"Thổi phồng giá" niêm yết máy thở hay là sự táng tận của lương tâm?!

07:49 12/08/2021

Câu chuyện máy thở model 2000 EVO5 nhập khẩu, bình thường bán chỉ 455 triệu đồng nhưng giá kê khai trên Cổng công khai y tế lại là 960 triệu đang làm nóng dư luận nhiều giờ qua...

"Cú vọt giá" đáng ngờ

Trên "Cổng công khai Y tế" tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn (Bộ Y tế), loại máy thở xâm nhập và không xâm nhập người lớn có Model MV2000 EVO5; hãng sản xuất Mekics Co., Ltd. (Hàn Quốc) được yết giá công khai 960.500.000 VND/máy.

Giá máy thở niêm yết công khai trên https://congkhaiyte.moh.gov.vn là 960.500.000 VND/máy

Giá máy thở niêm yết công khai trên https://congkhaiyte.moh.gov.vn là 960.500.000 VND/máy.

Thế nhưng, vẫn là loại máy đó, cùng hãng sản xuất, cùng Model, Công ty Thiết Bị Y Tế An Sinh chào giá công khai 455.000.000 VND/máy.

Để bạn đọc dễ hình dung, hãy cùng thực hiện phép so sánh say đây: Giá nhập khẩu máy thở nói trên của hãng Mekics Co., Ltd. bán cho nhà phân phối tại Lào và nhà phân phối tại Việt Nam là ngang nhau, cụ thể là có giá dưới 12.000 USD/máy. Thậm chí, tại Việt Nam giá còn có thể thấp hơn vì là thị trường lớn, hiện đang có sức tiêu thụ cao.

Trong khi đó, theo hợp đồng của một nhà phân phối tại Lào vừa cung cấp cho Bộ Y tế Lào 11 máy, cũng loại MV2000 EVO5 này, giá chỉ 205.000 LAK (kíp)/máy, tương đương 485 triệu VND/máy đã bao gồm cả thuế nhập khẩu 5%, thuế VAT 10%, thanh toán trả chậm cả năm (mất thêm lãi ngân hàng 9%/năm), bảo hành 1 đổi 1 và trượt giá. Đây là theo tỉ giá quy đổi ra tiền Việt do ngân hàng niêm yết (khoảng 1 LAK = 2,38 VND), mà giá đó thì khó thực hiện trên thị trường quy đổi. Thực tế, con số 205.000 LAK ở Lào tương đương chưa đến 18.000 USD, tức chỉ trên dưới 400.000.000 VND/máy

Như vậy, cộng lãi gộp các thứ tổng cộng khỏang 35%, giá bán ra ở Việt Nam mà Công ty An Sinh chào 455.000.000 VND là hợp lý, mức lợi nhuận đã khá cao.

Thế nhưng, sự phát hiện cú "thổi phồng giá" đáng ngờ, sau nhập khẩu giá bán bình thường 455 triệu đồng nhưng lại kê khai trên Cổng công khai y tế là 960 triệu đang thực sự "gây sốt" trong dư luận nhiều giờ qua! Câu hỏi đặt ra là tại sao giá niêm yết công khai trên website https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ của Bộ Y tế lại đội lên 2,1 lần???

Có hay không chiêu trò trục lợi?

Thực tế hiện nay, nhu cầu về máy thở đang ngày càng trở nên cấp thiết. Máy thở đang thiếu nghiêm trọng. Qua tìm hiểu phóng viên được biết, để mua được máy thở, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện... vừa vận động tài trợ, vừa trầy trật vất vả  kiếm tìm nguồn cung máy thở. Có không nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện tự đứng ra mua được số lượng lớn máy thở.

Máy  thở Model MV2000 EVO5; hãng sản xuất Mekics Co., Ltd. (Hàn Quốc) được giới thiệu trên https://ansinhmed.com

Máy thở Model MV2000 EVO5; hãng sản xuất Mekics Co., Ltd. (Hàn Quốc) được giới thiệu trên https://ansinhmed.com.

Thêm vào đó, việc mua máy thở nếu qua kênh ngân sách sẽ mất nhiều thời gian vì quy trình thực hiện đấu thầu, đấu giá. Chính bởi thế, phần lớn các nhà hảo tâm đều tặng, tài trợ bằng tiền mặt, phía các đơn vị y tế nhận máy sẽ báo giá cho nhà tài trợ chuyển tiền, cơ sở y tế tự mua.

Lẽ đương nhiên, căn cứ theo bảng giá niêm yết được đăng tải công khai trên "Cổng công khai Y tế" là 960 triệu đóng/máy, thời gian qua một số nơi đã đề nghị nhiều giá khác nhau, nhưng đều trên 650 triệu đồng/máy. Các nhà tài trợ thấy rẻ hơn 300 triệu đồng/máy so với giá Bộ Y tế cho công khai, tất nhiên sẽ đồng ý mà không hề biết rằng họ đều đã phải chi đắt hơn giá thị trường khoảng 200 triệu cho một chiếc máy mà mình tài trợ.

Câu chuyện từ chiều ngày 11/8, mạng xã hội đã xôn xao về thông tin "công khai đội giá máy thở": loại máy thở model 2000 EVO5 của Mekics (Hàn Quốc) sản xuất, Công ty An Sinh nhập khẩu báo giá bán cho các đơn vị là 455 triệu đồng, nhưng công khai giá trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế tới... 960 triệu đang thực sự làm nóng dư luận, dấy lên những nghi ngờ về việc có hay không động cơ lợi dụng dịch bệnh để vơ vét?

Sau những phân tích, so sánh đã nêu ở trên, câu hỏi đặt ra là ai chủ trương cho phép và căn cứ vào đâu để "thổi phồng" giá niêm yết máy thở trên "Cổng công khai Y tế" lên 2,1 lần so với giá thị trường? Giữa đại dịch, việc đẩy giá quá cao có phải là nguyên nhân chính khiến máy thở trở nên khan hiếm? Liệu đây có phải là chiêu trò nhằm trục lợi qua các thương vụ mua máy thở? Và hơn tất cả, Bộ Y tế có biết việc này hay không? Đây có phải là lợi ích nhóm hay không?

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ

Thông tin mới nhất cho hay, chiều 11/8, Bộ Y tế đã phát đi văn bản gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh (địa chỉ 16/176 Lê Trọng Tấn - Q.Thanh Xuân - TP.Hà Nội) đề nghị làm rõ việc niêm yết giá máy thở tăng gấp đôi.

Máy trợ thở đang là cứu cánh thiết thực nhất đối với những beengj nhân Covid-19

Máy trợ thở đang là cứu cánh thiết thực nhất đối với những beengj nhân Covid-19.

Tại văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu công ty làm rõ việc "thổi phồng giá" loại máy thở kể trên. Bộ Y tế đề nghị công ty khẩn trương, nghiêm túc rà soát và có báo cáo giải trình lý do công bố giá cao đột biến, chênh lệch 210% so với giá bán, gửi Bộ Y tế trước ngày 13/8.

Công văn giải trình gửi về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế) trước 17h ngày 13/8. Nếu quá thời gian trên, Bộ Y tế sẽ thực hiện dừng tài khoản của công ty trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.

Thiết nghĩ, để "làm sạch" thị trường trang thiết bị y tế trong thời điểm hiện tại cũng như về lâu dài, đáng nói hơn là để nâng cao khả năng giành giật mạng sống cho các bệnh nhân Covid-19, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, trả lời thỏa đáng các câu hỏi, sớm chặn đứng tình trạng lợi dụng dịch bệnh nâng giá lên cao ngất ngưởng.

Đạo đức kinh doanh là gì? Câu chuyện trục lợi trên sức khỏe, sinh mệnh của một người thôi đã là sự táng tận lương tâm không thể chấp nhận! Hơn lúc nào hết, bên cạnh sự nỗ lực của triệu triệu người trong cả nước để sớm dập tắt làn sóng Covid-19 thì máy thở đang trở thành cứu cánh cho hàng ngàn sinh mệnh! Sự bao biện, lý giải của các đơn vị liên quan; Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan sẽ xử lý vụ việc như thế nào vẫn là hồi kết đang còn bỏ ngỏ. Bất luận như thế nào, hành vi trục lợi trên sức khỏe, sinh mệnh của người bệnh Covid-19 vẫn là sự táng tận lương tâm không thể nào chấp nhận!

Trần Linh