Thành phố Cảng Hải Phòng - điểm đến hấp dẫn và thành công của các nhà đầu tư trong và ngoài nước

07:52 12/10/2023

Những năm qua, Hải Phòng luôn giữ vị trí nằm trong nhóm đầu của cả nước thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; quá trình thu hút đầu tư có bước tiến đột phá về số lượng vốn và chất lượng dự án; các tập đoàn lớn đã lựa chọn Hải Phòng để đặt trụ sở.

Thành phố Cảng Hải Phòng - điểm đến hấp dẫn và thành công của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Thành phố Cảng Hải Phòng - điểm đến hấp dẫn và thành công của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhiều doanh nghiệp “Chim ưng” đã đậu xuống Hải Phòng

Hải Phòng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có tiềm năng to lớn về vị trí địa lý và giao thông thuận lợi: Là đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế (hội tụ đủ 5 loại hình giao thông), có cảng nước sâu Lạch Huyện là một trong 20 cảng biển lớn nhất của thế giới và cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Bởi vậy, Hải Phòng luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế và sức hấp dẫn trong đầu tư và phát triển. Song, điều quan trọng nhất là thành phố luôn chú trọng để những lợi thế này ngày càng gia tăng và phát huy hiệu quả mạnh mẽ, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 6.144 ha. Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540 ha được xác định là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng Duyên hải Bắc Bộ và cả nước, với những cơ chế và chính sách ưu đãi vượt trội đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Theo Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, tính đến tháng 9/2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có sự hiện diện của hơn 400 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký hơn 25,7 tỷ USD và hơn 200 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký gần 13,3 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong chín tháng của năm 2023, Hải Phòng đã tạo lực hút hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI, vượt gần 30% và về đích trước ba tháng so kế hoạch cả năm 2023.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng không ngừng được cải thiện, với các chính sách đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và minh bạch. Hải Phòng luôn đặc biệt chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp toàn diện, nhanh chóng và hiệu quả với phương châm đồng hành, phục vụ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư an toàn cho nhà đầu tư, xây dựng hình ảnh Thành phố thật sự hấp dẫn và năng động trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trong tháng 9/2023 của UBND TP. Hải Phòng
UBND TP. Hải Phòng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trong tháng 9/2023 

Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone, Regina Miracle, Kyocera… đã lựa chọn Hải Phòng là điểm đến cho các dự án lớn. Các dự án lớn này hoạt động thuận lợi, hiệu quả lại làm nhiệm vụ dẫn dắt để mở mang phát triển, hoặc tạo sức hút các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng tiếp tục đến với Hải Phòng để hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn…

Điển hình như tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn LG, sau 10 năm có mặt tại thành phố Cảng đã đạt gần 10 tỷ USD, tạo ra kim ngạch xuất khẩu hơn 50,6 tỷ USD, chiếm tới 43% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, mỗi năm đóng góp cho ngân sách 70 triệu USD, tạo việc làm cho 31 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/tháng… Và mới đây nhất, cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn LG đã được trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng vốn dự án LG Innotek thêm 1 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư của dự án này lên 2 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư vào KKT, KCN được chủ động lựa chọn theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững hợp lý, hiện đại. Các ngành sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng thấp như sản xuất giày dép, đóng tàu có xu hướng giảm dần tỷ trọng; ngành sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất vật liệu xây dựng (chủ yếu là sản xuất xi măng), sản xuất kim loại giảm nhanh tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành; Các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất hóa chất, cao su và plastic (sơn tàu biển, ống nhựa, dược phẩm và thiết bị y tế, lốp ô tô…) đã có sự phát triển đột phá và chiếm tỷ trọng cao; Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, GRDP công nghiệp ngày càng tăng qua các năm.

Cơ cấu này đã phản ánh sự chuyển dịch ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo đảm phát triển công nghiệp chủ lực hiện đại có tỷ trọng cao vừa phát triển đa dạng ngành nghề có lợi thế, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

"Thành công của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của thành phố"

Với mục tiêu tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị xác định xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh bền vững; thành phố Hải Phòng đang tiến những bước dài trong nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI.

Tiếp tục chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; chú trọng thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố, trong đó, thu hút vốn FDI theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ, cùng với đó là phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất, chuỗi hỗ trợ cung ứng. Năm 2023 thành phố tiếp tục đặt ra nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2- 2,5 tỷ USD.

Ảnh minh họa
Không khí lao động trên công trường Khu sản xuất linh kiện hệ thống tự động an toàn ô tô HMT (Hải Phòng)

Hải Phòng đặc biệt chú trọng việc xúc tiến "tại chỗ" bằng việc lan tỏa quan điểm "Thành công của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của thành phố", về môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi của thành phố và từ hiệu quả đầu tư của chính các doanh nghiệp đã đặt chân vào Hải Phòng… Cũng từ đó, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã không chỉ tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở mang sản xuất, kinh doanh, mà còn giới thiệu bạn bè, đối tác, doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi sản xuất cùng tham gia đầu tư…

Cùng với đó, thành phố tập trung cao cho công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các chuyến xúc tiến đầu tư trực tiếp tại các quốc gia có các doanh nghiệp có nhiều triển vọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiên tiến, đáp ứng chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư của thành phố như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước có công nghiệp hiện đại của châu Âu được chú trọng. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành thành phố cũng tổ chức quảng bá, giới thiệu, tiếp đón chu đáo các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thành phố…

Một góc khu công nghiệp Deep C
Một góc khu công nghiệp Deep C.

Nhằm tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư vào các KCN, KKT Hải Phòng, đồng thời có thể cạnh tranh được với các tỉnh lân cận có lợi thế tương đồng, Hải Phòng luôn chú trọng và khuyến khích các nhà đầu tư hạ tầng KCN tập trung phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển KCN hiệu quả và bền vững.

Nam Trí Đức