Mở cửa, sống chung với dịch nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa Hoa Kỳ vẫn điêu đứng là do đâu?

10:36 04/01/2022

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nước Mỹ đang phải đối mặt với không ít vấn đề cấp bách về nhân sự, chi phí gia tăng nhưng lượng khách hàng giảm đi trông thấy.

Biển :
Biển : "Không khẩu trang, cấm vào" đặt trước các tòa nhà tại quảng trường Thời đại. (Ảnh: abcnews)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp nước Mỹ cảm nhận được tác động sâu sắc của tình trạng gia tăng ca mắc Covid-19 mới, chủ yếu là biến thể Omicron. Nhiều người chỉ ra sự lây lan của vi rút đang gây ra các vấn đề về nhân sự, chi phí cao hơn nhưng ít khách hàng hơn. Một số doanh nghiệp cho biết họ buộc phải đóng cửa tạm thời vì không đủ nhân viên, trong khi một số công ty khác xếp lịch làm việc dày dặc, đề phòng có người ốm bất chợt. 

Roguelike Tavern, một quán bar ở Burbank, California đã thông báo tiếp tục đóng cửa, dừng đón khách sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và chỉ phục vụ hàng giao tận nơi. Theo anh John McCormick, chủ quán chia sẻ nguy cơ phơi nhiễm Covid đối với các nhân viên ngày càng cao bởi ngày ngày đều có thông báo những người mà họ tiếp xúc có kết quả xét nghiệm dương tính. McCormick trả lời ABC News: "Rất nhiều khách đến hộp đêm và sau đó đăng tin lên mạng xã hội rằng họ đã nhiễm bệnh. Ngay cả khi khu vực chúng tôi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng biến chủng vẫn có mặt ở khắp mọi nơi".

Anh nói thêm: "Chỗ chúng tôi là một quán bar nhỏ, không có cửa sổ, hệ thống thông gió không hiệu quả nên rất sợ khách đến chơi mà mắc Covid". McCormick sẽ cắt giảm nhân sự và chỉ giao hàng mang đi, đồng nghĩa với nhân viên kiếm được ít tiền hơn. Anh chàng cũng lo lắng về người làm công việc pha chế tại quán bởi lương của họ hiện giờ chỉ ở mức tối thiểu và gần như không thể xoay sở ở Los Angeles. McCormick hy vọng cơ sở kinh doanh của mình sẽ vượt qua được giai đoạn này trong vài tuần tới. Nếu số ca mắc giảm, anh sẽ cân nhắc mở cửa trở lại hoàn toàn vào ngày 19/1.

Roguelike Tavern không phải là doanh nghiệp nhỏ duy nhất phải đóng cửa. Một nhà hàng ở Austin, Franklin Bar Grill, Texas cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự sau khi nhiều nhân viên xét nghiệm dương tính với Covid-19. Nhà hàng cho biết trong một bài đăng trên facebook: "Chúng tôi không có đủ nhân viên vận hành. Mong rằng mọi người đều sớm khỏe lại và đi làm vào thứ ba tuần sau". 

Hàng trăm nghìn người xếp hàng đợi xét nghiệm Covid
Hàng trăm nghìn người xếp hàng đợi xét nghiệm Covid. (Ảnh: abcnews)

Kome, một nhà hàng sushi dừng hoạt động để kiểm tra sức khỏe toàn bộ nhân viên phơi nhiễm Covid. Elizabeth Hyman, giám đốc của Kome không mấy vui vẻ khi kể lại quá trình xét nghiệm: "Hầu hết chúng tôi đăng kí được trước ngày 20/12, một số bị đẩy sang ngày 21. Ban Giám đốc cố gắng giữ liên lạc, lấy kết quả sớm nhất có thể để có thể mở cửa vào thứ Tư. Thế nhưng đến ngay hoạt động lại rồi mà nhà hàng vẫn chưa nhận được đủ số kết quả cần thiết". Hyman cho hay, cô cảm thấy vô cùng thất vọng vì tìm các địa điểm xét nghiệm đã khó, lên lịch rồi lấy kết quả còn khó hơn, đắt hơn nữa. Các trang web xét nghiệm lấy nhanh tính phí hơn 160 đô, trường hợp của Kome là khoảng 280 đô la. "Sau gần hai năm đối phó với loại vi rút này, chúng ta vẫn không có đủ nguồn lực cho mọi thu nhập, mọi đối tượng", cô than thở.

Một nhân viên tại cửa hàng sách cũ The Brattle Bookshop ở Boston cũng chung nỗi niềm với Hyman. Trước đó, do xuất hiện các triệu chứng, nhân viên đã đi test Covid nhưng phòng khám bị quá tải, anh này mất 5 ngày chỉ để chờ kết quả. Đây cũng là vấn đề mà Tarik Fallous, chủ nhà hàng Lebanon có hai cơ sở ở thành phố New York, cũng đã từng gặp phải. Do đó, một số nhân viên đã phải ở nhà năm hoặc sáu ngày để lấy kết luận cuối cùng. Đối với Fallous mà nói, anh đang phải đánh đổi kinh tế, hoạt động kinh doanh với việc đảm bảo an toàn cho nhân viên. Anh cho hay: "Chúng tôi luôn phải sắp xếp nhân viên bổ sung phòng trừ, gây tốn kém cho doanh nghiệp nhỏ. Nhưng nếu không có người làm, nhà hàng sẽ mất khách".

Hoạt động kinh doanh nhỏ và vừa trên khắp nước Mỹ bất ổn trong vài tuần qua. Số ca mắc tăng lên không ngừng và nhà hàng, quán xá cứ thế hạn chế khách, thậm chí phải hủy. Fallous đưa ra số liệu rằng mặc dù nhiều người chọn giao hàng mang đi nhưng từ bỏ dịch vụ ăn uống trực tiếp có thể khiến doanh nghiệp mất tới 30% hoặc 40%. Bên cạnh đó, không ít người kinh doanh than thở phía nhà cung cấp tăng giá, vận chuyển đội chi phí. Như Fallous nói: "Các bên không có đủ hàng đâu nhưng họ lại muốn cung cấp cho cả thế giới. Giá leo thang từng ngày".

TL