Phú Thọ: Ngành Ngân hàng từng bước đẩy mạnh hình thức giao dịch không dùng tiền mặt

11:42 02/06/2022

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn của ngành Ngân hàng. Chính vì vậy, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã triển khai các ứng dụng thanh toán trực tuyến cùng nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được khuyến khích với mục tiêu tiến tới không dùng tiền mặt trong các giao dịch.

 

Cán bộ Ngân hàng BIDV Phú Thọ hướng dẫn người dân đăng ký thanh toán trực tuyến tiền điện, nước qua hệ thống ngân hàng
Cán bộ Ngân hàng BIDV Phú Thọ hướng dẫn người dân đăng ký thanh toán trực tuyến tiền điện, nước qua hệ thống ngân hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, tính đến tháng 5/2022, tổng số thẻ giao dịch ngân hàng đã phát hành lũy kế ước đạt trên 1,5 triệu thẻ; giao dịch tài chính qua Internet ước đạt 8.697.147 triệu đồng; thanh toán trên thiết bị di động ước đạt 18.228.498 triệu đồng. Tổng số đơn vị đã trả lương qua tài khoản ngân hàng là 2.444 đơn vị; tổng số tài khoản đã mở dùng để trả lương qua tài khoản ngân hàng là 881.715; trong đó tài khoản thuộc đối tượng hưởng lương ngân sách là 121.615 tài khoản; lắp đặt 840 máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ). Đến nay đã có trên 95% các giao dịch nộp thuế tại các huyện, thành, thị trong tỉnh thực hiện qua tài khoản ngân hàng; 100% Công ty điện lực, Công ty cấp nước, các trường học, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí qua ngân hàng.

Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thương mại, dịch vụ công tuy đã có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên mới chỉ tập trung ở khu vực thành thị; thực tế người dân tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận và sử dụng hình thức này. Nguyên nhân là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến, việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại của một bộ phận người dân còn khó khăn. Mặt khác, công tác thông tin, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thấy được tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế…

Tuy nhiên, chính trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát việc mua sắm không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh toán này cũng ngày càng được hoàn chỉnh. Việc ứng dụng công nghệ và đầu tư trang thiết bị hạ tầng cơ sở phục vụ cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được các ngân hàng chú trọng phát triển. Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ngành Ngân hàng miễn phí sử dụng trong giao dịch như chuyển tiền trực tuyến qua Mobile Banking, thanh toán hóa đơn, mua hàng, đặt dịch vụ trực tuyến qua ứng dụng Mobile Banking, ví điện tử hay thanh toán tại cửa hàng, trên website bán hàng qua mã QR... đã liên tục xuất hiện, ngày càng phổ cập trong cuộc sống, tạo bước phát triển mới trong các phương thức thanh toán của ngành Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đem lại lợi ích thiết thân cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công như: Thu thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…

Trong công tác quản lý và bán điện cho khách hàng, Công ty Điện lực Phú Thọ đã phối hợp với các nhà mạng và hệ thống ngân hàng cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giúp khách hàng không tốn chi phí, thời gian đi lại mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Công ty đạt 86,8% (tăng 8% so với kế hoạch).

Chị Nguyễn Thị Thao ở xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) sử dụng mã QR để thanh toán phí giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Chị Nguyễn Thị Thao ở xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) sử dụng mã QR để thanh toán phí giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty điện lực Phú Thọ khẳng định: Không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự minh bạch và chống thất thu thuế cho Nhà nước.

Tỉnh Phú Thọ xác định đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhằm đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ứng dụng những công nghệ lõi, các dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động. Triển khai từng bước hoạt động đại lý thanh toán; chú trọng đến các tổ chức không phải ngân hàng triển khai hoạt động đại lý thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đảm bảo an toàn theo quy định. Tăng cường kết nối giữa các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng với Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của các sở, ngành, địa phương, các cơ quan đơn vị liên quan nhằm đơn giản hoá thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản thu, nộp thuế, lệ phí, thu phạt hành chính, thanh toán hoá đơn (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí…).

Đồng chí Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ khẳng định: Việc đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng yêu cầu của xã hội và mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như công tác quản lý. Do đó, ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và đề ra các chỉ tiêu phát triển khách hàng cụ thể. Đồng thời, các địa phương, tổ chức đoàn thể cần vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết sử dụng dịch vụ.

PV