Tiêu dùng hộ gia đình trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành sản xuất Trung Quốc

09:06 16/03/2021

Hoạt động sản xuất của các nhà máy và lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc đã tăng mạnh trong hai tháng đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau cơn tê liệt do vi rút Corona gây ra vào đầu năm 2020.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Theo dữ liệu từ Cục thống kê Quốc gia cho thấy, sản lượng công nghiệp tăng 35,1% từ mức 7,3% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn dự báo trung bình về mức tăng 30,0% của Reuters. Doanh số bán lẻ tăng 33,8%, cũng nhanh hơn mức dự báo tăng 32% và đánh dấu một bước nhảy vọt đáng kể từ mức tăng trưởng 4,6% trong tháng 12 và giảm 20,5% trong tháng 1 đến tháng 2 năm 2020.

Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á và Oxford Economics, cho biết: “Chúng tôi có cái nhìn tích cực đối với triển vọng tương lai của xuất khẩu và đầu tư sản xuất trong năm nay. Và chúng tôi kỳ vọng tiêu dùng hộ gia đình sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính kể từ quý 2 trở đi khi niềm tin được cải thiện và mở cửa du lịch trở lại theo lệnh của chính phủ. Khả năng ngăn chặn đại dịch của Trung Quốc đã cho phép quốc gia này phục hồi nhanh hơn. Năm 2020, đây là nền kinh tế lớn duy nhất báo cáo mức tăng trưởng dương hàng năm với mức tăng 2,3%. Sự phục hồi đã được thúc đẩy bởi kinh doanh thương mại, gia tăng nhu cầu và các gói kích cầu của Chính phủ. Tăng trưởng xuất khẩu đạt tốc độ kỷ lục trong tháng 2 trong khi giá tại nhà máy tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.

Ngoài ra, các biện pháp khác cho thấy sự phục hồi trên diện rộng với sản lượng công nghiệp tăng 16,9% và doanh thu bán lẻ tăng 6,4% so với hai tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, Liu Aihua, một phát ngôn viên của NBS, cảnh báo rằng tuy rằng có dấu hiệu hồi phục đáng vui mừng nhưng trên thực tế nền tảng cơ bản vẫn chưa vững chắc. Ông Liu cho biết, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh: “COVID-19 vẫn đang lan rộng khắp thế giới với các điều kiện kinh tế toàn cầu rất phức tạp và khắc nghiệt. Hiện nhiều khu vực trên cả nước hồi phục kinh tế chưa đồng đều dẫn đến mất cân bằng giữa các tỉnh”.

Quốc gia này đã chứng kiến ​​các đợt bùng phát COVID-19 rải rác bùng phát trở lại vào đầu năm nay nhưng tình hình nhìn chung đã được kiểm soát vào đầu tháng Hai. Trong khi hàng triệu công nhân thường về quê trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người đã ở lại trong năm nay do lo ngại về COVID-19. Điều đó khiến các nhà máy hoạt động ì ạch trong thời gian qua tuy nhiên cũng có một số tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng. Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết, dữ liệu hàng tháng được điều chỉnh theo mùa chỉ ra tăng trưởng doanh số bán lẻ thực sự giảm trong tháng 1 đến tháng 2, nguyên nhân có thể là do lệnh hạn chế di chuyển.

Đầu tư vào tài sản cố định tăng 35% trong hai tháng đầu tiên so với cùng kỳ năm trước đó, chậm hơn mức tăng 40% dự báo. Con số này so với mức tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020 và mức giảm 24,5% vào tháng 1 đến tháng 2 năm ngoái. Trong đó, đầu tư cho tài sản cố định của khu vực tư nhân, chiếm 60% tổng vốn đầu tư, đã tăng 36,4% trong tháng 1 đến tháng 2, so với mức tăng 1,0% cho cả năm 2020.

Bắc Kinh trong tháng này đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm khiêm tốn, ở mức trên 6%, thấp hơn nhiều so với dự báo đồng thuận của các nhà phân tích là hơn 8% trong năm nay. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, trọng tâm của tăng trưởng trong năm nay là củng cố sự phục hồi kinh tế. Zhang Yi, nhà kinh tế trưởng tại Zhonghai Shengrong Capital Management cho biết, sự phục hồi thể hiện rõ trong các chỉ số hàng tháng có thể lên tới đỉnh điểm. Ông hy vọng cơ sở hạ tầng sẽ nhận được sự thúc đẩy từ chính sách tài khóa phù hợp trong khi xuất khẩu có khả năng duy trì tăng trưởng cho tới khi nền kinh tế thế giới mở cửa.

TL