Phú Thọ: “Dân vận khéo” đã và đang phát huy tác dụng tốt

06:38 29/09/2022

Tại tỉnh Phú Thọ, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã và đang phát huy tác dụng tốt, được xây dựng, phát hiện, nhân rộng, khơi dậy nội lực trong nhân dân góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của các địa phương, đơn vị, ở từng ngành và lĩnh vực.

Huyện Thanh Thủy trồng được nhiều con đường hoa nhờ công tác
Huyện Thanh Thủy trồng được nhiều con đường hoa nhờ công tác "dân vận khéo". 

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác dân vận, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh được triển khai trọng tâm hướng về cơ sở. Nhiều mô hình được nhân rộng thành phong trào như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn đổi ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thương mại dịch vụ, giải quyết việc làm...

Từ kết quả đạt được tại hội thi “Cán bộ dân vận khéo” vào năm 2002, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm tới việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm, cách làm của các mô hình đã triển khai và nhân ra diện rộng. Năm 2010 với 877 mô hình “Dân vận khéo” đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 6.021 mô hình “Dân vận khéo” trong đó: 4.066 mô hình tập thể, 1.955 mô hình cá nhân.

“Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó phát huy được dân chủ ở cơ sở với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội . Có nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng hạ tầng nông thôn mới.

Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, xuất hiện một số cách làm mới, sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực, trong đó có việc vận động người bị thiệt hại ít ủng hộ cho người bị thiệt hại nhiều trong quá trình giải phóng mặt bằng (tiêu biểu là ở huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Cẩm Khê, thị xã Phú Thọ...).

Xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba là đơn vị duy nhất trong tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong vận động nhân dân thực hiện dồn đổi ruộng đất, xây dựng nông thôn mới.

Mô hình “Dân vận khéo” trong công tác dồn đổi ruộng đất của xã Thanh Hà (Thanh Ba)
Mô hình “Dân vận khéo” trong công tác dồn đổi ruộng đất của xã Thanh Hà (Thanh Ba). 

Ông Hà Văn Tuân- Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hà chia sẻ: “Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu nêu gương làm trước, thực hiện trước thì quần chúng nhân dân mới làm theo. Tuy nhiên, việc làm đó phải đặt quyền, lợi ích của nhân dân lên hàng đầu và làm theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc, dân chủ, công bằng, văn minh...”

Trong các cơ quan, doanh nghiệp, “Dân vận khéo” được các đơn vị thực hiện thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, vận động cán bộ công nhân viên chức tích cực học tập nâng cao trình độ, tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp, coi trọng xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm trong thời kỳ hội nhập... Tiêu biểu như Công ty CP gạch men TaSa, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì, Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì, Công ty Điện lực Phú Thọ, Công ty Chè Phú Đa, Công ty Chè Phú Bền, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao...

Trong các cơ quan nhà nước, nhiều sở, ngành đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị: “Chính quyền điện tử, của dân, do dân, vì dân” của Văn phòng UBND tỉnh; “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo” của Sở Tài chính; “Tuyên truyền quần chúng Nhân dân thực hiện tốt an toàn giao thông” của Sở Giao thông; “Xây dựng khu dân cư, xã nông thôn mới kiểu mẫu” của Sở Nông nghiệp và PTNT; “Công sở văn minh” của UBND các xã, thị trấn (huyện Lâm Thao); “Dân vân khéo” trong giải quyết thủ tục hành chính cấp chứng minh nhân dân của huyện Tam Nông...

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ cho biết: “Các cấp ủy Đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận. Xây dựng chương trình, kế hoạch trong giai đoạn mới phải gắn với thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh; trong đó ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; các quy định nêu gương của cán bộ đảng viên và phong trào xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”.

P.V