Tổng công ty CP cơ khí xây dựng Thăng Long "hậu Covid": Thách thức song hành cùng cơ hội

15:13 07/07/2021

Năm 2021, dịch Covid – 19 vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp. Đây chính là thời cơ tốt nhất để kiểm tra sức khỏe kinh tế của doanh nghiệp – nhất là các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, đối với Tổng Công ty CP cơ khí xây dựng Thăng Long, việc thành công trong công tác tìm kiếm thị trường giữa “tâm dịch” đã khiến cho giới đầu tư kinh doanh có góc nhìn mới về “sức khỏe” kinh tế của đơn vị này…

Thước đo sức khỏe kinh tế?

Khi được hỏi về “gốc rễ” thước đo sức khỏe kinh tế của doanh nghiệp giữa lúc “tâm dịch” là gì? Phần lớn các chuyên gia tài chính đều nói “việc làm”. Một số các học thuyết thịnh hành ở phương Tây cũng chỉ ra rằng: “Việc làm là thước đo sức khỏe kinh tế của doanh nghiệp, chứ không đơn thuần là lợi luận hàng năm của doanh nghiệp đó thu được. Bởi, lợi nhuận chỉ là tức thời, còn việc làm là “gốc rễ” giúp doanh nghiệp đó phát triển ổn định lâu dài…”.

Đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng, gây thiệt hại năng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính điều này đã tác động lớn đến các doanh nghiệp dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.  

Chú thích
Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến các doanh nghiệp dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, theo Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long cho thấy, có nhiều điểm “tươi sáng” về kinh tế dù đang giữa “mùa dịch”. Cụ thể, kết quả doanh thu năm 2020 đạt được là 630.793.000.000 đồng. Thu nhập bình quân theo đầu người cũng ở ngưỡng 11,7 triệu đồng/ người/ tháng.

Mặc dù doanh thu và thu nhập bình quân theo đầu người của Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long không phải là lớn, nhưng tựu chung lại là “gốc rễ kinh tế” của đơn vị khá ổn định khi nguồn vốn sản xuất kinh doanh năm 2020 đã thu hồi được 15.802 tỷ đồng tiền nợ tồn đọng. Nhưng “gốc rễ” chính về sức khỏe của doanh nghiệp này vẫn là công tác tìm kiếm thị trường đạt được nhiều thành tựu , riêng tổng giá trị Hợp đồng năm 2020 ký được đạt 676,8 tỷ (Điển hình: Hợp đồng xây dựng cầu Móng Sến - Lào Cai, Hợp đồng Cầu Rào 1 - Hải Phòng, Hợp đồng xây lăp các cây cầu đường sắt gói 05, 08, 10; Hợp đồng cầu Yên Hòa…), qua kết quả này cho thấy doanh nghiệp đã đảm bảo giải quyết được việc làm cho người lao động và ổn định sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Đầu năm 2021 đến nay, đơn vị này đã trúng hàng loạt Gói thầu lớn có giá trị từ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Giải mã “chìa khóa” thành công

Qua báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021của Tổng Công ty cho thấy, sự thành công có được đều xuất phát từ việc xây dựng chiến lược và kế hoạch rất cụ thể. 

Đối với công tác điều hành sản xuất, Ban giám đốc cho thành lập các Ban Điều hành cho từng dự án, mỗi dự án đều có Phó Tổng giám đốc hoặc Tổng giám đốc phụ trách trực tiếp, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tiến độ và cả dòng tiền mới mục đích nhằm đạt được hiệu quả cao nhất có thể cho từng dự án trong thời kỳ khó khăn này.

Dưới góc nhìn của một số các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, “chìa khóa” thành công của Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long đạt được là do những năm gần đây đơn vị này không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và cập nhật công nghệ tiên tiến, có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân trình độ chuyên môn cao, luôn mở rộng phát triển thị trường cũng như tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, “sự khôn ngoan” của doanh nghiệp chính là mở rộng quan hệ tìm kiếm đối tác và nhà đầu tư để đảm bảo nguồn cung công việc nhằm duy trì ổn định sản xuất kinh doanh phát triển lâu dài, không chỉ trong năm 2021 mà còn là “bài toán” ổn định kinh tế cho các năm tiếp theo. 

Tổng Công ty CP đã thành công vượt bão Covid-19
Tổng Công ty CP cơ khí xây dựng Thăng Long đã thành công vượt bão Covid-19 nhờ nỗ lực không ngừng.

Bên cạnh những thuận lợi trong công tác chuyên môn và kinh nghiệm trong ngành thì doanh nghiệp hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn khi đơn vị đang thi công nhiều dự án và công trình lớn như: Các cây cầu đường sắt Bắc Nam; Kết cấu thép Khu liên cơ quan Vân Hồ; cầu Phật Tích; cầu Sông Rạng; cầu Móng Sến; Cầu rào…. vì hiện nay giá thép và giá nhiều nguyên vật liệu khác sử dụng trong ngành xây dựng tăng đột biến và khan hiếm khó lường làm nhiều dự án đội chi phí thêm hàng chục tỷ đồng ảnh hưởng lớn đến các công trình dự án đang được triển khai thi công trên cả nước, đặt biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách do phải đảm bảo đúng các quy định, quy trình trong hợp đồng bỏ thầu mới giải ngân được. Bên cạnh đó việc bùng phát đại dịch Covid-19 cũng khiến cho doanh nghiệp phải thực hiện yêu cầu giãn cách và thậm chí tạm dừng thi công một số công trình gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế của doanh nghiệp.

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp cùng ngành nói chung đang gặp phải rất cần sự vào cuộc của chính phủ, các Bộ ban ngành sớm ban hành những văn bản cụ thể trong việc hổ trợ, chia sẽ khó khăn cùng doanh nghiệp một cách thực tế kịp thời và hiệu quả.

 Mỹ Ánh