Microsoft bị điều tra vì thương vụ đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI

10:26 11/12/2023

Microsoft tuyên bố rằng, mối quan hệ của họ với OpenAI không những không phải nhằm mục đích độc quyền, mà còn giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực AI.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mới đây, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) cho biết, đã thu thập thông tin từ các bên và mở cuộc điều tra nhắm vào Microsoft. CMA lo ngại với khoản tiền 10 tỷ USD, hãng phần mềm lớn nhất thế giới sẽ biến việc đầu tư cho OpenAI thành một thương vụ sáp nhập, từ đó tác động tiêu cực tới sự phát triển lĩnh vực AI tại Anh.

CMA cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cả cơ hội và rủi ro cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh cần có sự cạnh tranh bền vững giữa những công ty tham gia lĩnh vực này.

Đáp lại, Microsoft tuyên bố, mối quan hệ của họ với OpenAI không những không phải nhằm mục đích độc quyền, mà còn giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực AI, “đồng thời duy trì sự độc lập cho cả hai công ty”.

Chủ tịch Microsoft Brad Smith khẳng định, hai công ty đã xây dựng mối quan hệ đối tác kể từ năm 2019, song vẫn duy trì sự độc lập. Điều duy nhất đã thay đổi là Microsoft giờ đây sẽ có một giám sát viên không có quyền bỏ phiếu trong HĐQT của OpenAI.

Microsoft khẳng định, sẽ hợp tác chặt chẽ với CMA để cung cấp tất cả những thông tin phục vụ cho quá trình điều tra.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nội bộ OpenAI rơi vào tình trạng hỗn loạn vì CEO Sam Altman rời đi rồi quay trở lại ngay sau đó. Mối lo của CMA tăng lên khi Microsoft tham gia HĐQT OpenAI từ cuối tháng 11.

Tương tự, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng đang xác định mối quan hệ giữa hai công ty có vi phạm luật chống độc quyền hay không.

FTC có thể được coi là một “hung thần” đối với giới Big Tech. trong quá khứ, hàng loạt ông lớn như Facebook, Google, Microsoft và Amazon đều đã bị FTC trừng phạt vì nhiều vấn đề khác nhau. Bản thân Microsoft và FTC hiện cũng đang trong cuộc chiến pháp lý kéo dài liên quan đến một sự kiện khá lớn. Cơ quan này đã đệ đơn kiện Microsoft nhằm cố gắng ngăn chặn thương vụ mua lại Activision Blizzard. Tuy nhiên, FTC đã không thuyết phục được thẩm phán đưa ra lệnh cấm sơ bộ, điều này cho phép Microsoft chốt thành công thỏa thuận mua Activision Blizzard vào tháng 10.

Trước đó vào tháng 7, FTC cũng đã gửi một văn bản dài 20 trang, trong đó yêu cầu cung cấp các hồ sơ về cách OpenAI xử lý những rủi ro liên quan tới các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty này. Cơ quan này muốn điều tra xem liệu OpenAI có dính líu tới các hoạt động hoặc các hành vi lừa đảo gây tổn hại danh tiếng của người tiêu dùng hay không.

Theo Forbes, Microsoft không sở hữu cổ phần trong OpenAI, nhưng hưởng một phần lợi nhuận từ kết quả kinh doanh. Trước đó, tập đoàn này không công khai khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD với chính phủ vì OpenAI ban đầu là dự án phi lợi nhuận. Theo luật Mỹ, việc rót vốn hoặc mua lại tổ chức dạng này không cần báo cáo bất kể quy mô giao dịch.

Theo nhà phân tích chống độc quyền Jennifer Rie, dù không được phép ra quyết định, Microsoft vẫn có lợi thế khi nắm rõ thông tin về OpenAI nhờ có ghế trong Hội đồng quản trị. Nếu muốn chi phối, họ có thể ngăn OpenAI hợp tác với công ty đối thủ, hoặc cắt giảm khoản tài trợ cho hoạt động nghiên cứu.

Nhiều chuyên gia cũng tin giữa Microsoft và OpenAI tồn tại mối quan hệ đáng ngờ. Satya Nadella, CEO Microsoft, đóng vai trung gian đàm phán đưa Sam Altman trở lại. Thậm chí, ông từng đề nghị tuyển dụng Altman và nhiều thành viên khác của OpenAI.

"Các công ty lớn đang lợi dụng thỏa thuận hợp tác để vô hiệu hóa đối thủ tiềm năng trong lĩnh vực AI. Các cơ quan chống độc quyền cần nhanh chóng điều tra những giao dịch đáng ngờ và loại bỏ chúng nếu cần thiết", Max von Thun, Giám đốc Viện Thị trường Mở châu Âu nhận định.

Thu Hằng (t/h)