PepsiCo đổi mới hậu đại dịch: Không còn văn phòng cố hữu, làm việc từ xa tăng năng suất

11:00 24/06/2021

Hình dung lại vai trò của văn phòng và giúp nhân viên linh hoạt hơn trong lựa chọn nơi làm việc là một phần trong kế hoạch “Làm việc hiệu quả” của PepsiCo (PEP), một cải tiến mới sau đại dịch. Trong đó, văn phòng không còn là địa điểm chính và bắt buộc để hoàn thành công việc, các nhân viên trên toàn cầu cùng quản lý khu vực sẽ thảo luận và quyết định khi nào làm việc tại chỗ, khi nào được phép hoạt động từ xa.

Sergio Ezama, Giám đốc tài năng kiêm Giám đốc nhân sự của PepsiCo, cho biết trong  một cuộc phỏng vấn với CNN Business: “Không có giới hạn cụ thể. Không có số ngày có mặt cố định tại văn phòng”. Trong số khoảng 290.000 nhân viên của công ty, khoảng 80.000 làm việc tại các văn phòng công ty, số còn lại làm việc trong các môi trường phi tập trung bao gồm nhà máy, nhà kho và trung tâm bán hàng. Đây chính xác là những gì Ezama muốn miêu tả về tương lai của Pepsico. 

Sergio Ezama
Sergio Ezama. (Ảnh: CNN)

Chính sách làm việc từ xa của PepsiCo trước đại dịch là gì?

Trước đại dịch, công ty có chính sách theo tuần, tức là mọi người có thể yêu cầu làm việc từ xa trong tối đa hai ngày khi được quản lý chấp thuận. Vì vậy, nếu phải làm việc ở nhà trong hai ngày vào tuần tới, nhân viên cần gửi email cho sếp để xin phép và câu trả lời sẽ là “có” hoặc “không”. Tùy thuộc vào vị trí công việc, chính sách được thực hiện nhiều hơn ở các địa điểm có trụ sở lớn. Giờ đây, ý tưởng đầu tiên là không cần nơi làm việc cố định và một văn phòng “vật lý ảo” sẽ là sáng kiến hấp dẫn. Trước đại dịch, thông thường PepsiCo có khoảng 65% tổng số nhân viên được chỉ định thời gian làm việc. Những chính sách nói trên đều theo một khuôn phép có sẵn và bắt buộc có sự đồng ý từ cấp trên.

Kế hoạch làm việc của các nhân viên trong công ty hiện nay?

Khi lãnh đạo công ty thăm dò ý kiến về việc có nên quay lại hình thức cũ hay không, câu trả lời là “Hãy cho tôi cơ hội để quyết định vị trí và cách tôi làm việc”. Như đã nói ở trên, ý tưởng thứ nhất là không cần nơi làm việc cố định. Thứ hai, các nhà quản lý và nhân viên sẽ cùng đi tới kết luận chung để hoàn thành công việc một cách tốt nhất mà không bị giới hạn. Ý tưởng quan trọng thứ ba là giảm thời gian có mặt nhưng tăng năng suất lao động.

Là tập đoàn lâu đời nhưng tinh thần không già cỗi, PepsiCo được định vị là một “xã hội thu nhỏ” với vô số các kết nối. Văn hóa công ty thực hiện bốn vai trò: sáng tạo, cộng tác, kỷ niệm và kết nối là những yếu tố thúc đẩy khả năng làm việc cũng như hiệu quả sản phẩm.

Đại diện PepsiCo chia sẻ, ở văn phòng truyền thống, nhân viên sẽ phân công chỗ ngồi nhưng với cách làm việc mới sẽ giúp mở rộng không gian cộng tác. Tại trụ sở chính ở New York, PepsiCo đã chuyển đổi hai tầng lớn nhất thành không gian mở, các nhân viên có thể tự lựa chọn và thay đổi vị trí nếu muốn.

Ngoài ra, nói về thị trường lao động, hầu hết nhân công đều muốn tìm đến những công ty có tài chính ổn định, hoạt động tốt, có thương hiệu trong suốt đại dịch. Trong thời kỳ an toàn là trên hết, người lao động coi PepsiCo là điểm đến hấp dẫn với quy mô lớn và nguồn tài nguyên dồi dào. Để đáp lại, PepsiCo ngày càng đổi mới và thấu hiểu người lao động.

TL