợp pháp thì khoản tiền này sẽ bị tịch thu.

Cùng với đó, chính quyền Hàn Quốc cần tăng cường quản lý lao động nước ngoài cũng như các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người nước ngoài. Đặc biệt, phải thi biện pháp xử lý nghiêm doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động nước ngoài trái pháp luật".

Cần có cơ chế ưu đãi cho lao động từ Hàn Quốc trở về
Cần có cơ chế ưu đãi cho lao động từ Hàn Quốc trở về.

Ông Ngô Doanh - Giám đốc Công ty Du học Giang Thanh thì cho rằng, ngoài việc thi hành các chế tài mạnh tay để siết chặt quản lý lao động ở phía Hàn Quốc, phía Việt Nam cũng cần tạo điều kiện bằng chính sách để khuyến khích người lao động về nước đúng thời hạn. Bởi sau thời gian làm việc ở nước ngoài, đây là những lao động có tay nghề, biết ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp, có kinh nghiệm và kỹ năng lao động tốt. Việt Nam có thể đưa ra một số cơ chế như: Mở phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho lao động về nước đúng hạn; tư vấn giới thiệu việc làm chuyên biệt cho lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… có trình độ tay nghề phù hợp. Từ đó vừa khai thác tốt nguồn nhân lực có chất lượng, tránh lãng phí, vừa giúp lao động yên tâm trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng, gián tiếp hạn chế việc lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp.

Trong xu thế toàn cầu hóa, đẩy mạnh xuất khẩu lao động đang là chủ trương lớn của Việt Nam. Và để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu lao động, vấn đề ngăn chặn tình trạng người lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài phải được đặt lên hàng đầu. Muốn vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả chính quyền, doanh nghiệp, đặc biệt là ý thức từ chính người lao động đã – đang và sắp hiện thực hóa giấc mơ làm giàu nơi đất khách.

Hà Linh