Những chính sách "tiếp sức" cho doanh nghiệp

22:50 08/07/2021

Trong Nghị quyết 68 của Chính phủ với tổng kinh phí hỗ trợ 26.000 tỷ lần này, các doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể.

Theo chính sách mới, doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong khi trước đó, một doanh nghiệp mỗi tháng phải đóng 0,5% trên quỹ tiền lương vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Về thủ tục hưởng chính sách này, doanh nghiệp chỉ cần đến cơ quan bảo hiểm đưa toàn bộ danh sách lao động đã được đóng bảo hiểm hàng tháng, sau đó phía bảo hiểm sẽ xem xét trong thời gian 2-3 ngày và ra quyết định hỗ trợ hay không. 

Những chính sách
Những chính sách "tiếp sức" cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Tuy nhiên, điều kiện tạm dừng đóng vào 2 quỹ này là doanh nghiệp phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.

Theo quy định hiện hành, mỗi tháng doanh nghiệp phải đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động với mức 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau một năm thực hiện Nghị quyết 42, cơ quan này đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho hơn 1.800 doanh nghiệp, tương ứng 192.000 lao động với số tiền tạm dừng 786 tỷ đồng.

Đặc biệt, gói hỗ trợ lần này có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% tại Ngân hàng chính sách xã hội và không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc đối với lao động.

Để được vay, doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng trong thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay dưới 12 tháng.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Hà Nội (vùng I) có 20 lao động, trung bình mỗi tháng công ty phải chi 120 triệu đồng trả tiền lương. Với chính sách hỗ trợ này, doanh nghiệp sẽ được vay 88 triệu đồng/tháng để trả lương cho người lao động.

PV