Nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời kiến nghị ‘gỡ vướng’ trong đàm phán giá điện

11:11 08/05/2023

Các nhà đầu tư kiến nghị giá mua điện tạm thời bằng 90% mức giá trần, hoặc 50% mức giá trần nhưng sẽ được bù bằng giá thống nhất tính từ khi huy động và quá trình này không tính vào 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức.

TTXVN đưa tin, 23 nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió, trong đó có Công ty cổ phần Năng lượng VPL, Công ty cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang, Công ty cổ phần phong điện Chơ Long, Công ty TNHH điện gió Sunpro Bến Tre số 8, Công ty Cổ phần điện gió Hướng Linh 3,4… vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đàm phán giá mua điện đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư.

Đại diện các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN-EPTC và chủ đầu tư đàm phán; chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán giá phát điện để tránh lãng phí.

Một dự án điện gió tại Ninh Thuận. Ảnh minh hoạ: Yên MinhẢnh minh họa
Một dự án điện gió tại Ninh Thuận (Ảnh minh hoạ: Yên Minh)

Các nhà đầu tư cũng đề xuất trong thời gian huy động công suất tạm thời, các dự án được áp dụng 1 trong 3 phương án: Phương án 1 là EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian từ khi huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng không hồi tố.

Phương án 2 là EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố (sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng).

Phương án 3 là nếu trong trường hợp giá thanh toán tạm thời thấp hoặc bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21, thì thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư.

“Trong trường hợp giá mua điện tạm thời này được thanh toán, không hồi tố và trừ vào thời gian hợp đồng mua bán điện dài hạn sẽ trở thành giá điện thanh toán chính thức. Việc mua năng lượng tái tạo với mức giá nêu trên đang đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo,cũng như các cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí thải carbon thông qua phát triển năng lượng tái tạo”, các nhà đầu tư phản ánh.

Các nhà đầu tư khẳng định, các đề xuất nêu trên đều dựa trên cơ sở dữ liệu chi phí đầu tư thực tế, tình hình đầu tư của các dự án và khả năng chịu đựng về tài chính của các nhà đầu tư; đồng thời sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để cung cấp các hồ sơ theo quy định cho việc đàm phán giá mua bán điện.

Các nhà đầu tư đồng thời kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp với Bộ Công Thương, EVN, các bộ, ngành liên quan và đại diện các nhà đầu tư để thống nhất giải pháp huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành và giá mua điện trong thời gian huy động tạm thời.

T.H