Ngành hàng thực phẩm từ thực vật tại Việt Nam dự kiến đạt 249 triệu USD

18:50 12/07/2023

Ngành hàng thực phẩm từ thực vật sẽ đạt 162 tỷ USD vào năm 2030, trong đó 40% sự tăng trưởng đến từ châu Á Thái Bình Dương, bao gồm thị trường Việt Nam.

Theo dự báo kinh tế, thực phẩm từ thực vật đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ trong những năm sắp tới, dự báo sẽ tăng gấp 5 lần và đạt tới 162 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, 40% sự tăng trưởng đến từ thị trường Châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam là một trong bốn quốc gia (Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc) đang dẫn đầu. Giá trị ngành hàng này tại Việt Nam có thể đạt 249 triệu USD vào năm 2027, nên đây là cơ hội khổng lồ.

Cơ sở gia tăng các chỉ số này là do sự chuyển dịch rõ nét từ hành vi tiêu dùng trên toàn cầu, khi cứ 4 người thì có 1 người có ý định chuyển đổi sang chế độ ăn chay linh hoạt (ăn chủ yếu là thực vật, có xen kẽ thịt cá không thường xuyên).

Hiện tại, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang được 3 nhóm tiêu dùng nòng cốt dẫn đường, đó là người tiêu dùng trẻ, người thành thị và người có thu nhập khá. Trong đó, người trẻ (GenZ) là một nhóm đáng chú ý. Dự kiến đến năm 2025, GenZ sẽ chiếm 1/4 dân số khu vực APAC; sức mua của nhóm này sẽ đạt mức 140 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2030.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, số liệu từ Kantar Singapore trong hội thảo khoa học quốc tế về “Dinh dưỡng thực vật và giải pháp sức khỏe của thế kỷ 21” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đồng tổ chức ngày 12/7, ghi nhận 75% người dùng Việt nói chung bày tỏ ý định chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tích cực đến môi trường. Đồng thời, 92% người tiêu dùng Việt Nam tin rằng sống theo cách thân thiện với môi trường hơn có thể cải thiện sức khỏe của họ vào năm 2022 (so với APAC là 78%).

Những dấu hiệu tích cực về hành vi và thái độ nói trên đã thúc đẩy sự sáng tạo của nhiều công ty trong nghiên cứu và sản xuất. Dự báo trong tương lai, các thực phẩm có nền tảng dinh dưỡng thực vật sẽ được đón nhận hơn nữa, giá trị ngành hàng này tại thị trường Việt Nam có thể đạt giá trị 249 triệu USD vào năm 2027 (theo Kantar).

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ, cập nhật những kết quả nghiên cứu chuyên sâu mới nhất về dinh dưỡng thực vật, dinh dưỡng đậu nành và đạm thực vật, những lợi ích của dinh dưỡng thực vật đối với sức khỏe con người và bền vững với môi trường. Những thông tin khoa học này không chỉ mang lại lợi ích cho quá trình nghiên cứu, canh tác, phát triển và chế biến sản phẩm mà còn tác động đến tiêu dùng.

Ngọc Phi (TH)