Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Phú Thọ

07:30 10/10/2022

Bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số, nhiều HTX trong tỉnh Phú Thọ đã có những thay đổi về nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, góp phần tiết kiệm nhiều loại chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, hướng tới sản xuất chuyên nghiệp.

HTX Thực phẩm xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao
HTX Thực phẩm xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao.

Nhằm tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ đã triển khai mô hình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ”, đồng thời lựa chọn một số HTX tham gia, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng.

Việc thực hiện mô hình này nhằm chuẩn hóa quy trình sản suất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa và xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị với phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech- Chuỗi nông nghiệp số” cho thiết bị di động với các tính năng tích hợp đầy đủ các phân hệ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản.

Toàn tỉnh hiện có hơn 500 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó có gần 400 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số HTX đã ứng dụng chuyển đổi số và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất như: HTX sản xuất chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn; HTX Mì gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì; HTX Thực phẩm xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao; HTX kinh doanh bưởi đặc sản Chí Đám, huyện Đoan Hùng; HTX sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ...

Hiện nay, các HTX tham gia chuyển đổi số đều được cấp mã số, hướng dẫn cài đặt trên hệ thống, được sơ đồ hóa và định vị GPS cơ sở sản xuất; quản lý và cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, nhật ký điện tử sản suất theo thời gian thực; cập nhật, trích xuất các báo cáo, thống kê các sản phẩm; mã hóa và xuất code tem truy xuất nguồn gốc QR kết nối với dữ liệu đầu vào cho từng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng có thể check đầy đủ thông tin, tạo sự yên tâm khi sử dụng.

HTX mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì
HTX mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Là HTX chuyên sản xuất các sản phẩm mì, bột rau củ bằng phương pháp sấy lạnh, HTX Thực phẩm xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao đã áp dụng phần mềm “Agritech - chuỗi nông nghiệp số” trong quản lý sản xuất. Hiện nay, các sản phẩm của HTX bao gồm các loại mì rau củ sấy lạnh như: Mì rau ngót, mì hoa thiên lý, mì bí, mì cải bó xôi, mì nghệ và các loại bột rau củ sấy lạnh...

Chị Đào Thị Thu Trang - Giám đốc HTX Thực phẩm xanh cho biết: Ban đầu sử dụng app Agritech chúng tôi còn lúng túng nhưng khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chúng tôi đã ghi được các thông tin về sản phẩm và nhật kí sản xuất. Sản phẩm của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Cùng với phương thức bán hàng truyền thống, chúng tôi đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá về sản phẩm OCOP và bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội… từ đó, sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 30% so với trước đây.

Việc các HTX chủ động bắt nhịp trong chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Chuyển đổi số nông nghiệp chính là “chìa khóa” để thực hiện sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

P.V