Micron gánh chịu thiệt hại bởi lệnh trừng phạt từ Trung Quốc

15:04 22/05/2023

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) sẽ yêu cầu các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng ngừng mua chip do hãng Micron sản xuất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đáp trả các lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ, mới đây, Trung Quốc đã tung ra “phát súng” tiếp theo trong cuộc chiến chất bán dẫn đang leo thang.

Theo hãng tin Reuters, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết, đã đánh rớt các sản phẩm của nhà sản xuất công nghệ chip Micron của Mỹ trong kỳ đánh giá bảo mật mạng, đồng thời cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua các sản phẩm từ công ty này. 

"Đánh giá cho thấy, các sản phẩm của Micron có rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây ra nguy cơ đáng kể cho việc bảo mật các chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc" - CAC cho biết.

Ngoài ra, CAC còn khuyến khích các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, bao gồm các lĩnh vực từ vận chuyển, viễn thông, tài chính đến chăm sóc sức khỏe, không nên sử dụng sản phẩm từ Micron.

CAC không cung cấp chi tiết về những rủi ro này hay những sản phẩm của Micron sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Về phía Micron, công ty cho biết, đã nhận được thông báo kết luận về cuộc điều tra đối với sản phẩm đang bán tại Trung Quốc của mình. Công ty này khẳng định sẽ mong muốn “tiếp tục tham gia các cuộc thảo luận với nhà chức trách Trung Quốc”.

Micron, có trụ sở tại bang Idaho, Mỹ, là một trong 3 công ty hàng đầu trên thị trường chip nhớ DRAM toàn cầu, cùng với Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc.

Ảnh hưởng bởi công bố từ Trung Quốc, cổ phiếu các doanh nghiệp đối thủ trong ngành của Micron như Samsung Electronics và SK Hynix đã đồng loạt tăng tại Seoul. Các cổ phiếu mảng kinh doanh sản xuất chip của Trung Quốc, bao gồm nhiều công ty đầu ngành như Semiconductor Manufacturing International Corp. và Hua Hong Semiconductor Ltd. cũng ghi nhận tăng hơn 3% tại Hong Kong.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy, Micron thu được gần 11% doanh thu từ Trung Quốc trong năm vừa qua, Mặc dù con số này vẫn còn thấp so với nhiều công ty công nghệ khác, song, phần lớn hoạt động sản xuất thiết bị điện tử của thế giới đều kết nối đến các nhà máy Trung Quốc. Do đó, công bố vừa qua của Trung Quốc sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ khách hàng khác của Micron.

Hiện nay, hầu hết các chip bộ nhớ của Micron được bày bán ở Trung Quốc đa phần đều được sử dụng trong các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay.

Giới chức Trung Quốc dường như đang nỗ lực tìm biện pháp trả đũa mà không làm tổn hại đến nỗ lực của các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời phát triển các nhà cung cấp chip của riêng họ.

Trước đấy, vào ngày 4/4, chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản cùng với Mỹ chỉ ra lý do an ninh để áp đặt các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ để sản xuất chip xử lý, Trung Quốc đã công bố đánh giá chính thức về Micron Technology Corp. căn cứ theo theo Luật an ninh thông tin ngày càng nghiêm ngặt của họ.

Trung Quốc đang rót hàng tỉ USD nhằm tăng tốc độ phát triển chip và giảm bớt nhu cầu sử dụng công nghệ nước ngoài. Các xưởng đúc của Trung Quốc có thể cung cấp chip bậc thấp được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, nhưng không thể hỗ trợ điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng tiên tiến khác.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà quan sát đưa ra cảnh báo rằng thế giới có thể bị tách rời hoặc chia tách thành các lĩnh vực theo các tiêu chuẩn công nghệ khác nhau không tương thích; nghĩa là máy tính, điện thoại thông minh và các sản phẩm khác ở một khu vực sẽ không hoạt động được ở nơi khác. Điều này sẽ làm tăng thêm giá thành và có thể làm chậm quá trình đổi mới.

Thu Hằng (t/h)