Phá bỏ nhiều “rào cản” trong lĩnh vực dược – mỹ phẩm và an toàn thực phẩm

11:26 13/01/2021

Bộ Y tế đã bãi bỏ số lượng kỷ lục các văn bản quy phạm pháp luật, làm lợi cho các doanh nghiệp 2,4 triệu ngày công và 625 tỷ đồng mỗi năm.

(Ảnh: Internet)

Với việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho hàng nghìn hồ sơ mỗi năm, đảm bảo cho việc cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng được liên tục, thông suốt, không bị “đứt gãy” dẫn đến khan hiếm và đầy giá lên cao, nhằm bảo vệ quyền lợi người bệnh, Thông tư số 29/2020/TTBYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Thông tư 29) do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ngày 31/12/2020 đã tạo sự thay đổi ngoạn mục, phá bỏ nhiều “rào cản” trong lĩnh vực dược – mỹ phẩm và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu bức xúc của doanh nghiệp.

Đó là ý kiến của đại diện nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị triển khai Thông tư 29 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, do Bộ Y tế tổ chức.

Với việc bãi bỏ hàng loạt văn bản, Thông tư 29 do tân Bộ trưởng Bộ Y tế ký lập tức tác động tích cực đến hàng ngàn doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển, góp phần xây dựng đất nước. Các doanh nghiệp đều cho biết thấy nhẹ nhõm trước “hàng rào” quy định đã được dỡ bỏ, họ thấy như thoát khỏi các thủ tục vốn được coi “hành là chính” vì không phù hợp.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế. (Ảnh: Internet)

Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Thông tư 29 đã sửa đổi một số điều của 11 Thông tư trước đây về quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, HIV theo nguyên tắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong giai đoạn gặp khó khăn vì Đại dịch COVID-19, nhưng vẫn bảo đảm tăng cường quản lý chất lượng các mặt hàng nhập khẩu.

“Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế đề sửa đổi, bãi bỏ một số lượng lớn “kỷ lục” các văn bản không còn phù hợp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Thông tư này sửa đổi 11 văn bản quản lý pháp luật với nhiều nội dung phức tạp, cho thấy quyết tâm cải cách hành chính, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của Bộ Y tế, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra”, ông Quang nhấn mạnh.

Để xây dựng Thông tư mang tính “cởi trói” này, Bộ Y tế đã rà soát hơn 547 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, để phát hiện các văn bản không còn phù hợp, đồng thời, chủ động thu thập, ghi nhận gần 200 phản ánh, kiến nghị của các các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y tế.

Ông Quang cho biết thêm, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, Thông tư 29 cho phép doanh nghiệp được nộp các hồ sơ, tài liệu bản điện tử, chưa đủ dấu và chữ ký nhưng cung cấp đường dẫn để cơ quan quản lý tra cứu trực tuyến và hậu kiểm, thể hiện một phương thức quản lý mới, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với những khó khăn chưa có tiền lệ do dịch bệnh. Việc xác thực hậu kiểm nhằm đảm bảo giải quyết nhanh chóng các loại thuốc phục vụ điều trị, đặc biệt là bệnh dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu hậu kiểm mà giấy tờ không đảm bảo sẽ có các biện pháp xử lý nghiêm.

Ông Chu Quốc Thịnh – Trưởng phòng Quản lý đăng ký thuốc (Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) cũng cho hay: Thông tư 29 đã bãi bỏ quy định chứng thực chữ ký, tên người ký, dấu cơ quan cấp, giúp hòa nhập quốc tế và đơn giản hóa giấy tờ, tài liệu tới 5.392 hồ sơ thuốc nước ngoài đã nộp theo quy định tại Thông tư 32 (từ 1/9/2019 đến nay).

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê hồ sơ đăng ký thuốc nước ngoài đã nộp trong năm 2020, thì dự kiến có khoảng 3.500 hồ sơ đăng ký thuốc nước ngoài mỗi năm được đơn giản hóa thủ tục hành chính.

PV