Thêm chính sách, thêm trợ lực cho người dân, doanh nghiệp

20:53 27/10/2021

Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí đều rất cần thiết bởi đây là sự trợ lực quý giá dưới góc độ tài chính, giúp họ vượt qua khó khăn trong thời điểm này.

Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn.

Nhìn lại năm 2020, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời gian nộp các khoản thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất. Đồng thời Bộ Tài chính đã đề xuất miễn, giảm các khoản thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường), phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng giá trị hỗ trợ từ các chính sách này là khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, Bộ Tài chính đã tiếp tục trình Chính phủ ban hành các chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không; thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2021. Bộ Tài chính dự kiến tổng giá trị hỗ trợ khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm trên 3.000 tỷ đồng. Theo đánh giá, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, được người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mới nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, có 4 giải pháp miễn, giảm thuế của năm 2021 gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế phải nộp phát sinh trong các quý 3 và 4 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong một số ngành nghề và miễn tiền chậm nộp. Đáng chú ý có các giải pháp lần đầu tiên được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam là miễn thuế đối với hộ kinh doanh, giảm thuế giá trị gia tăng và miễn tiền chậm nộp.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc thực hiện 4 giải pháp này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tính tổng chung các giải pháp đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng.

"Khoan sức dân"

Hiện cộng đồng doanh nghiệp đang vui mừng vì Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 đã chính thức được ban hành, là sự trợ lực cần thiết giúp "khoan sức dân" khi dịch Covid-19 đã "bào mòn" sức chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế.

"Dù ít, dù nhiều nhưng mọi sự hỗ trợ về tài chính lúc này đều rất quý giá. Đến thời điểm này cũng chưa thể biết được số tiền miễn giảm trong năm nay với doanh nghiệp sẽ là bao nhiêu nhưng chúng tôi có thể hình dung ra được đó sẽ là tiền trả những khoản nợ đến hạn, tiền phát triển thị trường, tiền tìm kiếm những kênh kinh doanh mới phù hợp với thị hiếu, hoặc ít hơn nữa thì cũng có thể là khoản hỗ trợ người lao động của chúng tôi khi gia đình của họ cũng đang lao đao vì Covid-19", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, việc đề xuất các chính sách liên quan đến thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế - xã hội là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính. Bởi lẽ trong hoàn cảnh này, Bộ Tài chính đang lâm vào "thế khó" khi vừa phải đảm bảo dự toán thu đã được Quốc hội giao từ đầu năm vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để "nuôi dưỡng" nguồn thu.

Theo Bộ Tài chính, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát tình hình thực tế để kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp tiếp theo.

Theo TCHQ