Phú Thọ: 3 năm liên tiếp tăng bậc trong bảng xếp hạng PCI

10:54 24/05/2022

Năm 2021, Phú Thọ xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là thứ hạng cao nhất từ năm 2007 đến nay và là năm thứ 3 liên tiếp Phú Thọ tăng bậc trong bảng xếp hạng này. Điều đó thể hiện sự nỗ lực bền bỉ của tỉnh trong thực hiện mục tiêu vươn mình từ top cuối bảng xếp hạng lên top khá một cách bền vững.

Với 66,11/100 điểm, Phú Thọ đứng thứ nhất trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc với một số chỉ số thành phần đạt cao như: Chi phí thời gian (7,70 điểm); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,21 điểm); Tính năng động (7,18 điểm); Tiếp cận đất đai (7,01 điểm); Tính minh bạch (6,10 điểm)… Kết quả này có được là do quyết tâm cao của Phú Thọ trong thực hiện khâu đột phá chiến lược cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, gồm các nhóm giải pháp trọng tâm trong các năm qua: Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng; thu hút đầu tư đối với các dự án trọng điểm, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 đã đóng vai trò như một “phép thử” đối với khả năng quản trị địa phương của nhiều tỉnh, thành phố. Số điểm 7,18, cao hơn trung bình của cả nước (6,84 điểm) ở chỉ số thành phần “Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương” cho thấy Phú Thọ đã thực hiện tốt công tác ứng phó dịch bệnh, duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cao hơn trung bình cả nước, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm tăng điểm ở chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” như: Thành lập Tổ Công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; xây dựng các kênh trao đổi thông tin giữa chính quyền với doanh nghiệp; hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp; gia hạn nợ thuế; miễn giảm tiền lãi, cơ cấu lại các khoản nợ vay; giảm tiền điện, nước, viễn thông cho doanh nghiệp. Ông Bùi Văn Thiềng - Giám đốc Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ khẳng định: Những giải pháp cụ thể, thiết thực của Phú Thọ đã giúp các doanh nghiệp củng cố thêm niềm tin, có thêm động lực để vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong đại dịch.

Cùng với tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tỉnh cũng xây dựng tiêu chí, danh mục dự án thu hút đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các nhà đầu tư chiến lược, các dự án động lực, các dự án lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh... Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp các thủ tục về đầu tư, về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về thủ tục xây dựng… Tỉnh cũng đã thực hiện công khai, minh bạch các hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết ở từng cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Phú Thọ đã thực hiện rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư (từ 35 ngày còn 18 ngày, giảm 17 ngày so với quy định); áp dụng hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng, trung bình hằng năm có 1.200 lượt hồ sơ đăng ký qua mạng, chiếm 26% lượt hồ sơ. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,84%. Từ đó nâng điểm ở chỉ số “Chi phí thời gian” và “Tính minh bạch”. 

Cán bộ khu Hùng Nhĩ, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn trao đổi với người dân về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án trên địa bàn
Cán bộ khu Hùng Nhĩ, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn trao đổi với người dân về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án trên địa bàn.

Với sự chuyển biến đồng bộ, Phú Thọ đã tạo được sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Slovakia, Italia…; các doanh nghiệp lớn trong nước như: FLC, T&T, Vingroup, Sông Hồng Thủ Đô… Năm 2021, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 74 dự án trong nước và 15 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đầu tư 19,5 nghìn tỷ đồng và 500 triệu USD, đưa Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh về thu hút FDI. Riêng quý I/2022, toàn tỉnh có 220 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 2.891,4 tỷ đồng, tăng 20,9% về số doanh nghiệp và tăng 98,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,1 tỷ đồng, tăng 64,4% cùng kỳ năm trước.

Xác định việc tiếp cận đất đai là “mấu chốt” để doanh nghiệp quyết định đầu tư tại tỉnh, Phú Thọ quyết liệt trong triển khai các giải pháp nâng điểm ở chỉ số này. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang: Tỉnh đã công khai các quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn và các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư, các văn bản có liên quan đến đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các huyện, thành, thị để tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin. Đồng thời rút gọn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.

Hai năm 2021 và 2022 được Phú Thọ xác định là năm tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai các dự án. Để thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở, lần đầu tiên Phú Thọ đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực. Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc giám sát, kiểm điểm hằng tuần đối với giải phóng mặt bằng; phân công trách nhiệm cho từng thành viên để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, nhất quán quan điểm, thực hiện giải phóng mặt bằng theo nguyên tắc đúng quy trình ngay từ đầu, đảm bảo công khai, minh bạch các quy định pháp luật về đất đai và công khai các phương án, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tăng cường giám sát, phản biện, kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế chính sách, những vấn đề chưa thỏa đáng trong phương án giải phóng mặt bằng để giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. 

Huyện Tam Nông giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
Huyện Tam Nông giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Linh hoạt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện không chỉ giúp tỉnh đã thu hồi được trên 660ha đất sạch, trong đó có khoảng 200ha tại các khu công nghiệp để bàn giao cho các nhà đầu tư; 19 dự án trọng điểm đã được tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai trong năm 2021,  Nhiều dự án lớn được bàn giao mặt bằng sạch đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công và về đích như: Nhà máy điện tử BYD Việt Nam giai đoạn 1, Khu Công nghiệp Phú Hà; Trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản...

Phú Thọ đang hướng đến mục tiêu trở thành địa phương phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; chỉ số PCI xếp thứ 15 toàn quốc. Cùng với việc giữ điểm ở những chỉ số trên, Phú Thọ đang tiếp tục nỗ lực cải thiện các chỉ số PCI chưa có nhiều chuyển biến ở năm trước như: Gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý. Trong đó, nhiệm vụ trọng điểm là tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó khẳng định vị trí là điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư.

PV