Tình yêu của hip hop đã đưa Timberland trở thành công ty tỷ đô như thế nào?

07:50 28/12/2020

Ở Mỹ, những đôi giày Timberland được công nhận rộng rãi như một mặt hàng thời trang chủ lực. Vậy làm thế nào mà những đôi giày boot của Timberland lại có thể trở thành một biểu tượng của phong cách hip hop?

Cách thương hiệu ra đời

Thương hiệu Timberland được khai sinh từ một công ty đóng giày nhỏ có trụ sở tại New England, ban đầu đặt là công ty The Abington Shoe. Abington Shoe đã sử dụng một kỹ thuật đúc sáng tạo để sản xuất một đôi giày da Nubuck cao 6 inch chống thấm nước, có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Công ty gọi nó là chiếc boot Timberland. Vào cuối những năm 1970, 80% tất cả các sản phẩm mà Abington Shoe bán ra là boot Timberland. Vì vậy, vào năm 1978, công ty đổi tên thành Timberland, theo một bài báo năm 1983 từ The Boston Globe. 

Rob Walker, Tác giả của cuốn“Buying In: What We Buy and Who We Are” cho biết ban đầu, Timberlands hướng tới đối tượng là “những người làm việc trong các nhà máy hoặc công trình xây dựng”. Nhưng khi mẫu giày này trở nên phổ biến, gia đình Swartz - người sở hữu thương hiệu, muốn thu hút thêm khách hàng “cao cấp”, nhũng khách hàng muốn có một đôi giày “có thể đi chơi xa vào cuối tuần một cách thoải mái”. Nhà thiết kế chính sau này của Timberland - Cebra Robusto, nói với The Boston Globe vào năm 1988: "Công ty đã quảng cáo trên các tạp chí như The New Yorker và bán giày tại các cửa hàng như Saks Fifth Avenue".

Thanh thiếu niên ở Milan đi ủng Timberland
Thanh thiếu niên ở Milan mang đôi boot của Timberland.

Vào cuối những năm 80, sự phổ biến của những đôi boot đã tăng lên trên toàn thế giới. Tờ New York Times đưa tin những thanh thiếu niên đã đi ăn cưới để có tiền mua giày boot Timberlands ở kinh đô thời trang Milan, các tiếp viên hàng không người Mỹ cũng mua hàng chục chiếc Timberlands để bán lại với giá gấp đôi ở Ý. Chiếc boot được yêu thích ở những nơi như Anh và Nhật Bản. Những đôi boot đã tạo ra mức doanh thu tăng đột biến: Năm 1988, tờ The Boston Globe báo cáo rằng doanh số bán hàng của Timberland đã tăng từ 48 triệu đô la lên 138 triệu đô la trong khoảng thời gian 5 năm trước đó.

Đến năm 1989, Timberland mở cửa hàng hàng thứ hai (cửa hàng đầu tiên ở New Hampshire, nơi công ty đặt trụ sở) trên khu Upper East Side của New York - khu bất động sản đắt giá dành cho các thương hiệu thời trang đắt tiền. Người dân Thành phố New York quan tâm về chất lượng và uy tín đã bắt đầu mua giày của hãng. Nhưng những khách hàng đó không phải là những người mà Timberland mong đợi.

Đôi giày biểu tượng của hip hop

Sự nổi lên của Timberland tại các thị trường “thành thị” giống như một câu chuyện cũ. Theo John và Walker, những khách hàng đầu tiên của Timberland ở thành phố New York là những kẻ bán ma tuý. “Nó đến từ những người, nói theo một cách nào đó, luôn luôn bận rộn đi lại ngoài phố,” John nói. “Họ có nhiều tiền, có thể đi lên những khu trung tâm hoặc các khu phố lớn để tìm đến các thương hiệu lớn hơn.”

Còn theo Walker, những người trẻ tuổi ở Harlem sẽ tới Midtown để tìm mua Timberland boot, những đôi giày đang ngày càng có chỗ đứng trong những khu dân cư chủ yếu là người da đen. “Từ góc nhìn của tôi, những kẻ buôn ma túy ở các góc phố là những kẻ có tầm ảnh hưởng về phong cách và sẽ luôn sở hữu những thứ mới mẻ đầu tiên,” Walker chia sẻ.

Cũng trong khoảng thời gian này, hip-hop đang dần trở thành dòng nhạc được yêu thích ở New York và tới những năm 90, nó đã trở thành loại hình âm nhạc phổ biến. Các nghệ sĩ da đen vì thế cũng ngày có ảnh hưởng khi nói đến xu hướng thời trang. “Với những đứa trẻ, khi muốn nói về một thương hiệu cụ thể thì trước hết chúng phải nhìn thấy sản phẩm đó ở một người mà chúng đánh giá cao", John khẳng định.

Trong suốt những năm 90, các rapper người New York đã đưa hình ảnh đôi giày Timberland vào phong cách thời trang và âm nhạc của họ. Người ta chụp được ảnh Biggie Smalls đi đôi giày này trong các buổi biểu diễn và hình ảnh của nó cũng xuất hiện trong bài hát Hypnotize (1997) của anh. Nas cũng đi những đôi giày Timberland trong suốt 25 năm sự nghiệp và hát về đôi giày này trong bài hát "The World is Yours" (1994) của mình.

Theo SEC, giữa năm 1991 và 2000, lợi nhuận của Timberland tăng từ 80 triệu USD lên hơn 500 triệu USD và đến năm 2000, doanh thu của công ty đã vượt qua con số 1 tỷ USD. Trong suốt những năm 90, khi Timberland đạt được tốc độ tăng trưởng thần tốc, các nhà nghiên cứu đã nghiêm túc xem xét về hành vi tiêu dùng của nhóm khách hàng da đen. Theo thống kê từ tờ Los Angeles Sentinel, trong năm 1993, người Mỹ da đen chi tiêu nhiều hơn các nhóm khách hàng da trắng tới 50% cho giày dép và 4% cho quần áo.