Nhà băng đối mặt áp lực tăng cường nguồn vốn giá rẻ

09:01 12/08/2024

Chi phí vốn quyết định lợi nhuận của ngân hàng. Việc giữ vốn giá rẻ cho phép ngân hàng giảm lãi suất cho vay để nâng cao cạnh tranh, đồng thời duy trì biên lãi ròng (NIM) ở mức cao.

Theo báo cáo tài chính quý II của 28 ngân hàng, 12 ngân hàng chứng kiến tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi giảm, 12 ngân hàng ghi nhận tăng, và 4 ngân hàng duy trì tỷ lệ ổn định. Trung bình tỷ lệ CASA giảm nhẹ từ 15,6% đầu năm xuống 15,4% vào cuối tháng 6.

Trong bối cảnh ngân hàng phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng, chi phí vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận. Trong hơn ba tháng qua, dù áp lực giảm lãi suất cho vay còn lớn, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, làm tăng áp lực tối ưu hóa chi phí vốn và cải thiện chênh lệch giữa huy động và cho vay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Bên cạnh các chỉ tiêu như doanh thu và lợi nhuận, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn và tổng lượng tiền gửi khách hàng cũng là những điểm quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư và thị trường.

Tính đến cuối tháng 6/2024, tại BacABank, lượng tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 1% so với đầu năm, trong khi tiền gửi không kỳ hạn giảm sâu 41,6%. Điều này làm giảm tỷ lệ CASA từ 4,4% đầu năm xuống còn 2,6%, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp nhất và giảm mạnh nhất.

Tại PGBank, tiền gửi không kỳ hạn giảm 12,2% trong kỳ, khiến tỷ lệ CASA giảm còn 14,4%, từ mức 17,2% đầu năm.

Xu hướng giảm tỷ lệ CASA không chỉ xảy ra ở các ngân hàng vừa và nhỏ. Các ngân hàng lớn, vốn nổi bật về thu hút vốn rẻ, cũng chứng kiến giảm tỷ lệ CASA trong 6 tháng qua. Cụ thể, MB, mặc dù đứng đầu về tỷ lệ CASA, nhưng con số này giảm từ 39,6% cuối năm 2023 xuống 37,8% vào cuối tháng 6. Techcombank cũng ghi nhận giảm gần 1,4 nghìn tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, với tỷ lệ CASA giảm 2,5 điểm %, còn 37,4%.

Khảo sát cho thấy 17/28 ngân hàng (60,7%) có tỷ lệ CASA dưới 15%. BacABank có tỷ lệ CASA thấp nhất, chỉ 2,6%, tiếp theo là VietABank và Kienlongbank với tỷ lệ lần lượt là 4,2% và 6%. Một số ngân hàng khác như NCB (6,3%), NamABank (6,6%), BVBank (6,8%) cũng có tỷ lệ CASA khiêm tốn.

Tỷ lệ CASA đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Tỷ lệ cao của tiền gửi không kỳ hạn giúp ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ, góp phần tối ưu hóa lợi nhuận.

Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ khoảng 0,2%/năm. Vì vậy, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ NIM và tăng khả năng cạnh tranh lãi suất cho vay.

Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm 2024, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lượng tiền gửi khách hàng giảm mạnh. Đến cuối tháng 6/2024, tổng số tiền gửi tại ABBank chỉ đạt 85.523 tỷ đồng, giảm 14,5% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA của ngân hàng này chỉ đạt 7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình ngành là khoảng 21% và mức trung bình giai đoạn 2015-2020 là 15%-17%.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tỷ lệ CASA thấp có thể buộc ngân hàng phải phụ thuộc vào các nguồn vốn khác để duy trì hoạt động, đồng thời gia tăng rủi ro tài chính do biến động thị trường. Khi không thể tăng lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất huy động, ngân hàng có tỷ lệ CASA cao sẽ dễ dàng hơn trong việc duy trì NIM ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đại diện MSB cho biết, ngân hàng dự định thúc đẩy tỷ lệ CASA đến cuối năm bằng cách cải thiện các tiện ích sản phẩm và dịch vụ, với mục tiêu đạt tỷ lệ CASA từ 35-40% trong giai đoạn 2023-2027.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho rằng, việc tăng lãi suất là xu hướng tất yếu nhưng ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ để không làm tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng có lượng CASA lớn sẽ có lợi thế hơn trong việc điều hòa chi phí vốn.

PV (Tổng hợp)