"Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là thách thức mang tính toàn cầu"

20:42 13/05/2024

Đây cũng là nhận định của Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) tại phiên chuyên đề "Các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" diễn ra chiều ngày 13/5.

phiên chuyên đề về
Toàn cảnh phiên chuyên đề về "Các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" thuộc Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Số tiền bị lừa đảo trực tuyến tăng lên gấp đôi so với năm trước

Trong bối cảnh mạng lưới tội phạm ngày càng phức tạp và tinh vi, phiên chuyên đề về "Các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" thuộc Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng đã diễn ra diễn ra chiều ngày 13/5 tại thủ đô Hà Nội, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu và lãnh đạo ngành An ninh mạng. Trong đó có Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống, chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.

Tại phiên chuyên đề, Trung tá Triệu Mạnh Tùng chỉ ra rằng, tội phạm lừa đảo trực tuyến không chỉ là một vấn đề của Việt Nam mà còn là một thách thức mang tính toàn cầu. Ông nhấn mạnh ở một số quốc gia, chính phủ đã thực hiện mô hình liên ngành để chống lại hoạt động lừa đảo trực tuyến.

"Hiện nay, việc lừa đảo trên mạng được xem là một nghề dành cho những kẻ muốn kiếm tiền một cách bất chính. Nhiều tổ chức tội phạm đã tập hợp hàng trăm cá nhân tham gia vào các hoạt động lừa đảo. Tình hình ngày càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng, không hề có dấu hiệu giảm nhẹ" ông Triệu Mạnh Tùng nhận xét.

Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05, Bộ Công an, trong năm 2023, số tiền mà các cá nhân và doanh nghiệp bị mất do lừa đảo trực tuyến đã tăng lên đáng kể, lên tới khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước. Đây chỉ là con số dựa trên các trường hợp mà nạn nhân đã báo cáo cho cơ quan chức năng, trong khi số liệu thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.

Theo thống kê, tội phạm mạng chiếm 57% tổng số vụ tội phạm các loại, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế, tài chính mà còn làm mất ổn định, an ninh an toàn xã hội.

Ảnh minh họa
Trong năm 2023, số tiền mà các cá nhân và doanh nghiệp bị mất do lừa đảo trực tuyến đã tăng lên đáng kể, lên tới khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hành phục của người dân. Theo thống kê, trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản án lừa đảo trực tuyến; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo là 73%.

Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB công bố vụ lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay; chợ đen mua bán thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai trực tuyến cơ sở dữ liệu miễn phí gồm trên 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng. Tình trạng mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng tác động xấu đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Cũng theo A05, các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, chúng thành lập các “công ty” chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… để hoạt  động phạm tội tại Việt Nam.  

Các đối tượng lừa đảo còn thường chia sẻ những phương thức, thủ đoạn mới, hoàn hảo, cập nhật kịch bản thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh, điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm.

Tại phiên chuyên đề, các chuyên gia đều có chung một nhận định, sự phát triển của công nghệ, internet đã mở ra nhiều phương thức mới giúp người dân và doanh nghiệp có cơ hội tương tác và tiếp xúc với nhau nhiều hơn trên không gian mạng. Điều này vô hình kéo theo những phương thức lừa đảo hoàn toàn mới, ngày càng tinh vi, khó lường và nguy hiểm. Thủ đoạn mà các tin tặc hay sử dụng là thâm nhập vào hệ thống thông tin của cá nhân cũng như doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một thực tế đáng lưu ý là sự thiếu hiểu biết và ý thức cảnh giác của người dân trước các hình thức lừa đảo trên mạng là nguyên nhân gây ra các vụ lừa đảo. Nhiều nạn nhân không chỉ thiếu kiến thức về bảo mật thông tin mà còn không biết cách bảo vệ quyền lợi của mình khi bị mất tiền.

Phòng, tránh lừa đảo trực tuyến: Liên tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Cuộc chiến chống lại lừa đảo trên không gian mạng không thể thành công mà không có sự hợp tác từ toàn xã hội và sự chung tay của các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương. Để đối phó hiệu quả với các hoạt động này, cần phải tìm ra các giải pháp đồng thời ngăn chặn luồng tiền từ nạn nhân tới tội phạm và ngăn chặn tội phạm sử dụng các dịch vụ và ứng dụng công nghệ do doanh nghiệp cung cấp để lừa đảo.

Tại toạ đàm, nhiều giải pháp cụ thể từ các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã được đưa ra thảo luận để chia sẻ góc nhìn, kinh nghiệm trong thiết kế xây dựng sản phẩm, phương án ngăn chặn hai yếu tố nói trên.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự phiên chuyên đề Các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng chiều 13/5
Toàn cảnh toạ đàm chia sẻ giải pháp tại phiên chuyên đề "Các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" diễn ra chiều 13/5.

Các doanh nghiệp nhận định rằng, lừa đảo ngày càng phức tạp khi tội phạm sử dụng công nghệ để thực hiện các hành vi gian lận, từ việc thu thập thông tin cá nhân đến tạo ra các tài khoản giả mạo. Hiện nay, người dùng Việt tiếp xúc với nguy cơ lừa đảo trực tuyến hằng ngày, hằng giờ... Tuy nhiên, nhiều người có thói quen dùng phần mềm không bản quyền, là môi trường lan tỏa ứng dụng độc hại. Bên cạnh đó, còn có xu hướng tội phạm sử dụng AI deepfake để tái tạo gương mặt người dùng, tạo tài khoản trùng tên để lừa đảo người thân...

Để đối phó, nhiều doanh nghiệp công nghệ như Viettel, VNPAY, MK, Momo đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để phát triển các sản phẩm an toàn hơn, cảnh báo sớm về các hình thức lừa đảo mới và nhận diện các hành vi đáng ngờ từ khách hàng.

Theo đại diện của Viettel, việc tăng cường hợp tác và chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp là rất cần thiết. Họ đang triển khai giải pháp hạ tầng số để đảm bảo mọi người, đặc biệt là ở các vùng sâu, xa có được sự tiếp cận công nghệ mà không bị bỏ lại phía sau.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chuyên gia tư vấn An ninh mạng toàn cầu - FPT IS
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chuyên gia tư vấn An ninh mạng toàn cầu - FPT IS.

Trong toạ đàm, ông Nguyễn Thanh Bình - Chuyên gia tư vấn An ninh mạng toàn cầu - FPT IS đã cho biết: "Triển khai an ninh mạng mọi người thường nói là ngăn chặn mọi mối đe doạ, nhưng thực chất chỉ là phòng ngừa các mối đe doạ".

Để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, theo ông Bình mấu chốt là phải nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản của người dùng. Muốn làm được điều đó cần bồi dưỡng liên tục, về phía cơ quan quản lý nên thúc đẩy các biện pháp chủ động, tức là nâng cao đào tạo kiến thức cho người dân, có thể qua các video, hình ành trên mạng xã hội ngay cả khi họ không biết trước được.

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng thư ký Trưởng ban nghiên cứu, tư vấn chính sách, pháp luật Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, nhấn mạnh rằng, mỗi người dân cần tự bảo vệ mình trước các nguy cơ lừa đảo trên mạng. Bằng cách này, chúng ta có thể tạo ra một môi trường an toàn và minh bạch hơn trên không gian mạng.

Ông nhận định luồng chảy dữ liệu như một con sông, nhưng nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn mất cân bằng, mọi người có tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ.

Chính vì vậy, chỉ khi mỗi cá nhân đều nhận thức được vai trò của mình trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, chúng ta mới có thể tiến xa hơn trong cuộc chiến chống lại lừa đảo trên mạng.

Bảo Bảo