Người đưa thương hiệu “lòng biết ơn” vào đôi giày Việt

00:22 14/08/2024

Từng làm chuyên viên thống kê ở cơ quan nhà nước với mức lương ổn định, nhưng không bằng lòng với những gì đang có, chị đã chuyển hướng kinh doanh, rồi tình cờ rẽ sang ngành giày thể thao với sự đam mê cháy bỏng.

Khởi nghiệp giữa tâm dịch 

Năm 2019, cả nước đang gồng mình chống chọi với dịch Covid - 19. Giai đoạn cam go nhất của đại dịch, TP cách ly hoàn toàn, nguồn nguyên liệu ngành dệt may, da giày thiếu hụt trầm trọng, vậy mà một phụ nữ lại táo bạo, khởi nghiệp ngay trong tâm dịch. Doanh nhân Hoàng Nguyệt, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Trung Hoàng Gia, một phụ nữ có dáng người tầm thấp nhưng vô cùng mạnh mẽ khi bước vào con đường kinh doanh.

Doanh nhân Hoàng Nguyệt, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Trung Hoàng Gia
Doanh nhân Hoàng Nguyệt, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Trung Hoàng Gia. (Ảnh: Đào Nhân)

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế vào cuối thập niên 2010, chị may mắn được nhận vào làm phòng thống kê của một cơ quan nhà nước, gia đình ai nấy cũng hớn hở vui mừng, bởi chị vào được một nơi làm việc ổn định. Thế nhưng, để có thu nhập cao, hàng ngày ngoài giờ làm việc, chị phải bán mỹ phẩm cho một công ty tư nhân. Không bằng lòng những gì đang có, sau nhiều năm làm công ăn lương, chị xin nghỉ việc ra ngoài để chuyên tâm đi làm kinh tế theo đúng với đam mê, khát khao của mình. Chị lê la khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, vào đến tận bản làng, vùng đồng bào xa xôi ở Tây Nguyên để bán từng chai dầu gội, hộp kem đánh răng, chai dầu gió...v.v. Đến một ngày, chị tình cờ gặp được những người trong ngành giày, rồi chị bén duyên với nghề lúc nào không hề hay biết.

Bén duyên với nghề giày nhờ thông thạo ngoại ngữ 

Hơn 5 năm trước, chị Nguyệt được mời đi dự giỗ tổ ngành da giày ở Hải Phòng. Bản thân không hề biết gì về ngành giày nhưng nhờ thành thạo cả 2 ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung) nên chị được người quen nhờ tìm mối ở nước ngoài mua nguyên liệu, từ đó chị mới bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực này. Với mong muốn “mua tận gốc, bán tận ngọn” vì đã có đặt hàng sẵn, nên một mình chị phải sang tận Trung Quốc tìm đối tác để mua nguyên liệu và phụ kiện về cho ngành giày. Sau khi lần mò vào khu sản xuất của các thương hiệu lớn, càng tìm hiểu, chị càng thấy ngành giày có nhiều điều thú vị nên đã ở lại một thời gian. Chị xin làm người giúp việc cho một gia đình có truyền thống ngành da giày để có cơ hội tiếp cận, học hỏi. Sau khi học được một ít kinh nghiệm, chị quay về Việt Nam trong giai đoạn cả nước đang gồng mình chống dịch covid – 19. Chị nghĩ các doanh nghiệp lớn đang khó khăn thì mình nên khởi nghiệp, biết đâu trong khó khăn lại mở ra cơ hội lớn. Vậy là chị quyết khởi nghiệp ngay lúc dịch bùng phát.

"Với một nghề mới đối với bản thân đã khó, mà khởi nghiệp trong mùa dịch thì khó khăn gấp bội, nhưng tôi đã quyết thì làm không do dự. Một thân, một mình đi tìm mặt bằng thuê mướn làm nhà xưởng; huy động vốn, đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất, tuyển công nhân vào đào tạo làm việc, cho ăn ở tại chỗ. Dù trong giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng trong thời gian ngắn, doanh nghiệp tôi đã cho ra được sản phẩm có tên thương hiệu VietCha với slogan: Nâng tầm giày Việt. VietCha nghĩa là hễ một người Việt Nam đi đâu, làm gì thì cũng cần nhớ về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ công ơn cha mẹ đã sinh thành. Khi đặt tên thương hiệu, tôi mong muốn VietCha không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng ở thị trường trong nước mà còn nhắm đến xuất khẩu, nhắm đến những kiều bào ta ở nước ngoài. Người Việt dù ở xa nhưng khi mang đôi giày vào thì nhớ về quê cha đất tổ. Slogan “Nâng tầm giày Việt”, tôi cũng muốn gởi thông điệp đến các bạn trẻ rằng, để làm được việc lớn thì phải nâng tầm của mình lên. Nâng cao về năng lực chuyên môn lẫn kiến thức, kỹ năng chuyên sâu thì mới thành công được", chị Nguyệt chia sẻ.

Tôi nghĩ các doanh nghiệp lớn đang khó khăn thì mình nên khởi nghiệp, biết đâu trong khó khăn lại mở ra cơ hội lớn.
Tôi nghĩ các doanh nghiệp lớn đang khó khăn thì mình nên khởi nghiệp, biết đâu trong khó khăn lại mở ra cơ hội lớn.. (Ảnh: Đào Nhân)

Chuyện về đôi giày “lòng biết ơn” 

Chị Hoàng Nguyệt cho biết: “Khi bước vào ngành giày, tôi luôn trăn trở rằng tại sao các thương hiệu giày thể thao lớn của thế giới như Nike, Adiadas… họ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trong khi mình cũng là nước xuất khẩu giày mà không có được thương hiệu giày thể thao nào cho người tiêu dùng trong nước nhớ đến. Vậy là tôi đã chọn giày thể thao làm đích đến cho sản phẩm của công ty mình. Ban đầu mới thành lập, tôi phải thuê một người Trung Quốc sang làm việc, ăn ở tại xưởng, trả cho họ 60 triệu/tháng trong thời điểm đang dịch, vì làm theo công nghệ mới thì công nhân người Việt không làm được, trong khi ở ta chưa có nơi nào dạy. Thuê thợ giỏi về làm cũng là cách để tôi cho công nhân trực tiếp học nghề. Với bản thân thì tôi luôn nỗ lực tìm đầu ra sản phẩm nên khi nghe điều gì mới là tôi tìm hiểu để học. Tôi học lớp kỹ năng sống, học cách thay đổi cuộc đời, học về “lòng biết ơn”, kể từ đó thôi thúc tôi có ý tưởng cần làm ra một sản phẩm mang thương hiệu “lòng biết ơn” (LBO).

Doanh nhân Hoàng Nguyệt kể với phóng viên về việc xây dựng
Doanh nhân Hoàng Nguyệt kể với phóng viên về việc xây dựng "lòng biết ơn" trong đôi giày Việt. (Ảnh: CTV)

Cái khác biệt của đôi giày LBO với những thương hiệu khác là khi ta sử dụng nó, trước hết phải biết ơn cuộc đời, biết ơn ta đã được sinh ra trên trái đất này, nên phải biết chăm sóc ngay chính đôi chân của mình. Khi con cái biết ơn cha mẹ thì mua cái gì tốt nhất, đẹp nhất cho cha mẹ. Chính vì vậy, đôi giày khi ra thị trường cũng phải thiết kế thật đẹp, tiện dụng và chất lượng, để ai đó mua tặng người thân sử dụng đều cảm thấy hài lòng. Điều đặc biệt nữa của đôi giày LBO là chúng tôi không để thừa hoặc vứt bỏ một vật gì liên quan đến nó. Chẳng hạn như cái túi xách đựng giày khi mua về mà vứt bỏ đi sẽ rất lãng phí, nên chúng tôi thiết kế thành một cái hộp rất tiện dụng. Nếu gia đình có 2 người trở lên mua giày LBO, thì cái hộp đựng giày có thể xếp với nhau thành cái hộc tủ để vào góc rất gọn và thẩm mỹ…”

Khi nói về phân khúc trên thị trường của đôi giày LBO, doanh nhân Hoàng Nguyệt cho biết, không có dự định bán lẻ tại cửa hàng mà cần tìm đại lý phân phối, bán trên các nền tảng trực tuyến. Nhưng để tiện cho khách hàng, Công ty sẽ có cửa hàng trưng bày sản phẩm. Dự kiến mỗi tỉnh sẽ đặt một cửa hàng, ai không thích mua online, sợ không vừa chân hoặc chân không đúng kích cỡ thì có thể đến trực tiếp cửa hàng xem và thử giày trước khi quyết định mua.

“Tại TP. HCM chúng tôi đã có cửa hàng đầu tiên, đến đây khách hàng sẽ được tư vấn, chăm sóc đôi chân, được đánh bóng giày miễn phí, khách hàng có thể đo kích cỡ chân để thiết kế theo mẫu riêng. Chúng tôi cũng sẽ dành riêng một không gian cho những người lớn tuổi muốn đến chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống cho mọi người về “lòng biết ơn”. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những đôi vớ, lót giày được làm từ cây gỗ quế thiên nhiên, tạo mùi thơm cho đôi chân khi đi giày. Trong đế giày cũng có gắn lò so đặc biệt, tạo độ đàn hồi, chống bị đau gót chân, đôi giày tự kháng khuẩn an toàn…v.v. Để sản xuất ra đôi giày “lòng biết ơn”, những ngày đầu tôi phải trực tiếp giám sát, kiểm tra thật kỹ từ khâu nhỏ nhất hay việc nhận đơn hàng của khách hàng nào. Thỉnh thoảng tôi còn phải lên hình livestream cam kết chất lượng sản phẩm với khách hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội. Tôi mong muốn, thương hiệu giày LBO sẽ là mô hình nhỏ của các thương hiệu lớn trên nền tảng kinh doanh online đang phát triển mạnh, đồng thời sắp tới chúng tôi sẽ đưa ngành giày Việt khẳng định tại thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Từ đơn hàng chỉ với 2.000 đôi giày đầu tiên, nhờ sự cố gắng của tập thể của công ty, đến nay thương hiệu giày VietCha và LBO của chúng tôi đã được người tiêu dùng biết đến. Không những ổn định đầu ra ở thị trường trong nước mà đang vươn ra thế giới bởi xuất phát điểm từ “lòng biết ơn” của doanh nghiệp…", chị Hoàng Nguyệt chia sẻ.

Đào Nhân