Tổ chức đấu giá lại tài sản khối băng tần C3 cho 5G

15:34 04/06/2024

Đây là lần thứ hai khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) được đưa ra đấu giá. Trước đó, ngày 20/2/2024, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia phát hành thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) vừa vừa ban hành thông báo số 822/TB-CTS với nội dung lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản khối băng tần C3 cho 5G.

Cục Tần số vô tuyến điện (VTĐ) cho biết, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá khối băng tần C3 từ 08h00 ngày 04/6/2024 đến 17h00 ngày 06/06/2024. Địa điểm nộp hồ sơ Cục Tần số VTĐ, số 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Các đơn vị tham gia cũng có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện (hồ sơ gửi theo đường bưu điện được tính theo dấu bưu điện trước giờ của ngày kết thúc nộp hồ sơ). Mọi thông tin liên hệ qua số điện thoại: 024.3556.4919 – máy lẻ 317.

Cụ thể, nội dung tên tài sản, giá khởi điểm của tài sản đấu giá gồm: Khối băng tần C3 (3800-3900 MHz); 01 khối; 2.581.892.500.000 đồng (Hai nghìn năm trăm tám mươi mốt tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).

Đây là khối băng tần được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, sử dung phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo Thông tư số 13/2023/TT-BTTTT ngày 23/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch băng tần 3560 - 4000 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam. Thời hạn của giấy phép sử dụng băng tần là 15 năm.

Điều kiện sử dụng băng tần và các nội dung khác có liên quan được quy định chi tiết tại Quyết định số 823/QĐ-BTTT ngày 21/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt Phương án tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800 - 3900 MHz (khối băng tần C3).

Nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả việc đấu giá, văn bản nêu, yêu cầu rõ về các tiêu chí: cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết đảm bảo cho việc đấu giá đối với các loại tài sản đấu giá cần đạt mức điểm tối đa 23 điểm; có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả (thuyết minh đầy đủ các nội dung trong phương án) dật điểm tối đa 22 điểm; có năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản đạt điểm tối đa 45 điểm; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp 5 điểm; có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá do Bộ Tư pháp công bố...

Đây là lần thứ hai khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) được đưa ra đấu giá. Trước đó, ngày 20/2/2024, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia phát hành thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) dự kiến tổ chức vào hồi 14h00' ngày 14/3/2024.

Tuy nhiên, căn cứ kết quả tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và kết quả thu khoản tiền đặt trước, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia thông báo danh sách doanh nghiệp không đủ điệu kiện tham gia đấu giá là do doanh nghiệp không nộp tiền đặt trước. Vì vậy, cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) không được tổ chức vì thiếu số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định.

Được biết, sau lần đấu giá các băng tần 2.500-2.600 MHz (dành cho 4G, 5G) và 3.700-3.800 MHz (dành cho 5G) trong tháng 3/2024, đã có 2 doanh nghiệp là Viettel và VNPT trúng giá. Do vậy, tại phương án tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về các phương án xử lý tình huống đấu giá trong trường hợp chỉ có 1 tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, 1 tổ chức trả giá.

Tổ chức đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500-2.600 MHz (khối băng tần B1) hoặc băng tần 3.700-3.800 MHz (khối băng tần C2) không được tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần C3.

Với băng tầng C3, doanh nghiệp khi trúng đấu giá, sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần, cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần 3.800-3.900 MHz; cam kết cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 3.800-3.900 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng.

Tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 3.800-3.900 MHz, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần này.

Tú Anh (t/h)